Nông Sản Việt Nam Có Nhiều Tiềm Năng Thâm Nhập Thị Trường Singapore
Trên 20 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia giới thiệu, trưng bày các sản phẩm của mình tại Hội chợ Thực phẩm châu Á-Thái Bình Dương (APFE 2014), một trong những hội chợ chuyên ngành có quy mô lớn nhất khu vực châu Á được tổ chức thường niên tại Singapore.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết APFE 2014, diễn ra từ ngày 21-25/11, là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thủy sản có thể giới thiệu, quảng bá về sản phẩm của mình, cũng như trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và đàm phán với các đối tác Singapore và nước ngoài, từ đó thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường Singapore trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Việt Chi, Tham tán Thương mại của Việt Nam tại Singapore, cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 17 tỷ SGD (khoảng 13,6 tỷ USD), tương đương mức của cả năm 2013, qua đó đưa Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam hiện chiếm 10% thị phần nhập khẩu khu vực này của Singapore, cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường này đối với các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong mặt hàng này.
Theo ông Steven Ng, Trưởng Ban tổ chức APFE 2014, người Singapore khá kỹ tính trong việc chọn thực phẩm, với xu hướng hiện nay là thực phẩm có chất lượng cao và giá cả hợp lý. Nếu các sản phẩm Việt Nam có thể đáp ứng được thì Singapore sẽ là một thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, Singapore cũng là một trung tâm xuất nhập khẩu lớn trong khu vực và nhiều khả năng nông sản Việt Nam có thể được bán ở nhiều quốc gia khác.
Theo ban tổ chức, dự kiến sẽ có khoảng 600.000 lượt khách đến tham quan và giao dịch trong thời gian 5 ngày hội chợ.
Nguồn bài viết: http://cafef.vn/nong-thuy-san/nong-san-viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-tham-nhap-thi-truong-singapore-201411240859062608ca52.chn
Có thể bạn quan tâm
Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò..
Trong vài năm gần đây, nhiều nông dân ở Khánh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng giống xoài R2E2 (còn gọi là xoài Úc), nhờ đó có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đề xuất, ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, đề ra các biện pháp về công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nuôi tôm sinh thái, quy hoạch nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL mà tình trạng tôm chết hàng loạt bởi hoại tử gan tụy cũng đã xuất hiện tại một số tỉnh ven biển miền Trung và miền Bắc như Hải Phòng, Nghệ An và Phú Yên.
Mô hình nuôi cá sặc rằn dễ áp dụng, ít tốn kém chi phí, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao. Hiện mô hình này đang được người dân xã Mỹ Trà nhân rộng, trong đó có hộ ông Đào Duy Linh (ấp 1, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh - Đồng Tháp).