Nóng lạnh với trái cây lạ
Thời gian gần đây, loại trái cây đang “hot” nhất ở miền Tây Nam Bộ khiến nhiều nhà vườn đua nhau tìm mua cây giống là nhãn tím. Trên mạng xã hội, không ít “cò” đã đẩy giá nhãn tím giống lên chóng mặt.
Lạ là đua nhau thử
Vào một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến cồn Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) để gặp “cha đẻ” của nhãn tím là ông Trần Văn Huy (tên thường gọi là Bảy Huy, 61 tuổi).
Ông Bảy Huy kể 12 năm trước, trên cây nhãn long trong vườn nhà ông xuất hiện 1 nhánh nhãn với lá màu tím khác thường. Ít lâu sau, nhánh nhãn này trổ bông màu tím và đậu được khoảng chục trái có vỏ cũng màu tím. Thấy lạ, ông chiết nhánh nhãn này đem trồng bên hông nhà.
Sau 1 năm, cây nhãn bắt đầu cho vài chục trái màu tím trông rất đẹp mắt. Sợ cây nhãn lạ bị kẻ trộm bứng mất, ông Bảy Huy không khoe với bất kỳ ai. Thậm chí, gia đình ông còn thay phiên nhau canh chừng cây nhãn cả ngày lẫn đêm. Cách nay 4 năm, trong một lần được cán bộ xã đến thuyết phục tham gia ngày hội trái cây của huyện Kế Sách, cây nhãn tím của ông Bảy Huy mới lộ diện. Kể từ đó, nhiều người tìm đến nhà ông nài nỉ mua giống nhãn lạ này về trồng.
Từ một nhánh ban đầu, đến nay, gia đình ông Bảy Huy đã chiết ra được trên 200 gốc nhãn tím. Mỗi gốc có giá đến 1 triệu đồng nhưng không đủ cung cấp. Trong khi đó, nhãn trái bán tại vườn là 100.000 đồng/kg.
Cách nay vài năm, xoài xanh - tím có nguồn gốc từ Đài Loan cũng được nhà vườn “săn” ráo riết. Có thời điểm, xoài Đài Loan được bán khắp miền Tây Nam Bộ, mỗi trái gần cả trăm ngàn đồng nhưng nhiều người vẫn mua về thưởng thức.
Tương tự, khoảng 8 năm trước, thanh long ruột đỏ từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây khiến hàng loạt nhà vườn ở Long An, Tiền Giang, Hậu Giang... đua nhau mua giống về trồng. Thời điểm đó, thanh long ruột đỏ có giá trên 50.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ tiêu thụ.
Trả về giá trị thực
Hay tin có người lên mạng rao bán nhãn tím giống với giá khoảng 3 triệu đồng/cây, ông Bảy Huy giật cả mình. Với giá này, ông cảm thấy áy náy vì quá cao so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, ông giải thích: “Để chiết thành công một cây nhãn tím giống, tôi phải chịu thất bại cả chục cây. Hơn nữa, thay vì cho ra trái để bán thì tôi đành phải “ép” chúng bằng cách chiết cành nên lấy tiền bán cây giống để bù”.
Nói về chất lượng, ông Vương Thanh Điền (em vợ ông Bảy Huy) thừa nhận vị nhãn tím cũng như các loại nhãn khác, thậm chí hạt của nó còn to hơn. “Bà con thấy lạ mắt nên mua về trồng chứ tôi thấy giống nhãn này cũng bình thường” - ông Điền nhận xét.
Trong khi nhãn tím vẫn còn đang “nóng” thì tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, hàng loạt nhà vườn đang phải khóc ròng vì thương lái bắt đầu lạnh nhạt với xoài Đài Loan. Để gỡ vốn, nhà vườn phải mang ra ven lộ bán lẻ cho người đi đường với giá rẻ mạt chứ không thể phục vụ xuất khẩu như xoài cát Hòa Lộc. “Xoài Đài Loan chỉ được cái lạ mắt và ăn sống như xoài Thái chứ để chín ăn rất kỳ” - anh Lê Văn Thái - một nhà vườn ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A - lý giải.
Trong khi đó, hơn 2 năm qua, thanh long ruột đỏ ở miền Tây Nam Bộ rớt giá thê thảm. Có thời điểm, loại thanh long này chỉ có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thanh long ruột trắng. Ông Nguyễn Văn Phúc - một hộ trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An - cho biết so với trồng thanh long ruột trắng thì thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, phân bón và thuốc trừ sâu cũng cao hơn rất nhiều nên nếu bán với giá bằng với thanh long ruột trắng thì lỗ nặng.
Nói về chất lượng của thanh long ruột đỏ, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng phần thịt của nó có chứa nhiều nước nên không dai, giòn như những loại thanh long khác.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, thời gian gần đây, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng đối với những loại trái cây “độc”, lạ nên không ít nhà vườn đã hét giá cao ngất ngưởng và mau chóng bị đào thải. Chẳng hạn như bưởi hồ lô, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã rớt giá chỉ còn 100.000 đồng/3 trái. Do vậy, TS Hòa khuyến cáo nhà vườn nên trả lại giá trị thực những loại trái cây “độc”, lạ thì mới được người tiêu dùng đón nhận lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Philippines tổ chức hội nghị với sự tham gia của 500 DN trong ngành cá ngừ trong tuần này, nhằm thực hiện các hoạt động XK cạnh tranh hơn trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS), trong tháng 7, Mỹ NK 14.327 tấn cá philê đông lạnh, nâng tổng lượng cá philê đông lạnh NK trong 7 tháng đầu năm lên 86.766 tấn. Như vậy NK đã tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Phần lớn (gần 90%) philê đông lạnh NK của Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cựu giám đốc điều hành của WCPFC cho biết tình hình trữ lượng cá ngừ vẫn chưa thể phục hồi, nhưng nó đang ở mức nguy hiểm và ngày càng tồi tệ.
Một trong những giải pháp được đưa ra cho bài toán thiếu tôm nguyên liệu và cũng là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo đề án tôm của Tổng cục Thủy sản quy định DN chế biến phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tối thiểu 10% công suất. Theo cộng đồng DN tôm, trong bối cảnh thực tế ngành tôm Việt Nam hiện nay, giải pháp này chưa phù hợp.
Điều này đã nhanh chóng bị phản bác bởi thị trường của TP.General Santos, ông cho biết sản lượng khai thác của Mindoro trong 1 tháng chỉ bằng 1/3 của TP.General Santos. Trong 5 năm qua, General Santos sản xuất trung bình 750 tấn cá ngừ vây vàng mỗi tháng.