Nữ hoàng gà giống và thu nhập khiến nhiều người phát thèm
Chị Tuyến giờ đã mở rộng trang trại của mình và thành lập Công ty TNHH TM&DV Tiến Đạt do chính mình làm Giám đốc.
Trại ấp trứng hiện đại
Đến thăm trang trại rộng hơn 4ha của chị Ngô Thị Tuyến, chúng tôi mới có dịp tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi hiện đại và cách chăm sóc gà bố mẹ, cũng như kỹ thuật ấp trứng rất chuyên nghiệp của chị. Ngày nắng cũng như ngày mưa, trong trại ấp trứng của chị Tuyến lúc nào cũng giữ một mức nhiệt độ mát nhất định, nên khi mới bước chân vào trại chúng tôi cứ ngỡ như được vào văn phòng làm việc mát dịu.
Hầu hết trứng gà do trang trại chị Tuyến ấp đều đạt chuẩn.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Tuyến tâm sự: “Ban đầu, tôi tập trung nuôi gà lấy trứng, nhưng sau một thời gian nuôi giống gà này tôi thấy… nhàm chán bởi các trại gà xung quanh lúc nào cũng quẩn quanh với vài giống gà quen thuộc. Trong khi đó, những giống gà này năng suất cũng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, nên tôi nghĩ cần phải chuyển sang nuôi giống gà đặc thù hơn”.
Thời gian đó, ngoài những lúc làm việc ở nhà, chị Tuyến thường tranh thủ tìm đến các trang trại lớn ở gần và cả những trại ở tỉnh khác để để học hỏi kinh nghiệm và để “chôm” xem các chủ trang trại khác nuôi những giống gà gì đẹp, lớn nhanh, thịt thơm ngon và phù hợp thị hiếu. Mặt khác, chị cũng tìm đến các chuyên gia để nhờ tư vấn về giống và kỹ thuật chăm sóc.
Đầu năm 2012, chị nhập 1.000 con gà giống Ai Cập về để nuôi thử. Song không hiểu sao, giống gà này cứ gần đến ngày lấy trứng lại quay ra rỉa thịt nhau. Thế là, đàn gà cứ “vơi” dần, khiến chị chịu nhiều thiệt hại từ đợt nuôi gà đó. Rồi qua tìm hiểu thông tin trên mạng và sách báo, chị nhận thấy nguyên nhân khiến đàn gà hay mổ rỉa thịt nhau, con thì nhiễm dịch bệnh chết là do giống gà được đưa về từ nước ngoài, nên thời gian đầu thường không quen với điều kiện thời tiết, khí hậu bản địa.
Trại gà của chị Tuyến.
Biết được nguyên nhân đó, chị Tuyến đã quay sang tìm cách rèn lũ gà hung dữ này lành tính trở lại. Trong số những con Ai Cập còn sót lại, chị chọn ra những con khỏe mạnh nhất để lai tạo với gà Trống thuần của Việt Nam, từ lúc trứng nở đến khi gà đẻ quả trứng đầu tiên tròn 4 tháng 10 ngày. Sau nhiều lần lai tạo, cuối cùng đàn gà giống gà Ai Cập của chị cũng bớt hung dữ hơn, từ đó chị bắt đầu quay sang nhân giống để mở rộng đàn gà.
Sau đó, chị bắt đầu nhập giống gà từ Pháp, Séc về nuôi thử nghiệm, tuy nhiên, trong quá trình đó chị phải liên tục nghiên cứu, lắng nghe tư vấn, lai tạo giống gà ngoại với gà trong nước để cho ra một giống gà có chất lượng tốt, phù hợp khí hậu Việt Nam. Giống gà mà chị tâm đắc nhất là gà J-Pháp và D300 của Séc. Ngoài ra, trang trại của chị cung cấp rất nhiều giống gà khác nhau như Mía lai, Ta lai, Lai chọi và một số giống gà ngoại khác.
Từ thàng công của mình, chị Tuyến dự định sẽ bổ sung khoảng 10-15 máy ấp trứng nữa nữa với mục tiêu, mỗi lần ấp ra từ 20.000-30.000 con gà giống để đáp ứng toàn bộ nhu cầu về giống cho các tỉnh thành trên cả nước.
Chị Tuyến cho biết: “Muốn có gà giống tốt thì đàn gà bố mẹ phải tốt đã, nghĩa là đàn gà bố mẹ lúc nào cũng phải được chăm sóc kỹ lưỡng”. Trang trại của chị hiện có gần 2.000 gà bố mẹ các loại, ngày nào chị Tuyến cũng phải bật giàn mát khi thời tiết nắng nóng để đảm bảo cho thân nhiệt của gà. Chuồng trại của chị luôn luôn được dọn vệ sinh “sạch như chùi” để phòng ngừa dịch bệnh cho gà.
Chia sẻ về kỹ thuật ấp trứng để trứng nở chuẩn của mình, chị Tuyến cho biết: “Quả trứng được đưa vào ấp phải đảm bảo chất lượng, tức là gà bố phải được chăm sóc trong điều kiện nhiệt độ, chiếu sáng phù hợp để có chất xám và tinh trùng tốt khi phối giống cho gà mẹ. Trong quá trình ấp trứng, cũng phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp”.
Quá trình trên được chia làm 3 giai đoạn: Khi vào trứng đảm bảo nhiệt độ từ 33,5-35 độ C; 4-5 ngày sau thì tăng dần nhiệt độ từ 37,5 đến 37,8 độ C; đến khi trứng sắp nở giữ nhiệt độ từ 36,5 đến 37,2 độ C. Gà nở khô lông thì lập tức tiêm chủng vaccin maric 1 ngày tuổi là có thể xuất bán.
Địa chỉ mua giống của các chủ trang trại
Với những kỹ thuật ấp trứng riêng biệt, đến nay Công ty TNHH TM&DV Tiến Đạt do chính chị Tuyến làm Giám đốc đã cung ứng gà giống cho các tỉnh thành trên khắp cả nước. Công ty của chị có khoảng 15 đại lý ở các tỉnh, thành. Chị Tuyến còn dự định sẽ đặt ở mỗi tỉnh từ 1-2 đại lý phân phối gà giống tham vọng đưa gà giống đến khắp nơi trong cả nước. “Tôi rất muốn mở đại lý, bởi thông qua đó, mình sẽ nắm được nhu cầu của từng vùng để đáp ứng và tư vấn giống già sao cho phù hợp nhất”- chị Tuyến tâm sự.
Giờ đây, hầu như ngày nào cũng có rất nhiều khách hàng đến tận trang trại để xem gà của chị và đặt hàng liên tục cả ngày nên chị Tuyến ít có thời gian ngơi nghỉ. Những lần ấy, chị nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho họ. Chị Tuyến tâm sự: “Khách hàng của tôi chủ yếu đều là các chủ trang trại cả lớn và nhỏ. Họ đến thăm trang trại cũng giống như trước kia tôi đi thăm trang trại ở các tỉnh. Anh chị em chúng tôi gặp gỡ vừa để mua giống vừa để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”.
Niềm vui của chị Tuyến là được chứng kiến khách hàng của mình “ăn nên làm ra” nhờ gà giống mà doanh nghiệp chị cung ứng. Không giấu nổi niềm vui, chị kể: “Có những lần khách hàng lấy của tôi 3.000 gà giống, chăn nuôi trong vòng 67 ngày đã thu lãi 150 triệu đồng, tôi lên tận trại để xem họ xuất bán ra sao”.
Hiện nay, ở trang trại của chị Tuyến có 4 máy ấp, mỗi lần ấp cho ra 10.000 con gà giống. Chưa kể, chị còn nuôi thêm một số gà thịt, số tiền thu về từ bán gà giống mỗi năm cũng lên đến 5-6 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Tuyến còn chủ động truyền kinh nghiệm ấp gà hướng dẫn, dạy nghề cho nhiều lao động đến học việc, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, giúp đỡ được 8 hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và vốn.
Có thể bạn quan tâm
Số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa cho thấy, diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 1.200 ha, đến nay, đã thả nuôi hơn 420 ha, đạt khoảng 35% kế hoạch.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân ngưng thả nuôi vì tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản mới, không nằm trong quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh; tỷ lệ rủi ro cao và không có đầu ra ổn định.
Ngày 21/4, UBND xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Bình Định, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn triển khai chiến dịch truyền thông “Bảo vệ rạn san hô và môi trường biển” tại xã Nhơn Hải.
Ngày 19/4, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Thụy Hải đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải 2 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Ngày 25/4, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận tổ chức tập huấn kỹ thuật mô hình “Nuôi luân canh tôm sú - rong câu trong ao nước lợ” cho 30 hộ dân nuôi tôm ở xã Tân Hải (Ninh Hải).