Chăn nuôi nhỏ sẽ đứng vững

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập kinh tế” do Bộ NN-PTNT phối hợp với một số tổ chức quốc tế diễn ra hôm qua (27/10), Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 15 Hiệp định FTA.
Theo đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện các nhóm cam kết đối với ngành chăn nuôi, quan trọng nhất là cắt giảm thuế quan, loại bỏ hạn ngạch, cam kết giảm bóp méo thị trường (bỏ trợ cấp)…
Theo đó từ năm 2016 - 2018, đa số các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn và phụ phẩm thịt bò, phụ phẩm thịt lợn; thịt gia cầm, trứng, sữa… sẽ có mức thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp từ 5 - 10% đối với nhiều nước như khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Newzeland – Úc, Ấn Độ…
Theo TS.Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), việc giảm thuế NK sẽ có tác động mạnh nhất đối với một số nhóm sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam bao gồm phụ phẩm gà NK từ Mỹ, Thái Lan và Hàn Quốc; thịt gà, thịt bò, thịt bò đông lạnh, sữa nguyên liệu từ Ấn Độ, Newzeland, Úc và thịt lợn từ EU (Tây Ban Nha, Đan Mạch).
Đánh giá về nguy cơ của những sức ép này, TS Khôi cho rằng chăn nuôi Việt Nam sẽ vẫn có “miếng đánh” riêng dựa vào đặc thù tiêu dùng của người Việt.
TS.Đoàn Xuân Trúc (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cũng cho rằng, tổ chức chuỗi liên kết giá trị khép kín trong chăn nuôi sẽ là chìa khía để chăn nuôi nông hộ tồn tại, bằng chứng tại TP.HCM, Hà Nội và Đồng Nai cho thấy có thể tiết kiệm được 12-22% chi phí SX nếu khép kín được chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, HTX chăn nuôi cũng là yêu cầu không thể thiếu thời gian tới.
Một nghiên cứu của IPSARD mới đây về mức độ ưa thích trong tiêu dùng thịt của người Việt Nam (với mức điểm tối đa là 10) cho thấy, nhóm thích sản phẩm đông lạnh chỉ đạt 2.1 điểm; nhóm thích thịt ướp lạnh chỉ 2.2 điểm và nhóm thích thịt tươi sống đạt tới 9.4 điểm.
Điều này cho thấy lợi thế đối với các sản phẩm thịt tươi sống tiêu dùng trong nước sẽ vẫn là lợi thế cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam trước cơn lốc thịt NK.
Cũng theo TS Khôi, các hộ chăn nuôi gà quy mô lớn và vừa, đặc biệt là chăn nuôi gà lông trắng, các hộ chăn nuôi lợn quy mô trên 50 con cung cấp cho các thành phố lớn, các hộ chăn nuôi bò thịt ven thành thị sẽ là các đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh và sớm nhất bởi các hiệp định FTA.
Trái lại, các hộ chăn nuôi nhỏ, đặc biệt là ở vùng nông thôn trước mắt sẽ vẫn có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng hơn do đặc thù SX và tiêu thụ tại chỗ, ít phải thông qua các hệ thống tiêu thụ nhiều tầng nấc.
Cùng nhận định này, TS Ma.Lucila Lapar, trưởng nhóm nghiên cứu Chuỗi giá trị chăn nuôi – thủy sản (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế) cho rằng, nếu xây dựng được chuỗi liên kết từ SX đến tiêu thụ, đồng thời tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như thủy hải sản, kết hợp với tận dụng giá trị trong chăn nuôi như SX phân bón, khí sinh học…, chăn nuôi nhỏ hoàn toàn có thể trụ vững trước hội nhập.
Có thể bạn quan tâm

Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm nay có thể giảm năm thứ 2 liên tiếp, bởi giá thấp nhất 6 năm khiến nhiều nông dân không mặn mà với việc cạo mủ trong mùa thu hoạch.

Các chất bị cấm sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi (vì có thể gây ung thư) thường được sản xuất ở Trung Quốc và vẫn được một số doanh nghiệp Việt dùng tràn lan.

Theo Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN & PTNT), 11 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 6,26 tỷ USD.

Mặc dù đang là thời điểm chính vụ đông xuân nhưng giá phân bón trên cả nước vẫn ổn định, thậm chí còn giảm do nguồn cung dồi dào. Đây là tín hiệu vui với bà con nông dân, bởi không còn tình trạng như thời gian trước, khi vào vụ thì giá phân bón lại tăng cao do cầu nhiều, cung ít.

Chính nhờ sự năng động thay đổi quy mô sản xuất, nhiều cơ sở đóng ghe, xuồng ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, duy trì nghề truyền thống mà còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.