Những ngư dân gác chèo nuôi thỏ thu hơn 1 tỷ đồng/năm
Với mô hình nuôi thỏ trên diện tích gần 1.000m2, mỗi năm hợp tác xã nuôi thỏ của những ngư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu về hơn 1 tỷ đồng.
HTX nuôi thỏ của ông Long mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng
Từ bao đời nay, người dân thôn Đông Yên chỉ quen với “ăn gió, nằm sóng” trên những con thuyền ra khơi bám biển. Khi dự án đi qua, họ nhường đất lên vùng tái định cư sinh sống. Không có biển, không có đất nông nghiệp, những lão ngư chỉ quen với việc đánh cá đã nghĩ ra hướng làm giàu trên vùng đất mới, nghề nuôi thỏ.
Ông Mai Xuân Long là một trong những người đầu tiên ở thôn Đông Yên mạnh dạn chuyển sang nuôi thỏ. Cách đây 4 năm về trước, ông cũng nhưng bao gia đình khác chuyển lên vùng tái định cư để nhường đất cho dự án Formosa. Cuộc sống mới không có biển, nông nghiệp thì không có đất, hai năm liền gia đình ông không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai. Cả nhà chỉ biết ngồi nhìn nhau qua ngày, thỉnh thoảng nhớ nghề, ông lại vác lưới ra biển bủa lưới đánh cá. Sau sự cố môi trường biển, cuộc sống càng trở nên bấp bênh hơn với những ngư dân vốn chỉ quen với con thuyền, tấm lưới.
Không thể sống mãi trong vòng luẩn quẩn, tia sáng lóe lên trong một lần ông xem truyền hình về mô hình nuôi thỏ. Thấy nghề nuôi thỏ khá phù hợp với điều kiện gia đình và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông bàn với các lão ngư trong làng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kế sinh nhai.
Để tiết kiệm, hầu hết công việc xây chuồng trại đều do vợ chồng ông Long cùng các thành viên trong HTX dốc sức làm. Tiền mua giống ông cũng phải đi vay mượn khắp làng trên xóm dưới mới đủ mua vài trăm con về thả. Năm 2016, HTX nuôi thỏ được thành lập với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay HTX đã có 20 thành viên tham gia, trên 500 thỏ sinh sản và hàng ngàn thỏ thịt.
Ông Long chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống lênh đênh trên biển, quen với việc bắt con tôm, con cá để mưu sinh. Khi nhường đất cho dự án lên vùng tái định cư mới, tôi mất một thời gian khủng hoảng bởi không biết làm gì để nuôi gia đình. Thấy mô hình nuôi thỏ khá hợp lý ở vùng đất này, tôi xách ba lô đi tham quan các mô hình ở các huyện và tỉnh lân cận. Đến khi quyết định làm lại gặp khó khăn về nguồn vốn, cũng may anh em và bạn bè giúp đỡ nhiệt tình nên mọi việc mới êm xuôi.
Từ trước tới nay chỉ biết bám biển, khi chuyển sang nuôi thỏ trong tay tôi gần như là con số không, không vốn, không kiến thức, không kinh nghiệm… Vì vậy, tôi phải cố gắng nhiều hơn những người khác, vừa thả nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách báo và trên mạng, nhất là việc phòng ngừa bệnh cho thỏ nên bước đầu đạt hiệu quả rất khả quan”.
Thỏ là loại động vật sinh sản khá nhanh, sau 5 - 6 tháng nuôi thỏ nái bắt đầu sinh sản, mỗi năm có thể cho xuất bán 6 - 8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6 - 10 con. “Chúng tôi vừa mới xuất bán 2,5 tấn thỏ thịt với giá thỏ giống 150.000 - 170.000 đồng/kg, thỏ thịt 75.000 đồng/kg. Năm qua HTX thu về trên 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí lãi 600 - 700 triệu đồng. Dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng bước đầu khá thuận lợi và có đầu ra ổn định như thế là an tâm rồi. Sang năm chúng tôi dự định sẽ mở rộng mô hình hơn nữa, kết nạp thêm một số hộ gia đình cũng có nguyện vọng nuôi”, ông Long phấn khởi.
Thỏ là loài động vật mắn đẻ, ít chi phí, chuồng trại khá đơn giản nhưng rất dễ bị bệnh
Cũng theo ông Long, thời gian nuôi từ khi thỏ đẻ đến lúc xuất bán khoảng 90 ngày, nếu người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt đúng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, khi xuất bán thỏ đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 2,3 kg/con trở lên. Những thành viên trong HTX trung bình một tháng xuất được khoảng 700 con thỏ đạt tiêu chuẩn sẽ cho thu lãi 30 triệu đồng/tháng.
Nói về kinh nghiệm nuôi thỏ của bản thân, ông Long chia sẻ: “Thỏ là loại động vật mắn đẻ, ít chi phí, chuồng trại khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt nhưng phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Ngoài ra, thỏ cũng rất dễ bị nhiễm bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh nấm trên thỏ. Khi mắc bệnh này, thỏ chết rất nhanh, người chăn nuôi phải có phương án chăm sóc chu đáo, thường xuyên cho uống thuốc, nhất là khi cho thỏ ăn chú ý không để các loại rau thấm nước và bẩn”.
Bà Võ Thị Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kỳ Anh cho biết: "Mô hình nuôi thỏ khá phù hợp với quy mô hộ gia đình, mức đầu tư vừa phải, ít rủi ro nên đang được người dân chú trọng phát triển. Điển hình là Hợp tác xã Nuôi thỏ Đông Yên bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chúng tôi đang khảo sát, thí điểm nếu thuận lợi sẽ tạo điều kiện về con giống và cách chăm sóc để khuyến khích bà con phát triển nghề này".
Có thể bạn quan tâm
Ngoài tiền tỷ từ vườn chanh dây năng suất 200 tấn, anh Đăng Khoa (Đồng Nai) còn tận thu thêm hàng trăm triệu đồng nhờ trồng xen gừng, kim ngân.
Không trồng cà chua từ đất, tưới nước như thông thường, chị Thủy sử dụng hỗn hợp lên men từ trứng gà, sữa tươi và mật mía làm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng
Giữa vùng đất pha cát cằn cỗi, vườn mít bạt ngàn của ông Nguyễn Đình Thìn (45 tuổi, trú thôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) vẫn xanh mướt mát.