Thay đổi cách trồng lúa

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp cùng hơn 30 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:
Hiện nay, ở vùng Nam bộ, người nông dân còn nặng nề về cách làm cũ như dùng lúa thương phẩm làm lúa giống, sạ với lượng giống cao từ 150 – 200 kg/ha, bón phân không cân đối và thường bón phân dư phân đạm nên sâu bệnh bộc phát, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật…
Sản xuất lúa hiện nay nói chung giá công lao động, vật tư đầu vào còn khá cao, chưa được cải thiện, hiệu quả sản xuất lúa thấp.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT giá lúa thế giới trong những năm gần đây giảm từ 10 – 12%, dẫn đến giá gạo xuất khẩu giảm, đời sống nông dân ngày càng khó khăn.
Mặt khác, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ nét và đe dọa đến đời sống mọi người. Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là sự gia tăng phát thải khí nhà kính do sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tạo ra. Trong sản xuất nông nghiệp thì sản xuất lúa tạo ra khí thải nhà kính lớn nhất.
Do đó, trong chiến lược tái cơ cấu ngành của Bộ, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất, phát triển lúa bền vững được đặt ra cấp bách.
Những TBKT để giảm chi phí sản xuất lúa trong những năm qua như "3 giảm 3 tăng", kỹ thuật sản xuất lúa SRI, "1 phải 5 giảm"… có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao giá trị gia tăng, cần phải hướng dẫn, khuyến cáo mở rộng trên các vùng sản xuất lúa chính.
Đông đảo cán bộ các Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông và người dân tham quan thực nghiệm mô hình.
Theo Trung tâm Khuyến nông Long An, mặc dù trong sản xuất lúa, nông dân đã được khuyến cáo sạ thưa 100 – 120 kg/ha, nhưng thực tế ở các huyện phía bắc mỗi nông hộ có diện tích canh tác lớn (bình quân 5 ha/hộ), để khống chế cỏ dại, ốc bươu vàng, nhằm đảm bảo năng suất nên họ thường gieo sạ với mật độ 140 – 170 kg/ha.
Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận để gieo sạ chỉ từ 60 – 65%. Đối với rơm rạ sau khi thu hoạch, tùy theo mùa vụ nông dân bán hoặc đốt, ít khi vùi trả lại hữu cơ cho đất.
Nhằm thay đổi nhận thức trong việc canh tác lúa cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Long An đã xây dựng mô hình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” trong vụ hè thu tại ấp 6, xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An).
Mô hình được triển khai trên quy mô 60 ha, với sự tham gia của 90 hộ dân, gieo sạ 2 giống chính là RVT (51,4ha) và Nàng Hoa 9 (8,6 ha).
Ông Nguyễn Văn Kỳ, hộ tham gia mô hình cho biết: Vụ lúa hè thu này, gia đình tôi xuống giống RVT theo phương thức sạ lan với lượng giống 70 kg, giảm 80 kg lúa giống so với trước.
Lượng phân bón sử dụng chỉ 100 kg lân Văn Điển, 110 kg urê, 65 kg DAP, 50 kg NPK 16-16-8, 60kg kali.
So với vụ hè thu 2014 đã giảm được 20 kg urê. Số lần phun thuốc để trừ cỏ, rầy nâu, phòng ngừa đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt, giảm 2 lần phun thuốc so với vụ cùng kỳ năm ngoái.
Sau 3 tháng xuống giống, 0,7 ha lúa nhà tôi sinh trưởng và phát triển rất tốt, năng suất thu hoạch dự kiến sẽ đạt 6,5 tấn/ha. Với giá bán lúa được doanh nghiệp Công Bình bao tiêu thu mua ở mức 5.300 đồng/kg thì gia đình tôi dự kiến thu về 24,1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 13,3 triệu đồng/0,7 ha.
“So với phương thức sản xuất lúa truyền thống thì năng suất gần như tương đương nhau. Nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp hơn nên người nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình tới 2,6 triệu đồng”, ông Kỳ cho hay.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu các Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông dân.
Kết nối được doanh nghiệp, khi doanh nghiệp đóng vai trò như bà đỡ cho người nông dân thì mới khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào quá trình canh tác lúa.
Có thể bạn quan tâm

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

Hiện nay, lũ đầu nguồn sông MeKong bắt đầu lên cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cá tra phát triển như bệnh: xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng….

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.