Nuôi Cá Chép Lai
Mô hình nuôi cá chép lai ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bước đầu triển khai có hiệu quả, song người nuôi vẫn khó khăn về vốn, quỹ đất nuôi trồng thủy sản, nguồn nước...
Mô hình được triển khai từ tháng 5/2013 ở thôn Từ Châu (xã Liên Châu). Sau khi được tập huấn và tham quan mô hình ở Thanh Trì (Hà Nội), 7 hộ dân trong thôn được chọn thí điểm đã chuyển đổi các loại thủy sản khác sang nuôi cá chép lai ba máu.
Trước khi thả cá, các hộ tát ao, tẩy trùng bằng chế phẩm sinh học EM và vôi bột trong 10 ngày. Theo ông Nguyễn Trọng Hải, Chủ nhiệm HTXNN Từ Châu, các hộ nuôi đều có nhật ký theo dõi cá và xử lý môi trường định kỳ. Người nuôi cá không có kinh nghiệm thì khó làm nổi...
Nếu trước kia nuôi các loại cá trắm, mè trắng, trôi... chỉ cho thu hoạch 3,5 - 4 tấn/ha, năng suất trung bình thu được từ cá chép lai trong đợt đầu (tháng 11/2013) là 9 tấn; có hộ thu 10,5 tấn/ha. Giá bán cá mè, cá trôi tại ao chỉ 18.000 đ/kg nhưng cá chép lai lên tới 56.000 đ/kg.
Với 2 vụ cá chép lai trong năm, người nông dân thu được khoảng 180 - 190 triệu đồng tiền lãi/ha. Trong khi đó, hình thức nuôi cá quảng canh chỉ thu 100 triệu đ/ha.
Do hiệu quả kinh tế cao, trong vòng chưa đầy 1 năm, diện tích nuôi cá chép lai ở thôn Từ Châu tăng nhanh, từ 6 ha lên tới gần 30 ha, từ 7 hộ nuôi ban đầu đã tăng lên 24 hộ. Trong đó có hộ anh Nguyễn Văn Huynh đầu tư nuôi cá trên 9 mẫu ao. Hộ anh Nguyễn Văn Năm dù chỉ nuôi 0,5 ha cá chép lai cũng thu trên 70 triệu đ/vụ.
Hằng tháng, các hộ tham quan và trao đổi kinh nghiệm nuôi cá với nhau. Một ưu điểm lớn của mô hình nuôi cá chép lai là có thể tận dụng khu đất trũng SX lúa không hiệu quả được cải tạo thành ao nuôi. Cá chép lai có thị trường rộng lớn và sức tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên việc mở rộng mô hình nuôi cá chép lai đang gặp nhiều vướng mắc. Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nan giải kéo dài nhiều năm nay. Ông Nguyễn Trọng Hải chia sẻ: “Các hộ nuôi cá rất vất vả với chuyện nước nôi. Không phải lúc nào cũng lấy nước ao được, nhất là vào mùa khô, nguồn nước đảm bảo để nuôi cá càng hiếm. Chúng tôi phải chờ những đợt xả lũ để tranh thủ lấy nước”.
Nguồn nước nuôi cá nơi đây chủ yếu lấy từ sông Nhuệ. Nước ngày càng ô nhiễm khiến đầu tư cho việc xử lý nước tăng cao. Trung bình mỗi vụ, người nông dân phải bỏ ra 8 triệu đồng tiền mua hóa chất để lọc nước cho 1 ha ao nuôi.
Theo ông Nguyễn Đăng Việt, Chủ tịch UBND xã Liên Châu, người dân đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề nước nuôi cá. Chính quyền xã trình lên huyện và đang chờ huyện triển khai dự án cấp nước sạch từ sông Đáy. Song nhiều tháng qua, dự án này vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, người nuôi cũng khó khăn về vốn. Đối với các gia đình thí điểm nuôi cá chép lai ban đầu được hỗ trợ 30% vốn. Song để phát triển mô hình ra nhiều hộ khác thì vẫn chưa có vốn.
Vấn đề quỹ đất nuôi cá cũng không đơn giản. Ông Hoàng Như Dã, Chủ nhiệm HTXNN Châu Mai (xã Liên Châu) cho biết, thôn Châu Mai đã kiến nghị xã cho 58 hộ triển khai mô hình nuôi cá chép lai. Ban đầu xã đồng ý cấp 65 ha thuộc quỹ đất II để thôn SX giống và nuôi cá thương phẩm, nhưng sau đó lại bố trí đất cho cá nhân thuê...
Có thể bạn quan tâm
13 hộ trong THT nuôi cá lóc ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn hết sức phấn khởi vì sản phẩm của họ đã được bao tiêu thu mua ổn định. Trung bình mỗi ngày, THT giao cho siêu thị Metro tại TP Cần Thơ khoảng 200 kg, tuy không nhiều so với sản lượng cả tổ đã nuôi được, nhưng nhờ giá cả ổn định ở mức khá, và có hợp đồng lâu dài nên bà con yên tâm sản xuất.
Mùa bắt tôm hùm giống đã vào chính vụ từ hơn 2 tháng nay, nhưng lượng tôm giống bắt được ít hơn so với mọi năm. Việc khan hiếm tôm hùm giống không chỉ là nỗi buồn của những ngư dân làm nghề săn tôm hùm giống, mà còn gây không ít khó khăn cho những người nuôi loài đặc sản này…
Với giá bán hiện nay, được khoảng 24 triệu đồng. Nếu trừ chi phí: giống, tiền cày, tiền công thu hoạch, máy bung bắp... hết 13 triệu đồng thì số còn lại xem như đủ tiền công của hai vợ chồng làm gần 4 tháng. Điều may cho anh Ngọc là đất của anh được miễn 100% thủy lợi phí nên chưa tới phải lỗ trong vụ bắp này.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), hai cây trồng chủ lực của huyện là bưởi và xoài đang phát triển nhanh về diện tích.
Trong thời gian qua, bệnh đốm trắng xảy ra nhiều trên cây thanh long, làm cho nhà vườn đang gặp không ít khó khăn; còn các nhà chuyên môn thì loay hoay tìm hướng xử lý.