Nuôi Cá Lóc Bông
Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.
Cội nguồn của con cá lóc bông có thể từ Biển Hồ, Campuchia. Nhưng vào mùa nước nổi, đàn cá có thể xuôi theo con nước về “định cư” ở khu vực Đồng Tháp Mười. Nơi đây, thiên nhiên ưu đãi nên chúng có thể yên bình phát triển, sinh sản.
Những con cá lớn, nếu không bị mắc câu, dính lưới có thể có trọng lượng đến vài ba kg là chuyện thường. Những con cá lớn mà người dân Tháp Mười nói đùa là cá có râu (cá bố mẹ) chúng có thể táp vịt con, cóc, ếch… và thậm chí tấn công cả vịt mẹ lẫn con người, nếu tới xâm phạm vùng trú ngụ, nhất là vào mùa sinh sản của chúng.
Với cá lóc bông lớn, chỉ cần một con, người ta có thể chế biến nhiều món ăn độc đáo. Ngoài canh chua, nướng trui, chiên xù, có thể thái mỏng, nhúng dấm ở trạng thái đun sôi (Nam bộ gọi là “tả pí lù”), hay dồn thịt trộn trứng, được cột lại rồi hấp (cá lóc hấp) và tất nhiên còn rất nhiều món khác, tuỳ theo sự linh hoạt của người nấu ăn.
Nói tóm lại, cá lóc bông là một đặc sản nước ngọt của vùng ĐBSCL. Tuy vậy ngày nay, do đánh bắt và khai hoang mạnh mẽ, loại cá này trong tự nhiên không còn môi trường sống, nên cá lớn không nhiều và hiếm khi bắt được.
Có lẽ, do sinh trưởng ở vùng đất này, ông Ký yêu cây lúa và cũng “nhớ” con cá quê ông. Năm 1997, ông đi tìm mua 18 cặp cá lóc bông về nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, cá đẻ được lứa đầu tiên. Không ngờ mỗi lứa bầy ròng ròng (cá lóc con) có thể lên đến 10 ngàn con. Với giá bán 500 đ/con, ông cũng có món tiền kha khá lúc đó. Nhưng quan trọng hơn, nó tạo niềm phấn khích cho ông khi bắt tay vào nghề mới.
Thấy nghề nuôi cá lóc bông có thể “ăn nên làm ra”, ông Ký quyết định chuyển đổi 1.500 m2 đất vườn thành ao nuôi cá. Ngoài bờ bao ao, diện tích mặt nước nuôi cũng còn được 1.300 m2. Qua mỗi mùa vụ, số cá bố mẹ cứ tăng dần. Đến nay, khu nuôi của ông cũng được trên 100 cặp. Tất nhiên với số lượng cá đẻ tăng, mỗi năm lượng cá con giống ông bán ra thị trường cũng nhiều hơn.
Nuôi cá đẻ cần 2 điều kiện quan trọng: Một là cá giống, hai là môi trường nuôi và khâu chăm sóc. Để chọn cá bố mẹ làm giống, ông Ký cho biết: “Ngoài trọng lượng cá phải to, ít nhất cũng có cân nặng 2 kg/con trở lên. Vì cá to mới khỏe, đẻ sai. Mặt khác, cần lựa cá có thân hình suôn, thẳng; không bụng to, dị tật…”.
Còn về môi trường nuôi, lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi, ông để cá tự làm ổ đẻ; nhưng số lượng cá con hao hụt cao, vì ếch, nhái tấn công trứng cá. Từ đó, ông nghĩ ra việc làm chòi cho cá đẻ để bảo vệ trứng.
Công việc “làm nhà” (vèo) cũng đơn giản, nhưng khá hiệu quả. Vật liệu chỉ gồm 4 cây trúc, cắm xuống ao theo hình vuông, mỗi cạnh khoảng 70 - 80 cm. Dùng lưới cước bao bọc xung quanh 4 cạnh từ mặt nước trở lên. Phần dưới mặt nước để trống cho cá bố mẹ ra vào; phần trên che lại bằng lá để ngăn ếch, nhái nhảy vào.
Mùa cá đẻ thường bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng 6 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, 2 tháng cá có thể đẻ một lần. Sau khi cá đẻ được vài giờ, cần vớt trứng cho vào trong vèo để tránh bị ếch, nhái ăn. Khoảng 30 - 40 giờ, trứng sẽ nở thành cá bột và chỉ cần nuôi khoảng 1 tháng là có thể bán cá con.
Ông Ký cho biết, cá lóc bông thương phẩm đang hút hàng, giá dao động từ 47.000 - 50.000 đ/kg; cao hơn cá lóc nuôi từ 10.000 - 20.000 đ/kg. Với cá con có trọng lượng 10 - 15 g/con, nếu nuôi trong 7 tháng thì có thể đạt trọng lượng 1 kg/con. Tuy thời gian có dài, nhưng chi phí nuôi thấp, nên nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi cá lóc bông thương phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.
Theo một số hộ dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa), nuôi sá sùng kết hợp với một vài đối tượng khác trong ao không mất nhiều công chăm sóc và chi phí, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch...
Ông Lê Minh Đồng ở ấp Bào Cỏ, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo không chỉ là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu mà còn làm kinh tế giỏi. Từ phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hàng trăm triệu đồng.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản thông qua các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình nuôi cá giống mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản;
Chúng tôi đến thăm cơ ngơi khang trang của lão nông Lê Văn Phấn tại ấp 3, xã Trừ Văn Thố (Bàu Bàng). Ít ai biết, ông từng là một ông chủ cơ sở mía đường đang ăn nên làm ra tại Long An rồi về Bình Dương mua đất trồng cây ăn trái từ năm 1999. Sau nhiều phen trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái khác nhau, cây quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.