Nuôi Bò Trên Đất Khó

Người dân tổ Tiểu Tây, thôn Phước Lợi, Tam Lãnh (Phú Ninh) mạnh dạn đầu tư nuôi bò theo quy mô bầy đàn, mở ra hướng phát triển kinh tế chủ lực nơi “vùng đất khó” này.
Sự yếu kém về hạ tầng là lực cản rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tiểu Tây - ngôi làng nằm trên ngọn núi Lô. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, người dân Tiểu Tây đã nhìn ra thế mạnh và biết phát huy thế mạnh từ việc trồng cỏ nuôi bò.
Năm 2014 đánh dấu chuyển biến quan trọng ở Tiểu Tây khi 27 gia đình của tổ không còn hộ nào nằm trong diện nghèo. Để thấy sự thay đổi lớn, có thể làm phép so sánh với thời điểm vài ba năm trước, khi Tiểu Tây được biết đến là vùng đất nhiều cái “không”.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng thôn Phước Lợi cho biết, nơi đồi núi này trồng lúa rất khó, chỉ sản suất được một vụ nhờ nước trời nên người dân đang tập trung vào thế mạnh trồng keo và nuôi bò.
“Trong khi trồng rừng chi phí vận chuyển rất cao vì sự cách trở của đường sá thì chăn nuôi bò xu hướng quy mô bầy đàn đang là hướng đi bền vững. Đến nay, tổng đàn bò của người dân tổ Tiểu Tây lên đến hàng trăm con, và cũng chính nhờ chăn nuôi bò mà tổ đã không còn hộ nghèo, dù hiện nay giao thông vẫn chưa thuận lợi” - ông Tâm nói.
Từ 2 con bò giống thời điểm 5 năm trước, đến nay đàn bò của nhà bà Lê Thị Lực đã lên đến 11 con, mới đây bà vay mượn mua một con bò lai sinh sản giá 23 triệu đồng, và mua 1 con trâu. “Nhà còn hai đứa con trai đang học cao đẳng ở Hội An và Đà Nẵng. Mỗi lần túng tiền là bán bò chu cấp cho chúng nó ăn học. Ở đây đồi đất rộng nên thuận lợi trong việc trồng cỏ và chăn thả tự nhiên, bò lớn nhanh, phát triển tốt” - bà Lực cho hay. Dọc triền núi Lô, xanh um một màu của cây keo và cỏ voi.
Ở Tiểu Tây, nhà ít nhất cũng nuôi chục con bò, có những hộ nuôi với số lượng 20 - 30 con như gia đình ông Phạm Văn Trung, Phạm Văn Phú… Việc chăn nuôi ở đây sẽ phát triển mạnh nếu người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay hơn nữa để mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Và khi đó chăn nuôi bò không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo, ổn định sinh kế mà còn hướng đến mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất này. “Nhà tôi nuôi bò ít nhất làng, chỉ có 8 con.
Giờ rất muốn phát triển đàn bò nhưng vốn không có, đã đi vay nhiều chỗ, nhiều nơi rồi nên không thể vay thêm được nữa” - ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi) nói. Trưởng thôn Phước Lợi - Nguyễn Văn Tâm nói thêm, có rất nhiều hộ dân tổ Tiểu Tây muốn nhân rộng đàn bò để tương xứng với diện tích đất đồi trồng cỏ, nhưng nguồn vốn đang là vấn đề lớn. Nếu cứ lấy ngắn nuôi dài thì phải mất khoảng thời gian rất lâu mới “gầy” được đàn bò như mong muốn.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201411/nuoi-bo-tren-dat-kho-557949/
Related news

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông Na Hang, UBND xã Năng Khả tổ chức triển khai thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản cho 10 hộ gia đình trên địa bàn xã Năng Khả, với tổng số vốn đầu tư gần 400 triệu đồng.

Trong hai tháng 5 và 6/2013, các Trạm Khuyến nông ở huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... của tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt cấp cá giống cho các hộ dân trong vùng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Tháng 4-2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương) phối hợp với Công ty Nông sản Hải Dương triển khai sản xuất giống ngô ngọt trên diện tích 15 ha.

Thăm trang trại tổng hợp của ông Đàm Thọ ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chúng tôi cảm phục trước nghị lực và táo bạo của vợ chồng ông.

Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, sản lượng cà phê xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013 của Đồng Nai ước đạt hơn 85 ngàn tấn, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến nay không chỉ giảm mạnh về sản lượng mà giá cũng giảm. Theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến cà phê xuất khẩu giảm mạnh là do niên vụ 2012-2013, cà phê trên thế giới được mùa, nguồn cung khá dồi dào.