Đồng Nai Treo Chuồng Vì Dịch Cúm
Những người chăn nuôi đang bị bủa vây tứ phía, đối mặt với nguy cơ phá sản, buộc phải “treo” chuồng, tạm ngưng chăn nuôi vì thua lỗ nặng do sản phẩm không ngừng rớt giá.
Theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh (huyện Trảng Bom - Đồng Nai), từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát, nhu cầu tiêu thụ gà giống giảm mạnh. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất giống gia cầm đang phải bù lỗ vì giá gà giống giảm từ 50-60% so với trước.
* Điêu đứng vì lỗ
Ông Khanh cho biết: “DN hiện phải gối đầu vốn cho các đại lý tiêu thụ con giống để kéo sức mua, nhưng có lúc buộc phải tạm ngừng cho ấp mẻ trứng mới. Thị trường chăn nuôi mấy năm nay quá bấp bênh, nay thêm gánh nặng dịch cúm, giá liên tục giảm, tồn hàng nên nông dân hầu như không nghĩ đến chuyện tái đàn”.
Ông Phạm Công Kiệt, nông dân nuôi gà tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Hiện giá gà ta “rớt” xuống còn từ 50-60 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay, nhưng có thể chưa chạm đáy. Ở đây, nhiều hộ chăn nuôi tuy quy mô đến vài ngàn con nhưng chủ yếu đều cung cấp cho tư thương mang bán lẻ tại các chợ.
Khi xuất hiện dịch cúm, người dân cảnh giác không mua, hàng hóa lại thường xuyên bị tịch thu do không chứng nhận được nguồn gốc nên có giai đoạn gà không thể tiêu thụ được”. Gà trưởng thành tồn kho tại trại, nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh rất cao vì chu kỳ vaccine đã hết. Nhiều nông dân nuôi gà rơi vào cảnh mất nhà, mất đất vì dịch cúm.
Ông Nguyễn Văn Nhận, nông dân có trại gà ở xã Cây Gáo và ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cho biết: “Từ khi ấp Lộ Đức xuất hiện đàn gà bị dịch cúm, cả trang trại lớn và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều rất lo lắng. Hiện hàng ngày chúng tôi đều tổ chức phun thuốc khử trùng, người ra vào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch”.
Theo ông Nhận, khó khăn nhất của người chăn nuôi là khâu tiêu thụ sản phẩm, có trang trại đã lỗ hàng tỷ đồng từ khi xuất hiện dịch cúm. Mặt khác do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, nhiều loại dịch bệnh cũng dễ phát sinh trên gia cầm. Không ít trang trại, hộ chăn nuôi gà ở 2 xã Cây Gáo và Hố Nai 3 đã giảm sản lượng từ 60-80% so với trước.
* Cân nhắc khi tái đàn
Theo chủ các trang trại chăn nuôi, tuy dịch chỉ xảy ra ở vài trường hợp cá biệt thuộc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng cả ngành chăn nuôi cùng điêu đứng. Từ khi xuất hiện dịch cúm, thông tin về cúm gia cầm tràn ngập khiến nhiều người tiêu dùng e ngại, tẩy chay cả những sản phẩm sạch, an toàn. Người chăn nuôi càng khốn đốn vì giá rớt mạnh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), bức xúc: “Giá gà công nghiệp tại trại lại tiếp tục giảm, chỉ còn 24 ngàn đồng/kg. Trang trại tôi có quy mô cả chục ngàn con, nay chỉ còn lại đôi ba ngàn con nhưng tôi chưa có ý định tái đàn”.
Theo đó, nhiều trang trại nhỏ, lẻ ở khu vực này đều đã “treo” chuồng vì không còn vốn để duy trì hoạt động. Những đợt dịch trước, các trang trại vẫn mạnh dạn đầu tư tái đàn chờ thị trường khởi sắc khi qua đợt dịch bệnh, nhưng hiện nay gà ngoại nhập về tràn lan nên người chăn nuôi rất cân nhắc trong việc tái đàn.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho rằng hiện các phương tiện thông tin truyền thông đều tràn ngập cảnh báo sự nguy hiểm của dịch cúm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người mua, khiến đầu ra sản phẩm gia cầm gặp khó khăn. Tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin để người dân hiểu và không quay đầu với sản phẩm an toàn.
“Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sản phẩm nông nghiệp đang tồn hàng, có trang trại và hộ chăn nuôi tạm ngừng hoạt động hoặc không tái đàn là điều khó tránh khỏi. Người chăn nuôi cũng cần phải tính toán kỹ trong việc đầu tư tái đàn.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu gia cầm sau dịch bệnh không đáng lo ngại vì ngành chăn nuôi của Đồng Nai chủ yếu là các trang trại với quy mô lớn, nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh nên sẽ chủ động được trong việc tổ chức sản xuất, nắm được cơ hội khôi phục sau dịch bệnh” - ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…
Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Mang Thít (Vĩnh Long) đã chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thực hiện khoảng 8ha mô hình luân canh dưa hấu trên nền đất lúa, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 lần trồng lúa.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đốm nâu trên thanh long, thời gian qua các địa phương đã tiếp tục triển khai công tác phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2015, giá dừa khô bình quân từ 60.000 - 65.000 đồng/chục (12 trái), nhưng đến tháng 7, 8 và 9 giảm chỉ còn 40.000 đồng/chục; thời điểm tháng 9/2015, chỉ còn 35.000 đồng chục.
Vài năm trở lại đây, cây thanh long ruột đỏ tình cờ được một người dân mang về trồng tại làng Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và nhanh chóng trở thành cây xóa đói, làm giàu trên mảnh đất này.