Nuôi Cá Lóc Tự Phát Gây Ô Nhiễm Môi Trường Ở Mỹ Đức (Bình Định)
Nuôi cá lóc mang lại thu nhập tương đối khá nên nhiều hộ dân ở các đội 7, 8 và 9 thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ - Bình Định) đã đổ xô đào ao, trải bạt nuôi cá lóc trong vườn nhà. Việc nuôi cá không theo quy hoạch đã làm môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại thôn Hòa Tân có khoảng 40 hộ dân, trong đó đội 7 chiếm hơn một nửa số hộ đào ao, lót bạt nuôi cá lóc. Mỗi nhà đào ít nhất 2 - 3 ao, có nhà 6 - 7 ao; mỗi ao có diện tích khoảng vài chục mét vuông, mật độ cá nuôi trong ao dày đặc.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các hộ nuôi cá này, không nhà nào có hệ thống dẫn chất thải và hầm chứa chất thải. Mỗi ngày ít nhất 2 lần, các hộ nuôi cá xả chất thải từ ao cá như thức ăn thừa, phân cá ngay trong vườn nhà, chảy ra ngoài đường đi và ruộng lúa của người khác, gây mùi hôi tanh nồng nặc. Hệ lụy của việc làm tự phát này khiến cho hàng trăm hộ dân ở đây phải lãnh đủ.
Anh Lê Thanh Hùng, một người dân ở đội 7, bức xúc: “Họ (người nuôi cá - NV) xả nước thải tràn lan, khiến nước giếng bị nhiễm bẩn, nước uống có mùi hôi tanh. Đi làm về, nhà nào cũng phải đóng kín cửa để tránh mùi tanh từ chất thải”. Không chỉ anh Hùng, nhiều hộ dân khác cũng bức xúc: Nước từ các ao cá thải ra ruộng khiến lúa bị thối gốc. Ruồi, muỗi sinh ra rất nhiều dễ dẫn đến dịch bệnh. Đáng lo hơn, các hộ này khoan giếng sâu để lấy nước nuôi cá làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nhiều giếng ở đây luôn trong tình trạng cạn khô.
Được biết, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hộ nuôi cá lóc tự phát ở thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức đã được người dân nhiều lần phản ánh đến thôn và chính quyền xã. Mới đây, các đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri tại xã Mỹ Đức, người dân cũng đã nêu ý kiến về việc ô nhiễm và đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng can thiệp.
Ông Lê Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, cho biết: UBND xã đã nhận được phản ánh từ người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó giải quyết; vì người dân cho rằng vườn nhà của họ nên muốn xả đâu chẳng được. Hơn nữa, xã cũng chưa có khu nào quy hoạch để người dân nuôi cá.
Để cho nghề nuôi cá lóc ở xã Mỹ Đức phát triển bền vững, tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, chính quyền xã Mỹ Đức cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi cá xa khu dân cư. Có vậy, người dân sẽ không tự phát đào ao nuôi cá và khoan giếng nước ngầm tràn lan như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương vừa đề xuất với các bộ, ngành miễn giảm chi phí xuất khẩu vải sang Malayssia cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) để sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu con giống “sạch” cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh.
Trồng rừng khá chuyên nghiệp nên gia đình ông Huỳnh Thanh Nghĩa, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đã vươn lên làm giàu.
Huyện Tuần Giáo có 211ha mặt nước để nuôi thủy sản, với sản lượng cá hàng năm đạt trên 232 tấn; tập trung ở các xã: Mường Mùn, Mùn Chung, Quài Tở, Quài Cang, Chiềng Sinh, Chiềng Đông. Nhờ đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Tuy nhiên, hàng năm bước vào mùa mưa gây khó khăn không nhỏ cho các hộ nuôi thủy sản do nước ngập hoặc sau lũ xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất thủy sản.
Vụ mùa năm nay, toàn xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) gieo cấy 69ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa địa phương và Nhị ưu 838. Từ đầu tháng 6, nông dân xã Quảng Lâm đồng loạt ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải đất, chuẩn bị thóc giống để gieo mạ sau đó đợi mưa xuống, có nước mới tiến hành gieo, cấy. Thời điểm này, khoảng 90% diện tích đã được cày ải xong. Sau mấy trận mưa giông đầu mùa, lượng nước dồi dào, bà con tập trung dẫn nước vào ruộng bắt đầu gieo, cấy.