Nuôi Cá Chiên Ở Xứ Tuyên
Suốt 3 năm thử nghiệm mô hình nuôi cá chiên nơi nước tĩnh, ông Chu Đức Minh, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã thành công ngoài mong đợi...
Năm 2007, khi thủy điện Na Hang dâng nước, ông Chu Đức Minh mạnh bạo chuyển lên thác Mơ, nơi có mặt nước tự nhiên mênh mông để đóng bè nuôi cá lồng. Nước trong sạch, những mẻ cá lồng như cá lăng nha, cá chê lai, cá tra, rô phi đơn tính... đã giúp ông thu nhập cao, cải thiện cuộc sống và kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Thế nhưng, các loại các thông thường chỉ phục vụ các thực khách bình dân, làm nhiều nhưng tiền tích lũy chẳng bao nhiêu, trong khi nhiều thương lái đến đặt mua cá chiên quý hiếm với giá từ 500.000 - 600.000 đ/kg. Dẫu biết cá chiên có giá trị cao, nhưng vấn đề nuôi nhốt loại cá quý hiếm này không đơn giản vì tiền mua giống đến thức ăn đều phức tạp.
Đặc tính của cá chiên chỉ ưa sinh sống nơi nước chảy xiết, hoặc các hang hốc đá dưới chân thác nước. Từ trước tới nay vẫn chưa ai có kinh nghiệm nuôi loài cá này. Riêng ông cũng chỉ biết đến loại cá chiên qua việc đánh bắt, thả câu đầu mùa hạ và có bắt được chỉ để bán hoặc giết thịt, chứ nuôi nhốt chưa bao giờ làm.
Đúng lúc đang muốn nuôi thử cá chiên, ông Minh nghe tin Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang đang có dự án hỗ trợ tiền giống, thức ăn để giúp nông dân thực hiện thí điểm nuôi cá chiên nước tĩnh tại hồ thủy điện Na Hang.
Ngay lập tức, ông liên hệ với cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện và được biết qua kiến thức cơ bản nuôi cá chiên như: Vị trí đặt lồng nuôi, cách thức chăm sóc, cách chọn cá giống... Một thông tin giá trị, làm ông Minh quyết tâm thực hiện, đó là cá chiên ăn thịt các loại cá nhỏ hơn, cá tạp sẵn có trong tự nhiên. Ông thấy phù hợp với nghề đánh vó điện. Vì mỗi lần cất vó đủ loại cá tạp, cá nhỏ sau đó loại ra phục vụ chăn nuôi vì không bán được. Ông đã về nghiên cứu thiết kế lồng nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Phòng Nông nghiệp.
Khi đóng xong lồng nuôi, ông đi đăng ký với các thuyền câu cá chiên giống dọc bờ sông Gâm để mua gom từng con giống. Cá chiên giống cũng khá đắt, với mỗi kg con giống chỉ được trung bình từ 4 - 5 con, giá thời điểm mua năm 2011 là 450.000 đ/kg. Do nguồn vốn ít, ông chỉ mua hơn 20 kg cá giống, đếm được 80 con đem về thả lồng.
Hàng ngày, mỗi lần cất vó, ông gom nhặt những con cá tạp đem về vất xuống cho chúng ăn. Thấy cá ăn đều đặn, sau mấy tháng bắt thử vài con lên cân thấy lớn đều và không có bị nấm bệnh như những lồng cá trê lai gần đó.
Hơn 2 năm nuôi nhốt, tất cả những con cá chiên của ông Minh đều lớn khỏe bình thường, con nhỏ được 2,5 kg, con lớn được gần 3 kg. Giá mỗi kg cá chiên bán tại chỗ cũng được 500.000 đ. Với kết quả đó, ông tiếp tục mua cá giống thả bù, với phương châm vừa nuôi con nhỏ, vừa bán những con to để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Qua nuôi nhốt, ông Minh rút ra rằng, cá chiên dễ tính hơn loài cá khác ở chỗ chúng chỉ cần ăn mỗi ngày một bữa. Đôi khi bận việc hoặc không kiếm được cá tạp, thì cách một hoặc hai ngày không chăm nó cũng chẳng chết, nên rất phù hợp với lối nuôi thả rông dài của nông dân miền núi.
Với kết quả khả quan này, Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang tiếp tục hỗ trợ tiền đóng lồng cho các hộ dân nuôi cá trên mặt hồ mở rộng nuôi cá chiên đặc sản nơi nước tĩnh, với mỗi lồng là 1,6 triệu đồng. Cách hỗ trợ kịp thời của chính quyền huyện Na Hang đã giúp một số hộ dân tích cực tham gia vào mô hình nuôi cá chiên nơi nước tĩnh.
Mô hình nuôi cá chiên nước tĩnh thành công trên lòng hồ thủy điện Na Hang không chỉ giúp gia đình ông Chu Đức Minh có cuộc sống ngày một khấm khá hơn, mà góp phần tạo hướng đi mới, phát huy thế mạnh của hơn 8.000 ha mặt nước hồ thủy điện Na Hang nuôi cá đặc sản theo nhu cầu thị trường.
Trong quá trình nuôi cá chiên, ông Chu Đức Minh đã mấy lần bị hú vía, bởi khi cho thức ăn xuống lồng, không thấy con nào nhao lên ăn, cứ tưởng bị thủng hay hỏng lồng, cá chiên đã đi hết. Thế nhưng, qua mấy lần cá chiên nằm im và bỏ ăn, ông đã đúc kết được một kinh nghiệm thú vị: "Nuôi cá chiên không giống các loại cá khác, mỗi khi chuẩn bị thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh hoặc sắp có mưa bão, động đất... thì cả lồng cá tĩnh lặng, không con nào bơi lội cả, cứ nằm im dưới đáy lồng. Mấy lần đầu cứ tưởng nó bị sao, nhưng đến khi thời tiết ổn định, cá lại lên ăn bình thường".
"Mấy ngày cuối tháng 4 vừa rồi ở Na Hang oi bức chuẩn bị có mưa đá và gió lốc, cá bỏ ăn đến cả tuần. Bây giờ hễ không thấy nó lên ăn, tôi lại chuẩn bị củi đuốc và buộc lại lồng bè để chuẩn bị... đón trời mưa to, gió lớn", ông Minh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 8-4, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NN ƯDCNC) Hậu Giang tổ chức buổi Hội thảo đánh giá đặc tính và chọn ra các giống lúa có triển vọng làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới tại ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.
Những ngày này, các cánh đồng ớt trên địa bàn huyện Thanh Bình (địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh) bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, không khí thu hoạch vụ ớt này không còn hối hả, rộn ràng như vụ ớt năm 2013, do giá ớt đang ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất.
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá ca cao đã phục hồi và duy trì ở mức từ 4.700 đến 5.000 đồng/kg trái, sau đợt sụt giá vào cuối năm 2013 (chỉ còn 3.000 đến 3.500 đồng/kg trái). Hạt ca cao lên men hiện có giá từ 55.500 đến 61.500 đồng/kg. Sự biến động giá ca cao lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với người trồng cây ca cao.
Liên tục mấy ngày qua trận mưa đầu mùa khá lớn tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và một số huyện, thị khiến nông dân phấn khởi, hàng ngàn ha cây trồng được cứu thoát.
Với mô hình vườn – ao – chuồng khép kín, gia đình ông Ngô Văn Kiện ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.