Nông Sản Hàng Hóa Lợi Thế Sau Đăng Ký Bảo Hộ Nhãn Hiệu
Nông nghiệp là ngành mũi nhọn trong cơ cấu sản xuất của tỉnh Bắc Giang, đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tuân thủ quy trình an toàn, bảo đảm chất lượng nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã phần nào giúp nông dân khắc phục tình trạng này.
Nâng cao giá trị
HTX Bưởi Lương Phong, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) ra đời đã nhiều năm với hơn 100 hộ trồng bưởi Diễn. Trước đây, khi thu hoạch, bưởi chủ yếu được bán lẻ tại các chợ trong vùng. Năm 2013, khi được đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm được bán theo đơn hàng với giá cao.
Ông Nguyễn Văn Phiến, thôn Đông, thành viên HTX cho biết: “Với hơn 3 sào bưởi Diễn, trước đây cứ vào vụ là nhà tôi lại lo làm sao bán cho hết, giá khi được khi rẻ. Từ khi sản phẩm được đăng ký bảo hộ, nhiều thương lái trong, ngoài tỉnh đến mua buôn, năm ngoái tôi thu về gần 60 triệu đồng. Vụ này ước thu khoảng 50 triệu đồng”.
Với hơn 50 ha, hằng năm tổng doanh thu từ sản xuất cây giống và bưởi thương phẩm của HTX là hơn 20 tỷ đồng. Ngoài bưởi Lương Phong, huyện Hiệp Hòa còn có nhiều nông sản khác như: Rau cần Hoàng Lương, nhung hươu Đức Thắng đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ, góp phần tiêu thụ thuận lợi hơn.
Tại cánh đồng Trong, Quảng thuộc thôn Nhân Lễ, xã Song Mai (TP Bắc Giang), trên khu đất rộng 5,5 ha của hơn 30 hộ dân được luân canh nhiều loại rau ăn lá.
Ông Thân Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Song Mai” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ thì sản phẩm có chất lượng tốt hơn do nông dân chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình theo hướng VietGAP, bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Do vậy, rau an toàn Song Mai được tiêu thụ ổn định tại bếp ăn của nhiều doanh nghiệp. Khoảng 3 sào trồng rau cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm”.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ như: Chỉ dẫn địa lý “Vải thiều Lục Ngạn”; nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Yên Thế”, nhãn hiệu tập thể Mỳ Chũ, bánh đa Kế, na dai, dứa, bưởi Diễn…
Tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì việc xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với cả khách hàng và nhà sản xuất.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát nhằm duy trì và giữ vững thương hiệu đã được bảo hộ.
Đồng thời đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất sản phẩm, đặc biệt là công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Giai đoạn 2014-2020, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đăng ký bảo hộ cho 15 sản phẩm như: Cam Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, miến dong Sơn Động…; quản lý và phát triển thương hiệu dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể lên khoảng 80% số sản phẩm chủ lực của tỉnh với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 14 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản và 6 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề.
Để khuyến khích việc xây dựng nhãn hiệu, Sở thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí về việc làm hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn các khâu hoàn thiện thủ tục.
Hầu hết các sản phẩm sau khi được đăng ký đều phát huy được hiệu quả, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã, hình thức kết cấu logo và hệ thống nhận diện sản phẩm. Nhiều sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước như: Vải thiều Lục Ngạn, Gà đồi Yên Thế, Mỳ Chũ…
Tuy nhiên vẫn có những sản phẩm sau khi được công nhận đã không phát huy được hiệu quả.
Ông Giáp Đông Phong, Chủ nhiệm HTX mỳ Kế, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cho biết: “Mỳ Kế được chứng nhận năm 2013 song đến nay hầu như không duy trì, phát huy được giá trị nhãn hiệu bởi tính canh tranh so với Mỳ Chũ chưa cao, mặt khác việc làm mã vạch và đăng kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm mất nhiều chi phí”.
Gà đồi Yên Thế cũng đã và đang được người tiêu dùng trong cả nước biết đến nhưng một số hộ dân ham lợi trước mắt, chăn nuôi gà không tuân thủ quy trình, chưa bảo đảm chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu chung của sản phẩm.
Các sản phẩm nông nghiệp có tính đặc thù riêng, nói cách khác là mỗi hộ dân là một “nhà máy sản xuất”; do đó quy trình, kỹ thuật, phương thức, thời gian thu hoạch không đồng đều. Vì vậy, hàng hóa sau khi đã được bảo hộ, các thành viên tham gia cần thực hiện nghiêm túc quy chế của tập thể đã đề ra đối với sản phẩm; chủ động dành một phần kinh phí xây dựng mã vạch và đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã.
Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ trong việc thiết lập mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là đưa doanh nghiệp gắn kết với nông dân giúp họ phát triển sản xuất.
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/135270/nong-san-hang-hoa--loi-the-sau-dang-ky-bao-ho-nhan-hieu.html
Có thể bạn quan tâm
Dù lịch thời vụ mới qua được gần 2 tháng nhưng 80% diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được người dân thả giống. Tuy nhiên, khan giống, dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp... là những khó khăn mà người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
Thời tiết tương đối thuận lợi cho các hoạt động khai thác cá Nam ở Khánh Hòa, các loại thủy sản xuất hiện ngay từ đầu vụ, giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên đã khuyến khích các hộ ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.
Những năm gần đây, chăn nuôi trong tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển cả về quy mô và phương thức với tổng đàn lợn đạt hơn 404 nghìn con; đàn trâu, bò đạt gần 70 nghìn con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 4,5 triệu con mỗi năm.
Những năm gần đây, người nông dân Nghĩa Đàn (Nghệ An) chú trọng trồng cây dưa hấu nhưng giá cả bấp bênh lại sâu bệnh nhiều nên thất thu. Năm 2014 nhiều xã đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Ở xã Nghĩa Bình, nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường nên nông dân đã chuyển từ cây dưa sang trồng 20 ha cây bí xanh và bí đỏ cho thu nhập cao...
Sáng 9/5/2014, Trại sản xuất lúa giống xã Định Thành phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Tập đoàn Yanmar tại Việt Nam, tổ chức hội thảo về cơ giới hóa trong sản xuất lúa tỉnh An Giang và trình diễn máy cấy lúa Yanmar AP25; máy cắt gặt đặp liên hiệp và máy xới đất kết hợp với phun thuốc phân hủy gốc gạ.