Kiếm tiền tỷ nhờ trồng 4ha chanh dây xen lẫn gừng
Ngoài tiền tỷ từ vườn chanh dây năng suất 200 tấn, anh Đăng Khoa (Đồng Nai) còn tận thu thêm hàng trăm triệu đồng nhờ trồng xen gừng, kim ngân.
Anh Khoa trồng 4ha chanh dây để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: NVCC
4ha chanh dây của anh Nguyễn Hồng Đăng Khoa (huyện cẩm Mỹ, Đồng Nai) mỗi năm cho năng suất khoảng 200 tấn, thu nhập trên một tỷ đồng. Giống chanh dây tím được anh nhập trực tiếp từ Đài Loan về trồng, khỏe mạnh, sạch bệnh, không biến đổi gen. Khi thu hoạch cho quả đẹp, hương thơm nồng, vị chua ngọt.
Chanh dây tím được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán cao. Anh Khoa cho biết, tùy vào thị trường và mùa thu hoạch, giá sẽ khác nhau. Loại một xuất khẩu châu Âu 32.000 đồng; loại hai cung cấp các cửa hàng trái cây, chợ, siêu thị 18.000 đồng; loại ba 12.000 đồng mỗi kg.
Để tận dụng đất trồng, anh Khoa còn thâm canh thêm gừng và kim ngân. Gừng dễ trồng, không tốn thời gian chăm sóc, lại hạn chế cỏ mọc, nên anh chăm bẵm để bán cây giống cho bà con. Trong khi kim ngân là cây cảnh phong thủy mang đến thịnh vượng, được các gia đình và doanh nghiệp mua nhiều trong dịp Tết.
Ông chủ vườn chanh dây kể, cây được trồng trên nền đất đỏ phong hóa từ đá bazan đã cải tạo kỹ lưỡng. Đầu tiên anh cho cày xới đất, sau đó rắc vôi bột, cuối cùng là tưới đẫm. Quá trình cải tạo mất 6-12 tháng. Đồng Nai có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cận xích đạo, lượng mưa lớn trên 2.000mm, nắng trung bình 2.500-2.700 giờ mỗi năm. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, chanh dây tím cho quả ngon, thơm, năng suất tốt. Trung bình sản lượng đạt 55 tấn mỗi ha.
Để có nguồn phân bón chất lượng và an toàn, anh Khoa tận dụng xơ dừa đã qua sử dụng trộn với phân gà và bò theo tỉ lệ 3:1:1. Sau đó, đem ủ hoai trong khoảng thời gian sáu tháng đến khi đạt nhiệt 70 độ C. Phân được bón cho chanh dây sau khi thu hoạch, bốn tuần trước khi ra hoa, sau khi đậu quả, một tháng trước lúc hái.
Anh Khoa cho biết, phân chuồng ủ hoai ở 70 độ C có thể tiêu diệt hạt cỏ dại, mầm mống côn trùng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình phân huỷ chất hữu cơ và khoáng hoá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Việc tận dụng xơ dừa cũng giúp anh tiết kiệm một nửa chi phí mua phân chuồng.
Nguồn nước ngầm bơm lên hồ chứa 250 m3, không ô nhiễm hay tồn dư kim loại nặng gây hại đất trồng. Sau đó, tưới cho cây thông qua hệ thống phun mưa tự động ngày 3-4 lần. Cách hai ngày, anh Khoa cùng bốn công nhân đến thăm vườn, vệ sinh gốc, loại bỏ lá già và quả hỏng, lắp bẫy dính sinh học và sử dụng vợt để loại bỏ sâu bệnh.
Sáu tháng trước và sau thu hoạch, Chi cục Bảo vệ Thực vật Đồng Nai xuống lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh để đảm bảo chanh dây an toàn cho người sử dụng. Quả hái tại vườn được phân loại, đóng thùng vận chuyển, không sử dụng thuốc bảo quản., tiêu thụ chủ yếu ở Đồng Nai, TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
Chế 15 máy nông cơ, mạnh dạn trồng mâm xôi châu Âu, học người Nhật cách làm hồng sấy... mang tiền tỷ về cho nông dân Lâm Đồng.
Anh Ngô Xuân Điền ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là một trong những thanh niên đi tiên phong trong phong trào trồng đông trùng hạ thảo
Anh La Hữu Lộc, SN 1982 ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã từ bỏ việc làm ở Singapore về quê để nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm mỗi năm