Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Lóc Bông

Nuôi Cá Lóc Bông
Publish date: Sunday. October 7th, 2012

Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.

 
Cội nguồn của con cá lóc bông có thể từ Biển Hồ, Campuchia. Nhưng vào mùa nước nổi, đàn cá có thể xuôi theo con nước về “định cư” ở khu vực Đồng Tháp Mười. Nơi đây, thiên nhiên ưu đãi nên chúng có thể yên bình phát triển, sinh sản. 
Những con cá lớn, nếu không bị mắc câu, dính lưới có thể có trọng lượng đến vài ba kg là chuyện thường. Những con cá lớn mà người dân Tháp Mười nói đùa là cá có râu (cá bố mẹ) chúng có thể táp vịt con, cóc, ếch… và thậm chí tấn công cả vịt mẹ lẫn con người, nếu tới xâm phạm vùng trú ngụ, nhất là vào mùa sinh sản của chúng. 
Với cá lóc bông lớn, chỉ cần một con, người ta có thể chế biến nhiều món ăn độc đáo. Ngoài canh chua, nướng trui, chiên xù, có thể thái mỏng, nhúng dấm ở trạng thái đun sôi (Nam bộ gọi là “tả pí lù”), hay dồn thịt trộn trứng, được cột lại rồi hấp (cá lóc hấp) và tất nhiên còn rất nhiều món khác, tuỳ theo sự linh hoạt của người nấu ăn. 
Nói tóm lại, cá lóc bông là một đặc sản nước ngọt của vùng ĐBSCL. Tuy vậy ngày nay, do đánh bắt và khai hoang mạnh mẽ, loại cá này trong tự nhiên không còn môi trường sống, nên cá lớn không nhiều và hiếm khi bắt được. 
Có lẽ, do sinh trưởng ở vùng đất này, ông Ký yêu cây lúa và cũng “nhớ” con cá quê ông. Năm 1997, ông đi tìm mua 18 cặp cá lóc bông về nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, cá đẻ được lứa đầu tiên. Không ngờ mỗi lứa bầy ròng ròng (cá lóc con) có thể lên đến 10 ngàn con. Với giá bán 500 đ/con, ông cũng có món tiền kha khá lúc đó. Nhưng quan trọng hơn, nó tạo niềm phấn khích cho ông khi bắt tay vào nghề mới. 
Thấy nghề nuôi cá lóc bông có thể “ăn nên làm ra”, ông Ký quyết định chuyển đổi 1.500 m2 đất vườn thành ao nuôi cá. Ngoài bờ bao ao, diện tích mặt nước nuôi cũng còn được 1.300 m2. Qua mỗi mùa vụ, số cá bố mẹ cứ tăng dần. Đến nay, khu nuôi của ông cũng được trên 100 cặp. Tất nhiên với số lượng cá đẻ tăng, mỗi năm lượng cá con giống ông bán ra thị trường cũng nhiều hơn. 
Nuôi cá đẻ cần 2 điều kiện quan trọng: Một là cá giống, hai là môi trường nuôi và khâu chăm sóc. Để chọn cá bố mẹ làm giống, ông Ký cho biết: “Ngoài trọng lượng cá phải to, ít nhất cũng có cân nặng 2 kg/con trở lên. Vì cá to mới khỏe, đẻ sai. Mặt khác, cần lựa cá có thân hình suôn, thẳng; không bụng to, dị tật…”. 
Còn về môi trường nuôi, lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi, ông để cá tự làm ổ đẻ; nhưng số lượng cá con hao hụt cao, vì ếch, nhái tấn công trứng cá. Từ đó, ông nghĩ ra việc làm chòi cho cá đẻ để bảo vệ trứng. 
Công việc “làm nhà” (vèo) cũng đơn giản, nhưng khá hiệu quả. Vật liệu chỉ gồm 4 cây trúc, cắm xuống ao theo hình vuông, mỗi cạnh khoảng 70 - 80 cm. Dùng lưới cước bao bọc xung quanh 4 cạnh từ mặt nước trở lên. Phần dưới mặt nước để trống cho cá bố mẹ ra vào; phần trên che lại bằng lá để ngăn ếch, nhái nhảy vào. 
Mùa cá đẻ thường bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng 6 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, 2 tháng cá có thể đẻ một lần. Sau khi cá đẻ được vài giờ, cần vớt trứng cho vào trong vèo để tránh bị ếch, nhái ăn. Khoảng 30 - 40 giờ, trứng sẽ nở thành cá bột và chỉ cần nuôi khoảng 1 tháng là có thể bán cá con. 
Ông Ký cho biết, cá lóc bông thương phẩm đang hút hàng, giá dao động từ 47.000 - 50.000 đ/kg; cao hơn cá lóc nuôi từ 10.000 - 20.000 đ/kg. Với cá con có trọng lượng 10 - 15 g/con, nếu nuôi trong 7 tháng thì có thể đạt trọng lượng 1 kg/con. Tuy thời gian có dài, nhưng chi phí nuôi thấp, nên nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi cá lóc bông thương phẩm.


Related news

Nhiều Mô Hình Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Nhiều Mô Hình Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Ông Phạm Thành Chung - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn cho hay, trong năm 2014, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã xây dựng một số mô hình hỗ trợ người dân nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ góp phần cải thiện kinh tế.

Thursday. October 16th, 2014
Sao Cứ Phải Loài Du Nhập Sao Cứ Phải Loài Du Nhập

Du nhập, sử dụng những loại cây, con có giá trị kinh tế là việc cần thiết. Nhưng như thế không có nghĩa chúng được ưu tiên, bỏ qua giai đoạn khảo kiểm nghiệm, bởi không phải cây, con nào di thực về Quảng Ngãi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thursday. October 16th, 2014
Người Tiên Phong Mở Cơ Sở Hậu Cần Nghề Cá Ở Lý Sơn Người Tiên Phong Mở Cơ Sở Hậu Cần Nghề Cá Ở Lý Sơn

Sau khi có điện lưới quốc gia, người dân Lý Sơn vui mừng khôn xiết. Với các chủ tàu cá thì niềm vui ấy được nhân đôi, vì giờ đây trên đảo đã có cơ sở sửa chữa tàu thuyền, họ không còn phải tốn chi phí, thời gian đưa tàu vào đất liền để sửa chữa một khi bị hư hỏng.

Thursday. October 16th, 2014
Xây Dựng Nông Thôn Mới Cần Có Tư Duy Mới, Cách Làm Mới Sáng Tạo Phù Hợp Với Thực Tiễn, Địa Phương Xây Dựng Nông Thôn Mới Cần Có Tư Duy Mới, Cách Làm Mới Sáng Tạo Phù Hợp Với Thực Tiễn, Địa Phương

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động số 72-CTHĐ/ TU, ngày 31/12/2008 của Tỉnh ủy (khóa XV) Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, trong những năm qua, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.

Thursday. October 16th, 2014
Hoa Tươi Đà Lạt Tăng Giá Đột Biến Hoa Tươi Đà Lạt Tăng Giá Đột Biến

Ông Nguyễn Quốc Khẩn (người trồng hoa ở Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt) cho biết: “Ngày lễ tình nhân chỉ có hoa hồng tăng giá đột biến, nhưng ngày lễ Phụ nữ Việt Nam 20.10, thì các loại hoa đều tăng giá, người trồng hoa phấn khởi lắm”. Riêng hoa hồng, do nhiều vườn hoa ở Đà Lạt bị bệnh quăn lá, thối nụ, khiến sản lượng giảm sút hơn mọi năm.

Thursday. October 16th, 2014