Ngành cá tra nỗ lực vượt khó
Theo kế hoạch tới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra, xây dựng đề án phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam để tận dụng tốt các cơ hội thị trường.
Nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2015, diện tích thả nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 2.765 ha (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2014), diện tích thu hoạch là 2.671 ha (giảm 5% so với cùng kỳ), sản lượng đạt 744.857 tấn (giảm 3% so với cùng kỳ).
Trong các địa phương nuôi cá tra vùng ĐBSCL, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích thả nuôi đứng đầu với 922 ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Còn lại các địa phương trọng điểm như: An Giang (446 ha), TP Cần Thơ (325 ha), Bến Tre (649 ha)… đều giảm về diện tích thả nuôi, kéo theo sụt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước.
Thu hoạch cá tra phục vụ xuất khẩu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Trong năm 2015, theo phản ánh của người nuôi, giá thức ăn cho cá tra tương đối ổn định, giá cá giống và cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm đầu năm, giá cá tra nguyên liệu ở mức 24.500 đồng/kg, còn hiện tại chỉ còn 19.500 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện doanh nghiệp sở hữu nguồn nguyêu liệu về sản lượng chiếm tỷ trọng lên đến 81,1%, còn lại là hộ nuôi 18,9%.
Qua triển khai đăng ký hợp đồng xuất khẩu, các nông hộ đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp có nhà máy chế biến trong các hợp đồng thu mua nguyên liệu trong năm như: nuôi theo quy chuẩn, kích cỡ, thời điểm thu mua… Các trường hợp hộ nuôi không liên kết với doanh nghiệp dẫn đến giá thu mua bấp bênh.
Kể từ ngày 1-6-2015, yêu cầu đăng ký nuôi thương phẩm cá tra xuất khẩu theo Thông tư 23 (của Bộ NN&PTNT hướng dẫn Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra), các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết nguyên liệu để minh bạch hồ sơ đăng ký nuôi thương phẩm tiến tới có mã số và chuẩn vùng nuôi, điều này đã chuẩn bị rất tốt cho quá trình hội nhập với rào cản phi thuế quan.
Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp thương mại, khuyến cáo cần phải chủ động trong mối liên kết với các vùng nguyên liệu nuôi có đăng ký nuôi thương phẩm, tạo điều kiện cho lộ trình xây dựng chuẩn vùng nguyên liệu…
Thống kê từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2015 cá tra Việt Nam xuất khẩu đến 131 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 203 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu.
Về kim ngạch xuất khẩu cá tra, tính đến ngày 15-9 đạt hơn 1,07 tỉ USD (giảm 9,2% so với cùng kỳ), dự kiến trong năm 2015 sẽ đạt 1,7 tỉ USD (giảm 3,5% so với năm 2014).
Kim ngạch xuất khẩu giảm do tình hình nhiều thị trường trọng điểm giảm mạnh như: Hoa Kỳ (giảm 3%), EU (giảm 17%), Brazil (giảm 42,9%)… Hiệp hội dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2015 sẽ đạt 1,7 tỉ USD (giảm 3,5% so với năm 2014).
Tính đến ngày 3-10, tổng sản lượng cá tra đăng ký xuất khẩu đạt 739.000 tấn thành phẩm; trong đó 77% là cá tra phi lê đông lạnh, còn lại là các loại sản phẩm khác.
Theo thị trường, đăng ký xuất khẩu dẫn đầu là thị trường Trung Quốc và Hồng Công, kế đến là EU, ASEAN, Hoa Kỳ… Các doanh nghiệp dẫn đầu đăng ký khối lượng xuất khẩu gồm: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Hùng Vương, Công ty Cổ phần Hùng Cá, Công ty Cổ phần Nam Việt…
Vực dậy ngành cá tra
Từ nay đến cuối năm và trong năm 2016, lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng như góp phần đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng này như: tổ chức khóa đào tạo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các nhà máy, đào tạo kỹ năng tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp ngành cá, triển khai nghiên cứu chuỗi giá trị cá tra.
Đồng thời phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, VCCI Cần Thơ tổ chức Hội chợ Thanh Đảo (Trung Quốc), dự kiến 5 trung tâm xúc tiến và 5 doanh nghiệp được hỗ trợ một phần chi phí tham gia hội chợ, ngoài ra có 1 gian hàng triển lãm chung các mặt hàng cá tra; Hội chợ Boston năm 2016 (Hoa Kỳ).
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang tập trung triển khai xây dựng các đề án phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam gồm:
Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cá tra Việt Nam, Đề án tái cấu trúc ngành hàng cá tra Việt Nam, Đề án lập Quỹ phát triển ngành hàng cá tra, Đề án xây dựng trung tâm giao dịch thủy sản ĐBSCL, Đề án xây dựng thương mại điện tử ngành cá, tiến tới thành lập sàn giao dịch điện tử…
Mới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã giới thiệu Chương trình khởi động dự án thương mại điện tử ngành cá.
Chương trình khởi động dự án thương mại điện tử ngành cá (trang thương mại điện tử www.mekongfishmarket.com) là kênh thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, chuẩn nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu cho các thành phần tham gia cung cấp cá tra xuất khẩu; đồng thời là kênh thông tin tin cậy cho nhà nhập khẩu trong quá trình thương mại.
Đây cũng là hoạt động đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội Cá tra Việt Nam là tổ chức xúc tiến thương mại và có tiếng nói chung của hội viên để bảo vệ ngành hàng trước những hoạt động thương mại hoặc thông tin không rõ nguồn gốc gây tổn hại ngành hàng cá tra Việt Nam...
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: Website thương mại điện tử ngành cá là giai đoạn đầu tiên của mục tiêu của Hiệp hội là thành lập sàn giao dịch.
Việc kinh doanh bán hàng lâu nay các doanh nghiệp tiếp cận theo phương pháp truyền thống như: dựa vào mối quan hệ quen biết bạn hàng, những dịp hội chợ…
Vấn đề của nông nghiệp cũng như ngành cá hiện nay là phát triển thị trường phải làm sao tăng được số lượng khách hàng và đơn hàng mới, do vậy cần tận dụng không gian trên mạng, hoạt động mua bán trên mạng hiện nay cũng đang được ưa chuộng.
Để có sàn giao dịch ngành cá cần các thành viên tham gia, quy chuẩn để tham gia, đòi hỏi lớn về logistics.
Dự kiến trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm nữa, Hiệp hội sẽ xây dựng xong trang website bán hàng.
Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, giải pháp vực dậy ngành cá tra hiện nay là từng bước tổ chức lại sản xuất sao cho cung và cầu cân đối; có những quy định để các đơn vị cùng tham gia sản xuất có sự liên kết, phối hợp thực hiện tốt khâu sản xuất, kinh doanh thương mại, có sự chia sẻ khó khăn và hỗ trợ nhau cùng phát triển…
Thời gian tới, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách, tổ chức đi vào ổn định, nề nếp để đưa sản phẩm, chất lượng cá tra đạt được cấp độ cao hơn, giá cả tốt hơn, thị trường rộng hơn, sản xuất được ổn định và phát triển tốt hơn…
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện tượng nghêu chết đồng loạt thời gian qua nay đã giảm đáng kể, chỉ còn xảy ra rải rác ở một vài hợp tác xã (HTX), chiếm tỷ lệ chỉ từ 3 - 4%. Tổng diện tích thiệt hại tại các HTX đến nay khoảng 290 ha, sản lượng thiệt hại 275 tấn, chủ yếu là nghêu thịt kích cỡ từ 30 - 90 con/kg.
Chỉ mới bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2010, nhưng mô hình nuôi cá sấu thịt đã giúp nhiều người dân xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Long An) đổi đời…
Nghề nuôi lươn đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng các hộ nuôi ở An Giang cũng như miền Tây vẫn phải sử dụng con giống khai thác ngoài tự nhiên để nuôi. Từ tận dụng đất quanh nhà ở nông thôn mà nhiều hộ vốn dĩ rất nghèo cũng đã vươn lên làm giàu và những người có mức sống trung bình lại có thêm thu nhập. Điệp khúc “thả lươn vào nuôi là chết” đeo đẳng những hộ nuôi lươn khiến cho nhiều người bỏ cuộc...
Gần 20 năm trước, vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang vốn nổi tiếng là vùng đất "khỉ ho, cò gáy" thiếu vắng bóng người, nơi hoang tàn dành cho cỏ năn, cỏ lác. Thế nhưng, từ khi cây khóm (dứa) xuất hiện và mở rộng diện tích đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này, giúp đời sống người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Thức ăn cho dông rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là cây, rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, dưa gang. Đến thời điểm gần thu hoạch dông, cần bổ sung các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.