Nuôi cá chạch đồng trong ao hướng mới trong phát triển thủy sản
Ông Thái Tuấn Anh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thủy sản cho biết: Trên thị trường hiện nay, 1kg cá chạch thương phẩm có giá bán dao động từ 100.000 – 120.000 đồng, theo tính toán, nếu nuôi thả đúng kỹ thuật mỗi héc ta ao nuôi sẽ cho thu hoạch hơn 6 tấn cá chạch thương phẩm, trừ chi phí cho thu lãi từ 400 – 500 triệu đồng. Có giá trị như vậy, nhưng hiện nay, cá chạch trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên, hoặc được nuôi với phương thức nhỏ lẻ, manh mún, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, mô hình triển khai không chỉ khai thác tối đa tiềm năng về diện tích mặt nước, nguồn thức ăn sẵn có và lao động tại địa phương, góp phần chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, mà còn mở hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
Mô hình được triển khai tại 3 hộ thuộc xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) và 1 hộ thuộc phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) với số lượng 150.000 con giống/tổng diện tích 5.000m2 ao. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật nuôi cá chạch đồng trong ao. Cá chạch đồng là đối tượng nuôi mới đưa vào thí điểm, bởi vậy để mô hình đạt hiệu quả cao, các hộ dân tham gia được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chi tiết từ khâu chuẩn bị ao nuôi đến khi thu hoạch.
Theo đó, ao nuôi cần đáp ứng được các điều kiện như: gần nguồn nước sạch, không ô nhiễm để chủ động cấp nước sạch khi cần thiết, có lớp bùn dày từ 0,15 – 0,2m, khi nuôi nên thả bèo tây 1/3 mặt ao để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Cá giống ban đầu có trọng lượng từ 1,5 – 2g/con, mật độ thả từ 10 – 15 kg/100m2 ao. Cá chạch là loài ăn tạp, có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: cám ngô, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn công nghiệp, cá tạp, ốc xay… Với tập tính chui rúc vào ban ngày và ăn chủ yếu vào ban đêm, vì thế, nên cho cá ăn vào chiều tối nhiều hơn. Định kỳ hàng tháng bón phân chuồng, phân xanh từ 25 – 30 kg/100m2 ao, tạo thức ăn tự nhiên cho cá, phân phải được ủ hoai với 1% vôi bột. Khoảng 20 – 30 ngày phải thay 30 – 50% lượng nước trong ao.
Theo ông Thái Tuấn Anh, tuy chạch ít bệnh hơn lươn, nhưng nuôi với mật độ quá cao hoặc để nước ô nhiễm nhiều ngày thì chạch rất dễ mắc các bệnh như nấm, nhiễm trùng do vi khuẩn. Vì vậy, người dân cần kiểm tra thường xuyên, phát hiện dịch bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời. Nếu nuôi thả tốt, đúng kỹ thuật, sau 5 – 6 tháng nuôi cá chạch thương phẩm đạt trọng lượng 25 – 40 con/kg có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ.
Ông Nguyễn Thế Nghi, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Thanh Luông - một trong những người tham gia mô hình cho biết: Trước đây, tôi nuôi thả chủ yếu các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, chép, rô phi… Những năm gần đây với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân thì việc bổ sung đối tượng nuôi mới, đa dạng nguồn hàng hóa thương phẩm là điều rất cần thiết. Khi biết Trung tâm Thủy sản triển khai mô hình nuôi cá chạch đồng trong ao, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia với diện tích 1.500m2 ao, thả 45.000 con giống. Do đây là giống mới, chưa có kinh nghiệm nên tôi tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Thủy sản. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, tôi có thể nuôi ghép thêm một số đối tượng thủy sản khác như cua, cá trắm đen, cá chép để tận dụng thức ăn dư thừa và tăng hiệu suất sử dụng trên cùng một diện tích ao nuôi. Từ đó, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, tình hình đánh bắt thủy sản ngày càng tăng nên nhiều loại thủy sản trở nên cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là loại cá tra bần (hay còn gọi là cá tra nghệ). Để tái tạo lại nguồn lợi thủy sản của loại cá này, đồng thời tạo nguồn cho việc di cư sinh sản trong thiên nhiên, ngày 18-8, Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ và Công ty TNHH 1 thành viên Minh Chánh - Phú Tân
Triển vọng về giống khoai tây nguyên chủng được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và gieo trồng theo phương pháp khí canh đang mở ra hướng sản xuất khoai tây thương phẩm giá trị kinh tế cao, đồng thời hứa hẹn phát triển một nền sản xuất nông nghiệp sạch ở Thái Bình.
Anh Lê Minh Trung, 28 tuổi, ở ấp Long An B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là người đầu tiên trong huyện áp dụng thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao bằng thức ăn công nghiệp.
Sau thành công từ mô hình nuôi cá vược thương phẩm của ông Hà Quang Minh (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn, Diễn Châu - Nghệ An), 16 hộ khác trong xã đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư cải tạo ao đầm, mua cá giống về thả. Hiện nay, đàn cá đang phát triển tốt và hứa hẹn thành công.
Đu đủ đang là đối tượng cây trồng có hiệu quả, góp phần tăng thu quan trọng của nhiều hộ dân ở Hòa Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên).