Nuôi Ba Ba Làm Giàu
Học hỏi mô hình nuôi ba ba ở Hậu Giang và áp dụng ngay trên miếng vườn của mình, 3 năm nay, anh Phạm Tấn Hưng, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) thành công với nghề nuôi ba ba, tăng thu nhập kinh tế gia đình đáng kể.
Anh Phạm Tấn Hưng tham gia bộ đội năm 1974, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, anh tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đến năm 1980, anh về sửa sang khôi phục lại vườn tược, cùng với ba mẹ canh tác thửa ruộng 2 ha.
Vất vả với cây lúa từ 1 vụ chuyển dần lên 2, 3 vụ trong năm, năng suất cũng dần tăng lên theo từng thời vụ, kinh tế gia đình tương đối ổn định. Tuy vậy, anh Hưng không mấy hài lòng, nên cách đây 3 năm anh học hỏi mô hình nuôi ba ba ở Hậu Giang và đem về áp dụng ngay trên miếng vườn của mình.
Nhờ có sự trợ giúp hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chăn nuôi huyện, năm đầu, anh nuôi thử 500 con, qua 8 tháng thấy ba ba lớn nhanh, phát triển tốt, giá cả cũng hợp lý, anh tiếp tục nuôi thêm ba ba và dùng tôn che chắn nuôi 2.000 con.
Với giá ba ba thịt hiện nay, con từ 500 gram (nửa ký) trở lên giá 200.000 đồng/ký, con dưới 500 gram giá 180.000 đồng/ký. Có bao nhiêu đem cân cho các nhà hàng hết bấy nhiêu.
Anh Hưng cho biết: "Hiện tại, nghề nuôi ba ba chắc ăn hơn nghề nuôi heo gấp mấy lần, vì nó ít bịnh dịch, thức ăn ít tốn kém hơn, nhưng quan trọng phải có hệ thống đăng bao chắc chắn, đừng cho ba ba leo trèo, bởi nó có thể đào hang xuyên ngang qua bờ 2 mét như chơi.
Đợt rồi tôi nuôi 2.000 con, dùng tôn che chắn không đảm bảo nên ba ba chen đi phân nửa, số còn lại tôi tuyển từng đợt bán cộng lại cũng được 180 triệu đồng.
Chi phí cho con giống, thức ăn, các chi phí khác hết 30 triệu, còn lời trên trăm triệu. Nhờ số tiền này mà tôi nuôi con trai út tốt nghiệp đại học ngành du lịch, hiện cháu đang làm hướng dẫn viên du lịch tại Cần Thơ. Các con lớn của tôi đều có nhà cửa ổn định". Theo anh Hưng, chi phí thức ăn cho ba ba không tốn nhiều tiền, vì ba ba ăn cá bổi tạp giá 5.000 - 10.000 đồng/ký.
Thời gian đầu đem ba ba về nuôi, anh cho chúng ăn bằng thức ăn chế biến để ba ba khỏe mạnh, sau đó cho ăn cá tạp, ngày cho ăn ba cử, sáng, trưa, chiều. Ba ba là loại ăn tạp, ăn hổn nên cá, thịt sống nó đều ăn hết, không kén. Sau 8 tháng nuôi, ba ba đạt trọng lượng mỗi con từ nửa ký trở lên, có thể đem đi bán, nuôi 1 năm là ba ba đẻ.
Anh Hưng nói: "Giờ tôi cho ba ba đẻ và ấp trứng nở con tại nhà luôn. Muốn cho nó đẻ, bắt riêng ba ba cái với vài con đực nuôi chung trong cái bể nước có vách tường xi măng chắc chắn. Chính giữa bể làm một khoảnh vuông chứa cát dày chừng 4 tấc, bên trên có mái che cho râm mát, ban đêm ba ba trèo lên đẻ.
Ba ba đẻ xuyên suốt 2 tháng mới thôi, mỗi con trọng lượng nửa ký trở lên mang trong bụng hàng trăm trứng. Cứ 3 ngày bươi cát lên lượm trứng một lần, đem trứng để riêng vô thùng phía dưới có cát ấm, đậy nắp thùng lại để vô mát 1 tháng là trứng nở con. Canh chừng ngày bắt ba ba con ra nuôi riêng vào hầm để dễ chăm sóc, cho ăn".
Anh Hưng cho biết thêm: Ba ba thường mắc 2 bệnh: mù mắt và ghẻ lở. Hai thứ bệnh này cũng dễ trị, dùng thuốc pha loãng xịt lên mặt nước trong diện tích hầm là sẽ hết. Để cho ba ba mau lớn thì theo dõi phần ăn và xả phên, thay nước thường xuyên trong hầm.
Anh Hưng chỉ tay ra phía sau vườn và bộc bạch ý định của mình: "Tới đây tôi mua gạch, cát, xi măng xây bao quanh miếng đất này có diện tích 250m2 để nuôi 3.000 con ba ba, tôi rất mê thích nghề nuôi ba ba này rồi, không thể nghỉ được! Cũng nhờ nó mà 3 năm qua kinh kế gia đình tôi phất lên dư giả.
Thịt ba ba ngọt ngon chế biến được nhiều món như: Ba ba nấu thuốc bắc, ba ba luộc nước dừa, ba ba nấu ca ri, sa tế, ba ba rang muối, ba ba nấu chuối sáp, ba ba nấu cháo xé phay trộn gỏi… Những bữa tiệc tùng ở nhà hàng, ba ba được coi là món đặc sản quý khoái khẩu, vì thịt vừa ngọt, vừa dai nhưng lại vừa mềm, được nhiều người ưa thích.
Có thể bạn quan tâm
Vụ HT 2015, TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An tiếp tục khảo nghiệm giống lúa thuần LH12 tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.
Với bắp biến đổi gen, ông Hòa hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu và chỉ cần 1 lần phun thuốc cỏ nhưng vẫn kiểm soát được đến 95% cỏ dại trên ruộng.
Với giá bán hiện tại khoảng 3.000 đồng/cành, mỗi sào hoa cúc (45.000 cây) sau khi trừ chi phí nhà vườn còn thu về 80 triệu đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi nhiều mặt hàng nông sản chính có suy giảm về cả lượng và giá trị xuất khẩu thì xuất khẩu hạt điều vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.
Giống dưa hấu có vỏ đốm vàng như hình mặt trăng và ngôi sao li ti khiến không ít người mê mẩn tìm mua.