Tự tìm tòi chế biến thức ăn, nuôi lợn khép kín, lãi 2 tỷ đồng/năm
Tự chế biến thức ăn cho lợn từ bã bia, bã đậu nành với cám ngô, cá tạp, khô dầu lạc/đậu tương và chế phẩm sinh học, gia đình anh Hà đã thu được lãi thuần hơn 2 tỷ đồng/năm.
Trại nuôi lợn nái
Nuôi lợn quy mô gia trại từ năm 2006, sau gần 10 căn cơ, gia đình anh Nguyễn Đông Hà ở thôn Đồng Quê (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã phát triển thành trang trại rộng gần 1ha trị giá trên 15 tỷ đồng, bao gồm hơn 200 đầu lợn nái chất lượng cao, gần 1.400 con lợn thịt, với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo chăn nuôi khép kín từ con giống đầu vào, tới lợn thịt thương phẩm đầu ra.
"Sản xuất đang trên đà thuận lợi thì từ đầu năm 2016 giá lợn xuống từng ngày, có thời điểm chỉ còn 10 - 12 nghìn/kg lợn hơi. Xót xa nhìn đàn lợn càng nuôi càng lỗ nặng, “treo trại” thì coi như mất hết số vốn tích luỹ bấy lâu, nuôi tiếp thì không biết lấy gì bù lỗ", anh Hà cho biết.
Trước thực trạng khó khăn nói trên, anh Hà đã tìm tòi mọi cách để giảm thiểu thua lỗ, duy trì đàn lợn nuôi chờ cho qua “bão giá”. Và trong cái khó đã ló cái khôn. Bằng cách tự chế biến lấy thức ăn cho lợn, từ các nguồn bã đậu nành mua ở Nhà máy sữa Vinasoy, bã bia của Nhà máy bia Heineken Hà Nội, ngô hạt, khô dầu lạc/đậu tương từ cảng Hải Phòng, cá tạp mua ở các trang trại nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương và phụ cận, cùng với dầu thực vật, chế phẩm sinh học sẵn bán trên thị trường, phối trộn theo tỷ lệ thích hợp, đóng bao ủ 3 - 4 ngày, sau lấy ra cho lợn ăn dần.
Kết quả, so với giá cám công nghiệp mua từ nhà máy cho nuôi lợn giai đoạn 1, giảm được 4.000 đồng/kg, cám công nghiệp cho nuôi lợn giai đoạn 2, giảm 3.000 đồng/kg, giá thành 1kg lợn hơi tăng trọng giảm được hơn 4.000 đồng.
Trại nuôi lợn thịt
Đặc biệt, chất lượng thịt lợn cho ăn bằng cám tự phối chế rất ngon, mỡ thơm, nước luộc thịt trong, ngọt, không sủi bọt, rang, sào không ra nước, lợn bán không bị thương lái ép giá. Nhờ vậy, trong “bão giá” lợn vừa qua, gia đình anh Hà vẫn duy trì nuôi được 200 lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt, so với cho ăn cám công nghiệp mua từ nhà máy, giảm lỗ vốn được hơn 30% (trên 1 tỷ đồng).
Phát huy kết quả mới đạt được, anh Hà đã chuyển đổi toàn bộ trang trại lợn sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ: Chỉ sử dụng thức ăn chăn nuôi tự phối chế, không pha trộn kháng sinh và hormone tăng trọng. Không dùng chất cấm trong chăn nuôi. Tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi lợn VietGAHP. Lợn nuôi dưới 25kg phòng đủ các mũi vacxin. Sau 25kg đến xuất bán chỉ dùng các thuốc đông y chữa trị bệnh cho lợn.
Để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn lợn, luôn thực hiện chăn nuôi khép kín. Chuồng trại được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo người ra vào trại lợn không còn thấy mùi hôi. Đồng thời giữ ấm cho lợn trong mùa đông, làm mát trại lợn các thàng mùa hè. Cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung men vi sinh vào thức ăn cho lợn, giúp lợn tiêu hoá tốt thức ăn, tăng cường sức đề kháng, tăng trọng nhanh, phân thải ra không còn mùi khó chịu...
Trại úm lợn sau sinh
Cách làm của gia đình anh Hà đã được ngành chuyên môn và các cấp chính quyền địa phương đánh giá rất cao, khuyến khích cho mở rộng mô hình với nhiều cơ chế ưu đãi như: hỗ trợ giá lợn nái, mua máy nghiền/trộn thức ăn, máy lọc ép phân lợn, xây dựng văn phòng điều hành và lò giết mổ hợp vệ sinh...
Theo nhật ký chăn nuôi của gia đình anh Hà, từ sau chuyển sang chăn nuôi lợn hữu cơ cuối tháng 11/2017 đến nay, gia đình đã xuất bán được trên 120 tấn thịt lợn hơi thương phẩm, lãi thuần được hơn 2 tỷ đồng, đã “cắt lỗ” được lợn nuôi trong “bão giá”, bắt đầu cho lãi cao. Ngoài ra còn giúp thêm 6 lao động nông nhàn tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định 5 - 8 triệu đồng/tháng, tuỳ theo công việc.
Chỉ tính riêng nguồn phân lợn, mỗi năm gia đình anh Hà đã thu được gần 400 triệu đồng. Vì mọi chất thải ra từ lợn đều được anh Hà thu gom đưa vào máy ép, lọc lại cặn bã cho ủ lẫn với men vi sinh, sau đóng bao xuất bán cho các gia đình làm vườn trên vùng núi phía Bắc được giá rất cao (2.000 đồng/kg).
Cám chăn nuôi do anh Hà tự chế biến
"Lợn nuôi hữu cơ thường có ngoại hình xấu, da thô, không trắng hồng, thời gian nuôi phải kéo dài thêm 7 - 10 ngày. Thịt lợn nuôi hữu cơ không bán được giá cao hơn thịt lợn nuôi ăn cám công nghiệp, do người dân rất khó phân biệt, thịt lợn hữu cơ cũng rất khó đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước, rất mong nhà nước có giải pháp", anh Nguyễn Đông Hà kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Là huyện có chiều dài bờ biển trên 15km, Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ phát triển nghề nuôi thủy sản mà đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây Kim Đông đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2014.
Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.
Cụ thể, trên diện tích khoảng 56,86ha, Hanoimilk tiến hành trồng cỏ và thức ăn thô xanh, sử dụng những giống mới chất lượng, năng suất cao, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất ra khoảng 10.000 tấn cỏ và thức ăn thô xanh/năm, phục vụ cho việc chăn nuôi giai đoạn đầu khoảng 250 con bò sữa và mở rộng lên thành 2.000 con bò sữa trong giai đoạn tiếp theo. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 110,973 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2014 - quý II/2016.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, trong tháng 10, trên địa bàn huyện có 2 nơi phát hiện đàn bò có triệu chứng bệnh lở mồm long móng ở thị trấn Vũng Liêm và xã Hiếu Thành, nhưng đã được khống chế. Trên đàn gia cầm, tình hình dịch bệnh ổn định, có một số bệnh thông thường xảy ra ở một số nơi như bệnh Gumboro, bại liệt trên vịt,...; không có bệnh cúm trên đàn gia cầm.