Nuôi Cá Lóc Bông Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở xã Thụy Liên (Thái Thụy - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Liên, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài. Rót chén trà mời khách, anh Trạng cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tham quan trực tiếp một số mô hình nuôi cá lóc bông đầu tiên trong xã, anh được biết đây là mô hình chăn nuôi mới, cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2010, anh đã cùng với hơn chục gia đình khác trong xã dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá mới này. Cá lóc bông được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Nam, đây là loại cá ăn tạp, sống bầy đàn. Chất lượng thịt cá thơm ngon, dai, ít xương dăm và thị trường rất ưa chuộng.
Do đã có kinh nghiệm trong việc nuôi các giống cá truyền thống từ trước nên sau nhiều lần suy đi tính lại, anh quyết định chuyển đổi hơn 2 sào đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình nuôi cá lóc bông. Nhờ cần cù, chịu khó trau dồi kiến thức nên đàn cá của gia đình anh luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Lứa cá đầu tiên cho thu lãi gần 40 triệu đồng. Sau lứa đầu thu hoạch, nhận thấy đây là mô hình có hiệu quả nên anh tiếp tục cải tạo ao và đầu tư giống tiếp tục nuôi những lứa tiếp theo. Hiện nay mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Trạng hồ hởi chia sẻ: Cá lóc bông là loại cá rất dễ nuôi. Ao nuôi công nghiệp có diện tích tối thiểu từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 1,5 - 2m, bờ ao phải cao và chắc chắn. Trước khi thả cá, ao cần phải được tát cạn, vét bùn đáy, tu sửa các điểm sạt lở.
Sau khi tát cạn nước nên rải vôi đáy ao, phơi đáy 5 - 7 ngày rồi cấp nước mới vào ao. Nguồn nước cấp cho ao nuôi cá phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn. Thức ăn của cá lóc bông chủ yếu là cá tạp biển, cá vụn.
Khi cá còn nhỏ trong 2 tháng đầu, thức ăn cần được xay nhuyễn hoặc băm nhỏ. Khi cá lớn, thì chỉ cần băm nhỏ hoặc cắt khúc những loại thức ăn có kích cỡ lớn hoặc quá dài. Thức ăn của cá được rải trên sàng được làm bằng tre hoặc gỗ và được đặt ngập trong nước khoảng 5cm.
Hằng ngày người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh kịp thời và hợp lý lượng thức ăn. Nước trong ao cần được thay đổi thường xuyên (1 - 2 lần/tuần, tùy theo mật độ cá trong ao), mỗi lần thay 40 - 50% lượng nước trong ao.
Người nuôi cá cần phải chú ý, thường xuyên theo dõi hoạt động của cá trong ao để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ như cá bỏ ăn, bơi không bình thường, nhiễm bệnh… để từ đó có những biện pháp chữa trị kịp thời. Khi thả cá giống cần chú ý cá phải khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị xây sát và không bị mất nhớt, cá bơi nhanh nhẹn, bơi theo đàn. Cá giống phải có kích cỡ đồng đều. Khi thả cá cần thả từ từ để cá quen dần với điều kiện mới...
Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng diện tích ao nuôi, tuy nhiên khó khăn hiện nay của gia đình vẫn là về nguồn vốn bởi chi phí cho cá giống và thức ăn chăn nuôi khá cao. Anh hy vọng các cấp, các ngành có thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân có thể đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Vũ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Liên cho biết, mô hình nuôi cá lóc bông phát triển ở địa phương từ đầu năm 2010. Qua hơn 4 năm phát triển, đến nay toàn xã đã có 20 gia đình nuôi cá lóc bông với tổng diện tích hơn 4ha. Ngoài ra địa phương còn hơn 100 hộ tham gia xây dựng các mô hình trang trại, gia trại và nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Cứ khoảng giữa mùa mưa (từ hạ tuần tháng 6 âm lịch) hàng năm, người dân vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang lại bắt đầu làm đặc sản khô nhái.
Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai vừa phối hợp Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty Dekalb Việt Nam, tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm DK6919 và DK8868 vụ xuân hè 2015” trên địa bàn tỉnh.
Là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nhưng cuối mỗi tuần, anh Hồ Thanh Bình đều về thị xã Tân Uyên (Bình Dương) để được chăm sóc những vườn rau sạch rộng hàng nghìn m2 của mình. Ngoài ra, anh còn trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà kính 1.000m2...
Với phương châm cùng nông dân (ND) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, Hội ND quận Liêu Chiểu, TP.Đà Nẵng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho hội viên khai thác hiệu quả, làm giàu từ đất dự án bỏ hoang.
TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) - khẳng định như vậy khi đề cập đến vấn nạn dùng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi.