Bí quyết nuôi lồng ghép các loại thủy đặc sản thành công của một lão nông
Các giống ba ba đưa vào nuôi lồng ghép với cá trắm, chép, trê lai là ba ba gai, ba ba tía và ba ba xanh, trong đó ba ba gai có chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất, kế đó là ba ba tía, cuối cùng là ba ba gai...
Sản phẩm ba ba của ông Hà Hồng Mạnh nuôi thả
Chỉ với 2 lao động và gần 1ha ao hồ, ruộng trũng, nhưng năm nào vợ chồng ông Hà Hồng Mạnh ở xóm Đoài thôn Ngọc Lâm, xã Song Liễu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng thu lãi trên 250 triệu đồng từ chăn nuôi lồng ghép ba ba với cá trắm, chép, trê lai và nuôi trồng xen canh 1 lúa 1 cá.
Sau khi đã chếnh choáng hơi men, ông Mạnh mới mở lòng với chúng tôi: “Sở dĩ gia đình ông có được nhà cửa khang trang và cuộc sống dư dả như hiện tại, là do ngay từ năm 1998 ông đã mạnh dạn dồn đổi toàn bộ đất canh tác lúa chủ động tưới tiêu của gia đình, để lấy gần 1ha các chân ruộng quanh năm úng trũng của các hộ dân trong làng”.
Ở thời điểm đó, việc làm của ông Mạnh được coi là mạo hiểm, bởi làng quê ông thuộc diện vùng sâu vùng xa của huyện và tỉnh, cuộc sống của mọi người dân đều trông nhờ vào hạt thóc, củ khoai. Nhưng bỏ hết ngoài tai tất cả mọi sự dèm pha, bàn lùi của người thân và dân làng, ông Mạnh vẫn quyết tâm cải tạo 5 sào ruộng trũng thành ao nuôi ba ba lồng ghép với chăn thả các loại cá trắm, chép, trê lai, và dành gần 1 mẫu ruộng còn lại cho nuôi trồng xen canh 1 lúa - 1 cá.
Các giống ba ba đưa vào nuôi lồng ghép với cá trắm, chép, trê lai là ba ba gai, ba ba tía và ba ba xanh, trong đó ba ba gai có chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất, kế đó là ba ba tía, cuối cùng là ba ba gai. Ông Mạnh cho biết, nuôi thả đồng thời nhiều loại ba ba trong cùng ao như vậy, là nhằm đáp ứng nhu cầu da dạng của người tiêu dùng, theo đó sẽ dễ tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Giống lúa đưa vào gieo cấy kết hợp nuôi thả cá, bao gồm các giống cứng cây, năng suất cao, chống đổ tốt như Q5, Khang dân 18, Kim cương 111, mục đích chính là để lấy thóc ăn cho cá nuôi ao.
Chân ruộng trũng thường xuyên nuôi trồng 1 lúa 1 cá của ông Hà Hồng Mạnh
Để chủ động được nguồn giống ba ba chất lượng tốt, giá thành hạ, ông Mạnh đã dành chuyên 360m2 ao cho nuôi ba ba sinh sản, trong đó có đầy đủ các bể cát cho ba ba đẻ, bể ấp nở trứng ba ba nhân tạo và bể nuôi ba ba con sau ấp nở.
Thức ăn cho ba ba nuôi thương phẩm chủ yếu là cá tạp các loại, cho ba ba sinh sản là các loài nhuyễn thể (ốc các loại), cho cá nuôi lồng ghép với ba ba là thóc luộc và ngô hạt luộc. Riêng cá nuôi trong ruộng lúa (chủ yếu là cá chép) ông Mạnh chỉ cho ăn cám ngô, cám gạo ở thời gian đầu mới thả con giống (cuối tháng 3 đầu tháng 4), từ khi cây lúa đứng cái làm đòng tới thu hoạch (đầu tháng 6) cho tới hết tháng 11 (thu hoạch cá), không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thức ăn nào khác, cá sẽ tự tìm ăn các tàn dư thực vật và lúa chét trên ruộng trong vụ mùa.
Bằng cách làm nói trên, từ hơn 20 năm nay các loài thủy sản trong ao và cá nuôi trên ruộng của gia đình ông Mạnh đã không bị rủi ro dịch bệnh, lúa ít sâu bệnh hại, sản phẩm luôn được các nhà hàng ăn đặc sản và người tiêu dùng trong khu vực hợp đồng mua trực tiếp (không qua thương lái), nên có lãi khá cao, thu nhập trung bình mỗi năm đạt trên 250 triệu đồng, được nhiều người dân trong làng, xã trầm trồ thán phục.
Bật mí thêm về bí quyết nuôi ba ba hiệu quả cao của mình, ông Mạnh đã lưu ý: Ba ba là động vật thuộc nhóm máu lạnh, nên phải cho ăn hơi đói, nếu cho ăn quá no, sẽ phát sinh tiêu chảy và một số bệnh liên quan khác. Cần cố định giờ cho ăn vào các buổi sáng hàng ngày. Không cho cá và ba ba ăn cùng giờ trong ao nuôi lồng ghép.
Ba ba bố mẹ sau nuôi 12 tháng sẽ sinh sản. Mùa sinh sản của ba ba là các tháng vụ Xuân (tháng 2; 3 và 4 âm lịch), trong đó mỗi tháng ba ba mẹ đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ 10 - 15 trứng. Trứng ba ba được ấp nở nhân tạo bằng cách vùi trong chậu hoặc bể cát ẩm 3 tháng sẽ tự nở thành ba ba con, tỷ lệ nở đạt khoảng 50 - 70%, tùy theo chất lượng trứng.
Mô hình xen canh lúa, cá của gia đình ông Hà Hồng Mạnh
Nếu bố mẹ cho ăn tốt (bằng ốc các loại), thì chất lượng trứng cao, tỷ lệ ấp nở của trứng sẽ cao, và ngược lại, bố mẹ cho ăn nhiều cá tạp, chất lượng trứng sẽ thấp, tỷ lệ nở của trứng giảm. Ba ba con ngay sau ấp nở cần được nuôi trong bể nước, cho ăn lòng đỏ trứng gà 2 - 3 lần/ngày, và vệ sinh thay mới nước bể hàng ngày để tránh phát sinh dịch bệnh, sau khoảng 20 ngày có thể thả con giống xuống ao nuôi thương phẩm. Chú ý, lứa trứng đẻ đầu tiên chất lượng rất thấp, không nên đưa vào ấp nở.
Phòng bệnh cho ba ba cơ bản phải đảm bảo môi trường nước ao luôn sạch. Hàng năm rút kiệt nước ao, vét bùn và phơi se mặt đáy, rải vôi bột diệt trùng, sau đó đưa nước vào nuôi thả cá, ba ba trở lại. Trong quá trình chăn nuôi nếu thấy nước ao có dấu hiệu ô nhiễm dơ bẩn (cá nổi lên thở nhiều), phải dùng vôi bột xử lý ngay. Chú ý, không rắc trực tiếp vôi bột lên mặt ao, như vậy sẽ làm mù mắt ba ba, phải đóng vôi vào bao tải thưa, dùng dây buộc túm đầu bao, thả xuống quét lần lượt đến hết diện tích đáy ao.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Văn Hùng (Vĩnh Long) là một công nhân nhưng có máu đam mê trồng trọt. Sau một thời gian mưu sinh ở TP.HCM, ông đã về quê gắn bó với cây trái miệt vườn.
Về nguồn thức ăn cho đàn ba ba, hiện nay mỗi ngày anh Quang cho 300.000 con ba ba giống và ba ba thịt thương phẩm ăn 2 lần trong ngày
Với ý tưởng nhờ mận “che bóng” cho cà phê, cách trồng xen này đã mang về cho lão nông 250 triệu đồng mỗi năm.