Làm giàu từ nuôi cá và ba ba
Với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, sau nhiều lần trăn trở và suy nghĩ, chị Duyên quyết định tìm tòi các mô hình sản xuất chăn nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình.
Nghĩ là làm, từ năm 2004, được người quen giới thiệu, chị tìm đến các mô hình chăn nuôi ba ba có hiệu quả ở tỉnh Đồng Nai để tham quan học tập. Sau đó, chị mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư xây dựng một hồ nuôi ba ba với diện tích 300 m2và tìm đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín để mua 2.000 con ba ba giống về thả nuôi.
Trong quá trình nuôi, chị luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật mà mình đã học được như xử lý ao nuôi, thay nước định kỳ, nguồn thức ăn và cách cho ăn thích hợp… Nhờ đó, ba ba của chị sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi lứa ba ba thả nuôi trong thời gian từ 16 - 18 tháng, mỗi con đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,1kg, với giá bán trung bình nhiều năm 270.000 đồng/kg, mỗi lứa nuôi sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống chị thu lãi hơn 80 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm qua từng lứa nuôi, đồng thời nhận thấy nhu cầu con giống ở địa phương khá cao nên từ năm 2008, chị đầu tư xây thêm một hồ nuôi 300 m2 nữa để mở rộng quy mô chăn nuôi và lựa chọn ba ba có chất lượng để nhân giống đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho gia đình, bà con trong vùng và các khu vực lân cận. Hiện tại, sau khi đáp ứng nhu cầu con giống cho gia đình, mỗi năm chị còn xuất bán hơn 2.000 con ba ba giống với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/con, chị thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng.
Chưa bằng lòng với hiện tại, đồng thời nhận thấy việc nuôi ba ba cũng không tốn nhiều thời gian nên từ năm 2013, chị đào thêm 1 ao đất khoảng 1.500 m2 để thả nuôi cá lóc và cá diêu hồng. Mỗi lứa chị thả nuôi 16.000 con cá diêu hồng, sau 3 tháng chị thả tiếp vào ao 7.000 – 8.000 con cá lóc để nuôi chung, sau 3 tháng nữa thì thu hoạch cả ao, mỗi con cá diêu hồng đạt trọng lượng từ 0,5 – 1 kg và mỗi con cá lóc đạt trọng lượng từ 0,5 – 0,8 kg. Với giá bán của cả 2 loại cá là 50.000 đồng/kg, mỗi lứa nuôi sau khi trừ chi phí chị thu lãi hơn 70 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngoài những lúc cho cá và ba ba ăn, chị Duyên còn hợp đồng nhận đan ghế nhựa cho các công ty ở thành phố Quy Nhơn, với giá công đan mỗi ghế là 140.000 đồng và mỗi ngày chị đan được 2 ghế, thu được 280.000 đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi cá và ba ba, mỗi năm gia định chị Duyên thu lãi gần 250 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chị Duyên tâm sự: “Lúc mới bắt đầu nuôi, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm nên ba ba chậm lớn, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi nhận thấy để cá và ba ba phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống và chăm sóc lúc còn nhỏ, thêm nữa là khâu chọn thức ăn.
Nhờ đó, sau một thời gian, tôi đã có kinh nghiệm thì việc chăm sóc dễ dàng hơn và chúng đều phát triển bình thường. Có thể nói, nhờ nuôi cá và ba ba mà cuộc sống của gia đình tôi mới có của ăn của để như ngày hôm nay”.
Không những làm kinh tế giỏi mà chị Duyên còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức. Ngoài ra, chị còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình cho nhiều người khác học tập, áp dụng vào sản xuất để tạo việc làm và tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đã có rất nhiều người không những ở địa phương mà còn ở các huyện khác đến mô hình chăn nuôi của chị để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, chị luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập, áp dụng vào sản xuất
Ghi nhận về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, trong nhiều năm liên tục, chị Nguyễn Thị Duyên đã được các cấp hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen và mới đây chị được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Thương lái Từ Văn Tư (Tân Quới - Bình Tân) mua khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Khoảng 2 tháng nay, có thời điểm giá khoai tím Nhật ở mức 300.000 đ/tạ nhưng hiện chỉ còn 260.000 - 270.000 đ/tạ, giảm so cùng kỳ năm rồi khoảng 400.000 đ/tạ.
Hiện nay, việc dùng các loại cây sống như điều, mủ trôm, mức… làm trụ tiêu đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, tiêu là cây trồng rất khó tính, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây sống làm trụ cho cây tiêu.
Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.
Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng lúa đã được phổ biến để giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là nông dân tiêu biểu cấp tỉnh, được đề nghị UBND tỉnh tặng thưởng bằng khen.
Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nuôi thử nghiệm mô hình này bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ. Ngày 14/10, ngành chức năng của huyện phối hợp với hộ nuôi tiến hành thu hoạch tôm. Kết quả bước đầu khá thành công.