Nóng Thị Trường Ca Cao
Giá trái ca cao tươi bán tại vườn hiện nay có mức từ 5.000 - 5.200 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, giá ca cao sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, vì theo dự báo của Tổ chức Ca cao quốc tế (ICO), các nguồn cung cấp ca cao toàn cầu đang trải qua thời kỳ thiếu hụt dài nhất trong vòng hơn 5 thập kỷ qua.
Nông dân trồng ca cao phấn khởi trước vụ thu hoạch trúng mùa, trúng giá. Trong ảnh: Ông Trần Văn Bảnh, nông dân huyện Thống Nhất đang thu hoạch ca cao.
Theo các doanh nghiệp (DN) thu mua ca cao, thị trường ca cao tại Đồng Nai cũng đang “nóng” vì diện tích trồng ở địa phương đã giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu ca cao trong chế biến ngày càng tăng đang tạo nên sự cạnh tranh trên thị trường thu mua.
* Thiếu nguồn cung
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2013 tổng diện tích trồng ca cao trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 880 hécta, giảm hàng trăm hécta so với vài năm trước. Nông dân ngày càng kém mặn mà với loại cây trồng này.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, so sánh: “Đầu năm 2013, toàn huyện còn 100 hécta cây ca cao nhưng đến nay chỉ còn trên 40 hécta. Một trong những nguyên nhân chính là giống cây trồng này bị sâu bệnh nhiều khiến hiệu quả đầu tư thấp”.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), chia sẻ: “DN từng lâm vào khủng hoảng vì có giai đoạn tổng diện tích ca cao được ký kết bao tiêu thu mua cho nông dân lên đến trên 1 ngàn hécta, sau giảm xuống chỉ còn khoảng vài trăm hécta”.
Hiện công suất chế biến của DN này chỉ mới đạt 40% so với công suất dự kiến. Trong đó, nguyên liệu thu mua tại Đồng Nai chiếm khoảng 50%, còn lại phải cất công đi thu gom từ những tỉnh, thành lân cận. Hiện một số đơn vị chế biến ca cao của các địa phương khác đã đặt đại lý thu mua tại Đồng Nai. Đây cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ với DN tại Đồng Nai hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh), cũng nhấn mạnh về việc nguồn nguyên liệu ca cao tại Đồng Nai chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ cho nhu cầu chế biến. “Ngoài Tập đoàn Grand-Place đang là khách hàng tiêu thụ hạt ca cao, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng rất quan tâm và đặt vấn đề thu mua ca cao tại Đồng Nai với tôi. Họ sẵn sàng đầu tư vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển vùng chuyên canh cây ca cao ở vùng này nếu có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước” - ông Lộc chia sẻ.
* Nâng chất vườn ca cao
Ông Trần Văn Bảnh, nông dân có vườn ca cao rộng gần 1 hécta tại huyện Thống Nhất, cho biết vụ ca cao này, nông dân trúng mùa, trúng giá. Sau bao năm vất vả, cây ca cao bắt đầu cho quả ngọt nhờ ông kiên trì giữ vườn trong những giai đoạn khó khăn. Theo ông Bảnh: “Nhiều vụ thu hoạch, vườn ca cao cho hiệu quả thấp vì mình yếu về kỹ thuật chăm sóc và xử lý sâu bệnh.
Qua nhiều năm bỏ công tìm hiểu kỹ thuật trồng ca cao và tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, tôi đã khắc phục được những nhược điểm trên. Mặt khác, DN hiện cũng hỗ trợ nông dân rất nhiều về kỹ thuật chăm sóc và phòng chống sâu, bệnh trên loại cây trồng khó tính này”.
Theo nhiều nông dân trồng ca cao, khó khăn nhất hiện nay của cây ca cao là bệnh thối trái mùa mưa. Nhiều vườn ca cao vẫn hao hụt khoảng 20% sản lượng vào vụ thu hoạch mùa mưa vì loại bệnh này. Một số nơi đang bắt đầu quan tâm đầu tư hệ thống tưới để ca cao ra trái mùa khô nhằm tránh thất thoát vì bệnh thối trái do mưa.
“Trước nay, nông dân vẫn xem ca cao là cây trồng xen canh, cho thu nhập thêm nên đầu tư được chăng hay chớ. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn đầu tư xong phải chặt bỏ vì năng suất không cao, bị sâu bệnh nhiều.
Thực tế, ca cao là loại cây trồng khó tính, phải được đầu tư chăm chăm sóc, nắm vững kỹ thuật xử lý sâu, bệnh thì vườn cây mới cho hiệu quả” - ông Nguyễn Thanh Phước, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc, nhận xét.
Theo Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức Đặng Trường Khanh, doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại vùng nguyên liệu cây ca cao theo hướng hình thành các vùng chuyên canh. Doanh nghiệp đã tổ chức đội ngũ kỹ sư để trực tiếp hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng và xử lý sâu bệnh ngay tại vườn.
Mục tiêu phát triển giống cây trồng này theo hướng nâng cao về chất chứ không mở rộng diện tích bằng mọi giá. Theo đó, nông dân trồng ca cao phải đầu tư một cách bài bản, có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh chứ không chỉ chạy theo phong trào.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm người nuôi tôm trong huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cần hơn 4 tỷ con giống, nhưng nguồn cung tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại phải nhập từ nơi khác về.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, tháng 10 lượng cá tra xuất khẩu của tỉnh ước đạt 21.983 tấn, tăng 2,48% so tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch xuất khẩu đạt 56,13 triệu USD, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Theo đó, giai đoạn 2014 - 2015 sẽ ổn định tăng trưởng kinh tế nông nghiệp theo hướng củng cố sản xuất các ngành hàng chủ lực gắn với việc phát triển các mô hình luân canh, xen canh hoa màu, cây ăn trái và thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp là 4,5%/năm.
Hiện nay, huyện Long Mỹ là địa phương có diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch nhiều nhất của tỉnh. Trong tổng số 15.807ha xuống giống của huyện trong vụ này thì chỉ mới thu hoạch được hơn 6.300ha, diện tích còn lại người dân cũng đang tất bật thu hoạch trong điều kiện khó khăn về nước lũ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, kế hoạch kiểm tra là không lên lịch, thực hiện đột xuất ngay đầu vụ sản xuất, lấy tất cả mẫu phân vô cơ và hữu cơ mang về kiểm nghiệm. Kinh phí kiểm nghiệm ban đầu sẽ xuất từ kinh phí hoạt động của Sở Công thương.