Lũ nhỏ, nông dân gặp khó
Chuột nhiều
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh (xã Phú Lộc, Tân Châu) sản xuất 7 công lúa OM6976.
Năm nay lũ nhỏ nên chuột xuất hiện rất nhiều.
Ông Tỉnh cho biết, chuột cắn phá lúc lúa mới sạ, ông phải ngâm thêm giống để sạ giặm lại lần 2.
“Vùng này tiếp giáp với Campuchia, phía bên bạn đã thu hoạch xong, chuột không có thức ăn nên tràn qua đây tìm mồi.
Hàng năm, nước dâng cao, ngập hang, chuột gom lên các gò đất cao nên mình cũng dễ tiêu diệt.
Năm nay, chúng phát triển bầy đàn, cắn phá lúa dữ dội, gây thiệt hại lớn cho nông dân” – ông Tỉnh thông tin.
Ở xã Vĩnh Phước (Tri Tôn), lũ nhỏ nên cây lúa mùa nổi cũng bị chuột cắn phá rất mạnh.
“Lúa gieo sạ đến nay đã được 3 tháng tuổi.
Chuột nhiều quá, chồng tôi phải dùng xuyệt điện để bắt.
Cách 3 ngày là xuyệt một lần.
Có đêm, trên diện tích 1 héc-ta lúa, nhà tôi xuyệt được 8kg chuột” - bà Nguyễn Thị Lài cho biết.
Ngoài khu vực tiếp giáp với Campuchia, các huyện, như: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới và TP.
Long Xuyên… cũng xuất hiện chuột cắn phá lúa rất nhiều.
Nguyên nhân, một số địa phương sản xuất 3 vụ, chuột liên tục có mồi để phát triển đàn.
Những nơi không sản xuất vụ 3, bà con để lại lúa chét nuôi vịt, đây là nguồn thức ăn của chúng.
“Tụi em chuyên sống với nghề săn chuột đồng bằng hình thức dùng xuyệt điện.
Năm nay, đồng ruộng của tỉnh rất nhiều chuột.
Em không phải mang bình xuyệt đi xa, chỉ săn chuột tại địa phương và các huyện lân cận là đủ sống” – anh Trần Văn Ẩn, nông dân làng chuột Phù Dật (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú), thông tin.
Chi phí sản xuất tăng
Lũ nhỏ, mặt ruộng không được rửa sạch nên rơm rạ còn đọng lại rất nhiều, dễ bị ngộ độc hữu cơ.
Để chống tình trạng này, nông dân phải tăng cường làm đất rất kỹ, khiến chi phí sản xuất tăng.
Bình quân 1 công lúa, nông dân phải bỏ tiền làm đất 150.000 đồng, tiền mua thuốc diệt ốc 40.000 đồng, chi phí tăng so với năm rồi từ 15 – 20%.
“Lũ nhỏ, phù sa không vào được ruộng nên để lúa phát triển tốt, nông dân chúng tôi phải bón thật nhiều phân nên chi phí tăng.
Mọi năm nước lớn, vùng này nông dân chỉ đào bờ xả nước ra là gieo sạ.
Năm nay, có mảnh ruộng phải bơm nước vào nên tốn bình quân 20.000 đồng/công” – ông Bùi Phú Vang (xã Vĩnh Bình, Châu Thành) cho biết.
Vụ thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 150.000 héc-ta.
Riêng vụ đông xuân 2015 – 2016, toàn tỉnh sẽ xuống giống trên 220.000 héc-ta.
Nếu chi phí sản xuất tăng thêm cho mỗi công đất từ 15 – 20% thì lợi nhuận sản xuất của nông dân sẽ giảm.
Trước thực tế khó khăn này, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh khuyến cáo nông dân trong tỉnh hợp tác với nhau, đồng loạt thực hiện bẫy cây trồng trước khi xuống giống.
Mục đích để tiêu diệt chuột hiệu quả.
“Diệt chuột bằng bẫy cây trồng, cần sự nỗ lực hợp tác của cả cộng đồng.
Nếu ruộng này thực hiện, ruộng kế bên không thực hiện thì hiệu quả mang lại sẽ rất thấp” – ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, khuyến cáo.
Để hạn chế việc phát sinh những chi phí không cần thiết trong một mùa vụ sản xuất, nông dân cần tuân thủ quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm” hay IPM, FPR; cần thực hiện xuống giống đồng loạt, đúng với lịch thời vụ để hạn chế dịch bệnh.
Năm nay, lịch thời vụ xuống giống cho vụ đông xuân 2015 – 2016 bắt đầu từ ngày 1-11 đến hết ngày 31-12-2015.
Theo ông An, nếu nông dân tuân thủ xuống giống đúng lịch thời vụ thì lúa sẽ cho năng suất cao vì thời tiết thuận lợi.
“Lũ nhỏ, đồng ruộng ít nước, nông dân cần chú ý khâu làm đất thật kỹ, đừng để rơm rạ trên mặt ruộng nhiều vì như thế dễ dẫn đến ngộ độc hữu cơ.
Mặt ruộng phải thật phẳng để khi sạ xuống, lúa lên đều.
Chú ý xử lý ốc bươu vàng vì nước nhỏ, ốc bươu vàng rất nhiều.
Cần sử dụng giống xác nhận, có chất lượng cao để mùa vụ sản xuất có hiệu quả” – ông Nguyễn Hữu An khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 13-12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án quản lý nghề cá (QLNC) ở 8 tỉnh, giai đoạn 2006 - 2011 và xây dựng kế hoạch nhân rộng ra toàn quốc những năm tiếp theo. Thực tiễn cho thấy nghề cá ở nước ta còn nhiều khó khăn: quy mô nhỏ, phân tán, đời sống của ngư dân còn nghèo. Khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, dẫn đến nguồn lợi cạn kiệt, môi trường nguồn nước bị suy thoái…
Hàng ngàn căn nhà bị ngập nước, nhiều nhà dân sập, bị cuốn trôi, hoa màu mất trắng…người dân nơi vùng “rốn lũ” vùng Đồng Tháp đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 20 tổ sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó nổi bật có Hợp tác xã rau an toàn Thắng Lợi ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là sản phẩm rau an toàn (RAT) của các HTX hầu hết vẫn chưa tìm được thị trường ổn định, giá cả bấp bênh.
Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)", do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 3,7 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thay thế các giống cây ăn quả cũ, già cỗi bằng các giống cây ăn quả chất lượng, nhằm tạo sản phẩm nông sản an toàn phục vụ nhu xuất khẩu.
Cứ nhắc đến con tôm sú, nhiều người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) vẫn còn hãi hùng khi bao nhiêu vốn liếng cứ đội nón ra đi. Người vỡ nợ không phải là ít khi dịch bệnh trên tôm sú cứ xảy ra liên miên. Khi TTCT xuất hiện ở tỉnh Bình Thuận vào năm 2005, dân nuôi tôm như bắt được phao sau một thời gian dài "thoi thóp"