Nỗi lo tôm giống

Nhu cầu con giống của Tam Nông trong năm vừa qua là gần 80 triệu con. Thế nhưng, hơn 70% số hộ nuôi lựa chọn tôm giống Thái Lan, mặc dù giá cao hơn tôm giống trong nước khoảng 30%. Chỉ một số ít còn lại chọn tôm giống Việt Nam được mua từ các trại giống trong và ngoài tỉnh.
Giá cao, chất lượng lại không được kiểm soát, thế nhưng người nuôi vẫn cứ thích con giống được nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan.
Vấn đề bà con nuôi tôm “quay lưng” với con giống trong nước đã bắt đầu từ vài năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, kể cả chủ quan lẫn khách quan, song có thể kể ra một vài nguyên nhân chính như sau:
- Mô hình nuôi TCX tại Tam Nông mang tính mùa vụ rất đặc trưng, người dân tận dụng ưu thế mùa lũ để nuôi tôm sau khi đã thu hoạch một vụ lúa. Chính vì vậy, giai đoạn thả giống tập trung vào khoảng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7 dương lịch hàng năm.
Bà con cần thả giống trước khi lũ về khoảng 2 - 3 tháng, nếu sớm hơn, tôm sẽ chậm phát triển, nhưng nếu trễ hơn, nước lũ về tràn qua ao nuôi thì không thể thả giống được. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, để có thể đáp ứng nhu cầu con giống cho toàn vùng là rất khó khăn.
- Năng lực của các trại SX giống trong khu vực còn hạn chế. TCX là một đối tượng khó SX giống với số lượng lớn. Số trại giống có thể SX từ 1 triệu tôm post trong một đợt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Vì vậy, các hộ nuôi với diện tích lớn từ 5 ha trở lên phải thả giống rất nhiều đợt và thu mua từ nhiều trại khác nhau với chất lượng và kích cỡ không đồng đều. Chuyện cải tạo ao sẵn để chờ con giống trở thành chuyện bình thường đối với bà con nơi đây. Ngay cả khi đặt giống trước hàng tháng trời thì số lượng cung cấp vẫn không đủ.
- Chất lượng con giống trong nước chưa ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người nuôi không lựa chọn tôm giống Việt Nam.
Do chạy theo số lượng, một số trại giống không chú trọng vấn đề lựa chọn bố mẹ cho sinh sản. Cũng như cá tra, TCX đang đứng trước nguy cơ thoái hóa giống do đàn tôm bố mẹ ngày càng cận huyết.
Các trại giống chủ yếu chọn tôm bố mẹ từ các ao nuôi thương phẩm trong khu vực, thậm chí đó có thể chính là đàn tôm do cùng một trại cung cấp giống trong vài tháng trước đó.
Chưa kể đến một số cơ sở do không SX đủ số lượng nên đã thu gom từ nhiều trại khác nhau, dẫn đến tình trạng tôm không đều, chất lượng kém. Một vài hộ nuôi đã phải chịu thua lỗ do tỷ lệ sống thấp, tỷ lệ tôm trứng và tôm càng xào nhiều, năng suất không đạt.
So với tôm trong nước, tôm giống nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc đáp ứng được một số yêu cầu sau: Có thể cung cấp với số lượng lớn không hạn chế; thời gian nhận giống nhanh, bà con có thể chủ động trong việc tính toán thời vụ thả nuôi; kích cỡ đồng đều.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa đủ điều kiện để khẳng định được chất lượng từ các loại con giống nhập nội trên.
Vẫn có những hộ thu được lợi nhuận từ con giống Thái Lan, Trung Quốc… tuy nhiên, cũng không ít hộ phải nếm “trái đắng” khi phải chấp nhận mua giống giá cao mà vẫn thua lỗ.
Chưa bao giờ người dân nuôi tôm phải phân vân, đắn đo việc lựa chọn con giống như thời điểm hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Phát, một hộ nuôi tôm có nhiều năm kinh nghiệm tại thị trấn Tràm Chim cho biết: “Tôi thích thả tôm giống của Việt Nam lắm nhưng mấy vụ rồi không có lời. Vụ này tui thả tôm Thái Lan, giá hơi cao, tuy chậm lớn hơn tôm Việt nhưng được cái đồng đều, ít tôm càng xào, bán được giá hơn. Tới thời điểm này tôm cũng tốt, không biết đến khi bán ra sao?”.
Nhận thấy được nỗi lo của người dân, ngay từ đầu vụ nuôi năm 2015, UBND huyện Tam Nông đã chủ động tuyên truyền khuyến cáo người dân đến HTX để đăng ký số lượng con giống cần thiết.
Sau khi tổng hợp nhu cầu con giống cho toàn vùng, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tiến hành giới thiệu và đặt hàng đối với các trại SX giống có uy tín trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt chú trọng đến các nguồn cung cấp giống chất lượng cao như con giống qua chọn lọc từ nhiều dòng bố mẹ của Viện Nghiên cứu NTTS II, tôm toàn đực của Trung tâm Giống thủy sản An Giang hoặc các trại giống của trường ĐH Cần Thơ…
Bên cạnh đó, trại giống của Cty TNHH SX và cung ứng TCX Bá Tòng được đặt ngay tại vùng trọng điểm TCX là xã Phú Thành B, cũng sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay. Với công suất thiết kế khoảng 10 triệu tôm post/năm, trại sẽ đáp ứng được một phần nguồn con giống đạt chất lượng cho toàn vùng.
Theo nhận định của ngành chức năng, tôm giống trong nước vẫn sẽ được bà con ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên trong thời gian tới, bằng những biện pháp cụ thể, UBND huyện Tam Nông sẽ từng bước khôi phục lại lòng tin của bà con đối tôm giống Việt Nam. Người nuôi sẽ dễ dàng tiếp cận với con giống có giá cả thấp mà chất lượng lại được đảm bảo. Có như vậy họ mới hết cảnh phập phồng, lo lắng mỗi khi đến vụ nuôi mới.
Có thể bạn quan tâm

Đất không nghèo, nhưng suốt cả một thời gian dài, người dân Khánh Sơn (Khánh Hoà) hằng đau đáu trước câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực? Rồi cây sầu riêng có mặt, mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Song, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn hiện vẫn rất gian truân.

Hàng năm, vào những ngày này nông dân trồng cây ăn trái lại dồn sức chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa vào thị trường Mỹ - thị trường rất khó tính với nông sản nhập khẩu. Dona - Techno cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết kế vùng nguyên liệu sầu riêng lên đến 6 ngàn hécta tại 4 tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Gắn bó với Dona - Techno từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc công ty, cho biết với áp lực hội nhập ngày một sâu rộng, không thể làm nông nghiệp theo kiểu tư duy “mạnh ai nấy làm”.

Tại các xã Phú Hội, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã phát triển được hơn 20 hécta dừa xiêm lùn. Loại cây này mang lại sức sống mới cho vùng đất nhiễm mặn ven kênh rạch, vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông sinh ra và lớn lên tại vùng biển nghèo khó, thừa cát trắng, thiếu cơm ăn. Nhưng giờ đây, sau bao năm vật lộn với miền gió bụi, cát bay, ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá lồng.