Nuôi cá chẽm trong lồng hướng nuôi trồng thủy sản hiệu quả
Trước thực tế nguồn lợi thủy sản thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, việc phát triển, đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi trồng là điều hết sức cần thiết để đảm bảo kinh tế cho người dân.
Những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương rất quan tâm đến vấn đề phát triển lĩnh vực đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản trên phá Tam Giang đã được triển khai, nhất là mô hình nuôi cá chẽm trong lồng cho kết quả khả quan, hứa hẹn một hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân địa phương.
Năm 2014, UBND xã Quảng Lợi phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình cá chẽm trong lồng với 5 lồng.
Qua thử nghiệm, nhận thấy mặt nước, dòng chảy, điều kiện tự nhiên ở phá Tam giang, trên địa bàn thôn Ngư Mỹ Thạnh phù hợp để cá chẽm phát triển, UBND xã đã vận động người dân địa phương tham gia nuôi. Sau 6 tháng thả nuôi, mô hình ứng dụng đầy đủ các biện pháp khoa học kỹ thuật, cá chóng lớn, thu hoạch cho kết quả mỹ mãn.
Ông Phạm Hữu Ty – Chủ tịch Chi hội nghề cá thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho biết: “Đây là một mô hình có hiệu quả và tạo ra nghề nuôi mới, một phương thức canh tác mới. Cá chẽm ít dịch bệnh, chóng lớn, hiệu quả mang lại rất cao. Trong thời gian tới, với mặt nước rộng, có thể phát triển mô hình nuôi cá chẽm trên diện rộng”.
Nghề nuôi cá chẽm trong lồng trên phá khá thuận lợi, bởi nguồn nước thường xuyên được thay do sự điều tiết nước; chỗ đặt lồng rộng rãi nên đảm bảo về yếu tố môi trường,cá ít bị dịch bệnh. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Đầm đang thả nuôi 2 lồng với tổng diện tích 500m2. Ông thả nuôi 4.200 con.
Qua 2 năm tham gia nuôi, ông phấn khởi với mô hình nuôi trồng mới này. Ông chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 tôi nuôi loại cá này, môi trường ở phá Tam Giang rất phù hợp với việc nuôi loại cá chẽm và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng nên phát triển nhiều hơn nữa mô hình này nhằm giải quyết lao động trong thôn. Bà con ở đây không có đất nông nghiệp, chủ yếu sống bằng nghề sông nước, vì vậy, có thể xem đây là nghề chính để bà con xóa đói giảm nghèo”. Với giá thành 160.000 đồng/kg, nếu có đầu ra ổn định thì đây sẽ là hướng nuôi trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng sông nước.
Theo ông Phan Đăng Bảo – PCT UBND xã Quảng Lợi: Sau khi thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá lồng trên phá, năm 2015, thông qua nguồn vồn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Quảng Lợi đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho 10 hộ dân nuôi cá lồng, đồng thời người dân cũng đã phát triển thêm 15 lồng, nâng tổng số lồng nuôi cá chẽm hiện nay trên phá Tam Giang lên 25 lồng.
Qua tính toán, thống kê của UBND xã Quảng Lợi, mỗi lồng cá với diện tích 350m2/lồng, đầu tư ban đầu từ 4 - 5 triệu đồng, tân dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, kết hợp với kinh nghiệp đặc tính của cá chẽm, người dân nơi đây nuôi cá rất tốt, bình quân mỗi lồng cá chẽm đưa vào thả nuôi sau 6 tháng chăm sóc, mỗi lồng cho lãi ròng 45 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến – Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện nói: “Với đặc điểm vùng sông nước mênh mông của huyện, mô hình nuôi cá chẽm trong lồng đã thực sự tạo nên bước đi mới cho lĩnh vực thủy sản của huyện.
Với những hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá chẽm trong lồng mang lại, dự kiến những năm tới huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá chẽm trong lồng trên phá Tam Giang lên 70 lồng, tập trung ở các xã Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng Ngạn và Quảng An”.
Có thể nói, mô hình nuôi cá chẽm ở trên Phá Tam Giang đang là giải pháp kinh tế hoàn toàn khả thi, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi.
Tuy nhiên, do đầu ra của cá chẽm thương phẩm chưa ổn định, do vậy, để bà con nhân rộng mô hình này, trước mắt cần mở rộng việc liên kết, bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm, khuyến khích người dân tham gia phát triển mô hình, tạo nghề nuôi trồng bền vững cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Viện lúa ĐBSCL vừa lai tạo thành công những giống lúa mới có khả năng thích nghi biến đổi khí hậu. Đó là 8 giống lúa có khả năng chống chịu hạn, phèn mặn
Mới bước sang tuổi 29, nhưng chàng trai dân tộc Mường Quách Văn Tùng đã là chủ trang trại nông - lâm kết hợp với 17ha cao su, 3ha luồng... cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.
Chỉ trong vụ đông xuân vừa qua, 60 hộ nông dân trồng lúa tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An đã thu hoạch tăng từ 6 tấn lên 8 tấn/ha. Niềm vui này có được là nhờ kiên trì áp dụng GlobalGAP.
Chế độ cho cán bộ khuyến nông vẫn thấp, tổ chức triển khai cơ chế chính sách và phương thức quản lý khuyến nông ở địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng... là thực tế mà ngành này đang phải đối mặt.
Chuột hoạt động mạnh và gây hại vào ban đêm, có thể di chuyển xa khoảng 2 km để tìm thức ăn và thường đi theo các đường mòn cố định. Mùa khô chúng thường sống tập trung trong hang ở các bờ mẩu, bờ đìa