Nông sản Việt tìm đường lách qua cánh cửa hẹp
Cơ hội xuất khẩu nông sản
Theo Bộ NNPTNT, những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông sản liên tục sụt giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7%. Hầu hết xuất khẩu các nông sản chính đều sụt giảm như cà phê, cao su, gạo, thuỷ sản…
Kiểm tra thịt lợn trước khi chế biến các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, tại Công ty Thực phẩm Đức Việt (Hưng Yên).
Trước những khó khăn cho xuất khẩu nông sản, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và cả người dân đều kỳ vọng vào những cơ hội hợp tác mới của Việt Nam trong năm 2015.
Theo ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), trong năm 2015 ngoài việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc chủ động tham gia vào TPP sẽ là những cơ hội lớn đang mở ra cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta, bởi nhiều thị trường sẽ đưa mức thuế nhập khẩu nông sản về 0%, đồng thời mở cửa cho nhiều mặt hàng nông sản theo các thoả thuận của những hiệp định được ký kết.
Để tận dụngcơ hội này, ông Long cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh, đáp ứng đầy đủ các quy định về môi trường, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm…
Cùng chung nhận định trên, TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, Việt Nam có lợi thế về đất đai, khí hậu, nhân công giá rẻ và có nhiều sản phẩm nông sản với sản lượng đang đứng ở tốp đầu của thế giới như lúa, gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều… Hầu hết các mặt hàng này vẫn chỉ xuất khẩu thô, còn nhiều tiềm năng cho chế biến sâu.
“Việc tham gia vào TPP cũng sẽ mở ra cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm này, qua đó cũng là cơ hội cho nước ta tiếp cận các công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại của các nước trên thế giới”- TS Thịnh nói.
Chăn nuôi dễ tổn thương nhất
Với nhiều tồn tại như từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… phải nhập khẩu, trong khi quy mô phát triển chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, nhiều chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi sẽ dễ bị tổn thương nhất khi tham gia TPP. Ngành chăn nuôi không đổi mới từ sản xuất tới chế biến sẽ "chết" ngay trên sân nhà.
Câu chuyện được nhắc tới nhiều vừa qua là việc đùi gà Mỹ bán ở siêu thị Việt Nam với giá chưa đến 20.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Tam Tiến, Yên Thế, Bắc Giang), từng nuôi tới 10.000 con gà, nay chỉ nuôi 2.000 con, cho biết hiện ở Yên Thế, giá thành nuôi đã 43.000-45.000 đồng/kg.
Lo ngại của nhiều người chăn nuôi là trong khi đùi gà Mỹ chưa được miễn thuế mà giá đã rẻ như thế, tới đây khi tham gia TPP thuế sẽ về 0% thì giá thành sẽ còn thấp hơn nữa. Theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, hiện nay năng suất, chất lượng và giá cả sản phẩm chăn nuôi là rào cản lớn nhất cần phải gỡ. Do vậy, Bộ NNPTNT cần tiếp tục tạo đột phá về giống.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định, khi tham gia TPP, muốn cạnh tranh được phải chấp nhận “cuộc chơi”, nên không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chăn nuôi vẫn còn một lợi thế được coi là “cửa hẹp” đối với những sản phẩm tươi và các sản phẩm đặc sản.
Lo ngại rào cản kỹ thuật
Không chỉ có lĩnh vực chăn nuôi, ngoài lợi thế về thuế thì nông sản vẫn còn nhiều khó khăn là các “hàng rào” kỹ thuật. Ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, dù thuận lợi là thuế suất bằng 0%, nhưng hàng hoá nông sản khi xuất khẩu gặp thách thức lớn nhất là ở hàng rào kỹ thuật, gồm khâu kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đây là điều chúng ta cần quan tâm trong tổ chức sản xuất để loại bỏ khó khăn, thách thức ngay từ đầu. “Cùng với các Hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, chúng tôi đã và đang chủ động nộp hồ sơ kỹ thuật để “dỡ bỏ” rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường.
Chúng tôi thực hiện việc này trên cơ sở các mặt hàng có tiềm năng như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi… là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu” - ông Trung nói.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho biết: “Khi TPP được ký kết, nông sản Việt Nam xuất khẩu muốn “qua cửa” thì phải đáp ứng được các yêu cầu, nếu không, dù họ có mở rộng cửa thì hàng của ta cũng không thể lọt. Như vậy, lợi thế có được khi tham gia TPP cũng như không”.
Cũng theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, trong quy định của TPP có một điểm rất nghiêm túc là bảo vệ bản quyền liên quan đến giống, công nghệ… Rất nhiều nước tham gia đàm phán TPP đều triển khai khá tốt vấn đề này, trong khi đó phía Việt Nam còn nhiều lúng túng. Nếu Việt Nam muốn “lách” được qua “cánh cửa hẹp” để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng cần sớm khắc phục được điểm yếu này.
Mọi bước đi phải theo hướng cạnh tranh quốc tế
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (13.8), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Cơ hội đang mở ra cho ngành nông nghiệp rất lớn. Chúng ta phải quyết liệt trong thời điểm này, vì thách thức hội nhập đang tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho nông sản.
Nếu chúng ta không đổi mới về mô hình thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Mọi bước đi, mọi quyết định tái cơ cấu phải theo hướng cạnh tranh quốc tế, xây dựng các mô hình từ chăn nuôi, trồng trọt đến bảo vệ rừng phải theo hướng truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Chuyển hẳn sang sản xuất hàng hoá
Phát biểu tại hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển hẳn nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá cạnh tranh quốc tế. Hầu hết các sản phẩm làm ra phải có khả năng cạnh tranh cao.
Ngay cả những sản phẩm chỉ tiêu dùng trong nước thì vẫn phải có khả năng để đứng vững trước sự cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu. Để đạt hiệu quả cao cần tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất thay vì chạy theo số lượng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Gấp rút tái cấu trúc ngành nông nghiệp
“Một thời gian dài chúng ta chỉ biết sử dụng hàng rào thuế quan để bảo hộ cho nền nông nghiệp. Chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo nào khi không còn hàng rào thuế quan này nữa. Việt Nam cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới cũng như về thói quen tiêu dùng của người Việt trong tiêu dùng nông thủy sản để cứu nguy cho ngành này khi chưa quá muộn.
Phải gấp rút tái cấu trúc toàn diện để có thể thúc đẩy ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại”.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi các cơ quan chức năng đang đôn đáo tìm giải pháp tiêu thụ khi vải thu hoạch rộ thì trên thị trường lặp lại nghịch cảnh giá quả đầu vụ đắt đỏ dù chưa ngon.
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.
Giai đoạn đầu mới thành lập, các nông - lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao quản lý một lượng lớn diện tích lớn đất rừng, đất sản xuất. Tuy nhiên, khi thay đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, các nông lâm trường phải tự hạch toán kinh doanh, chuyển thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó thực hiện cổ phần hóa thì vấn đề quản lý sử dụng đất đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty lâm nghiệp Yên Lập (tiền thân là Lâm trường Yên Lập được thành lập từ năm 1963) được giao nhiệm vụ trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác rừng sản xuất đáp ứng nguyên liệu ngành giấy, ngoài ra công ty còn tổ chức sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chế biến lâm sản...
Vụ chiêm xuân năm nay huyện Hạ Hòa gieo cấy được gần 4.000ha lúa. Hiện lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đã trỗ bông chờ ngày thu hoạch. Để bảo vệ sản xuất vụ chiêm xuân và nhằm mục tiêu đạt năng suất, sản lượng cao huyện đã chú trọng việc chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Đặc biệt huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức chiến dịch diệt chuột tập trung. Đến nay, trên đồng ruộng tình trạng chuột phá hại đã giảm hẳn.