Nuôi Bò Vỗ Béo Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Vùng Biên Giới Giang Thành
Giang Thành là huyện vùng biên giới của tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Những năm qua, do đất đai nhiễm phèn, sản xuất ở đây không thuận lợi, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa mùa năng suất thấp, nên các tổ chức đoàn thể xã hội tại địa phương nghĩ ra nhiều cách làm sáng tạo hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.
Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Tổ chăn nuôi bò vỗ béo Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú hiện có 23 thành viên, trong đó 12 thành viên là hội viên cựu chiến binh. Tùy vào nguồn lực tài chính của gia đình, mỗi hội viên đầu tư nuôi từ 2 - 10 con bò, cá biệt có hộ nuôi đàn bò hàng chục con mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao.
Ông Nguyễn Văn Thôi, Tổ trưởng Tổ Chăn nuôi bò vỗ béo ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, cho biết: "Nguồn bò giống được mua ở chợ biên giới xã Vĩnh Điều (Giang Thành) hoặc các chợ ở huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Những con bò này khi mua về trong tình trạng gầy ốm và sau 6 - 8 tháng chăm sóc chúng béo mập, tăng trọng lên và bán bò thịt cho thương lái. Nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo khá dễ dàng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hội viên hiện nay mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại để nuôi".
Bà Nguyễn Thị Ảnh là hội viên tổ chăn nuôi này hiện có đàn bò nuôi vỗ béo 63 con với vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng. Theo bà Ảnh, nuôi bò vỗ béo không vất vả lắm, nhưng phải chịu khó chăm sóc, chăn thả tận dụng nguồn cỏ tự nhiên ngoài đồng ruộng, phụ phẩm nông nghiệp là chủ động được nguồn thức ăn cho bò cả năm. Bò không bị bệnh và tăng trọng nhanh. Bà Ảnh cho biết: "Giá mua ban đầu 10 - 15 triệu đồng một con bò 1 - 2 năm tuổi, sau thời gian chăm sóc, vỗ béo 6 - 8 tháng bán được 20 - 25 triệu đồng, trừ chi phí lời 10 - 15 triệu đồng. Với đàn bò đang chăn thả hiện nay khi xuất bán, gia đình tôi lời trên 600 triệu đồng".
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tấm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Phú (Giang Thành), nuôi bò vỗ béo là mô hình mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đảm bảo ăn chắc và thích hợp với các địa phương vùng biên, nhưng nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên không phải hộ dân nào cũng thực hiện được. Để phát triển nhân rộng mô hình kinh tế này, Nhà nước cần đầu tư nguồn vốn cho hộ chăn nuôi gắn với tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò và thị trường tiêu thụ. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương là yếu tố quyết định như: xây dựng kế hoạch, thành lập tổ hợp tác, tổ chăn nuôi, huy động nguồn vốn…
Mô hình nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành đã mở ra mô hình kinh tế mới cần được nhân rộng trong phát triển kinh tế gia đình cho hội viên cựu chiến binh và bà con nhân dân vùng biên giới, nhất là phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19–12, 78 hộ chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được Ban quản lý Dự án Lifsap tỉnh trao giấy chứng nhận VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt).
Từ một công nhân cạo mủ cao su thuê, chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp, anh Lê Hoài Khanh (SN 1976, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát - Bình Dương) đã có của ăn của để.
Nuôi lươn không cần bùn, đất; dễ quản lý số lượng, thức ăn dư thừa và dịch bệnh; lươn phát triển nhanh, ít hao hụt… Đó là những ưu điểm của mô hình thí điểm nuôi lươn không bùn được nông dân xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú - An Giang) áp dụng mang lại hiệu quả tốt.
Có thể thấy, mặc dù khả năng đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng sản phẩm trứng gà hiện nay trên thị trường rất nhiều nhưng người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là sản phẩm chất lượng tốt, đâu là sản phẩm kém chất lượng. Không thiếu trường hợp, người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm trứng gà chất lượng thấp với giá cao.
Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) có diện tích lớn nuôi cá trong ruộng tập trung nhiều ở các xã Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp. Riêng xã Thới Hưng có 1.500 hộ nuôi cá trong ruộng, chiếm 3.300 ha mặt nước.