Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết

Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết
Ngày đăng: 13/11/2013

Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.

Dẫn tôi ra thăm vườn dưới tiết trời mưa chiều rả rích, anh Siu Yak (thôn Dơ Keo, xã Ia Hla) nói trong tuyệt vọng: “Đấy, phóng viên xem, cả 1.200 trụ tiêu giờ chết hết, chỉ còn vài trụ mà cũng chưa chắc sống được nữa. May mà thu mấy vụ trước, mình gom góp xây được căn nhà, chứ chờ xong vụ này mới xây thì chắc là không có nhà ở rồi”.

Không chỉ anh Yak mà gần như toàn bộ người trồng tiêu ở các thôn: Dơ Keo, Cây Xoài, Tai Per… cũng trong tâm thế tương tự. Trong một diện tích rộng lớn cỡ vài ngàn trụ tiêu nơi đây, màu xanh chỉ còn lát đát xen lẫn. Ai cũng đắng lòng khi nhìn những vườn tiêu xanh mướt hôm nào của mình giờ chỉ còn trơ cành đen đúa. “Biết bệnh đấy, cũng phun thuốc, bỏ thuốc cho khỏi bị thối gốc rễ rồi mà tiêu vẫn chết, chẳng thể cứu được thì chỉ biết đứng ngó thôi, bao nhiêu công sức tiền bạc đổ vào đó, tiếc lắm. Giờ nhà nào cũng chuẩn bị nhổ trụ, cày xới đất, chờ 2-3 năm sau mới dám trồng lại”- anh Siu Yak ngậm ngùi nói thêm.

Xung quanh tình trạng tiêu chết trên địa bàn xã Ia Hla, ông Nguyễn Đức Tôn-Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, hiện tại, số lượng tiêu chết tại địa phương khoảng 30-40 ha, nặng nhất là thôn Cây Xoài, cây tiêu gần như bị xóa sổ. Bà con nơi đây đã nghèo, trông chờ vào cây tiêu để xóa đói giảm nghèo thì nay đang có nguy cơ đói khổ hơn”.

Ở một số xã khác trên địa bàn huyện Chư Pưh như: thị trấn Nhơn Hòa, Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ, Ia Hrú, Chư Don… tiêu cũng chết rải rác từ vài trụ đến vài trăm trụ. Gia đình bà Ksor H’Dil (làng Chư Pố II, xã Ia Phang) trồng được hơn 500 trụ thì giờ chỉ còn khoảng 200. Hơn 300 cây tiêu phần khô héo trên cây, phần được gia đình kéo chất đống vứt trước nhà. Một số trụ cũng bắt đầu vàng lá, héo thân, báo hiệu sắp chết. Bà H’Dil xót xa: “Mình không có ruộng, chồng mất sớm, con lại đông, miếng cơm chỉ trông chờ vào vài đồng tiền làm thuê và 3 sào tiêu này. Năm ngoái mình thu được 65 triệu đồng, mừng lắm. Còn giờ, chắc đói rồi, tiêu chết hết thế này mà”.

Dù chưa đến mùa thu hoạch nhưng đi ngang một vài thôn, làng ở Chư Pưh, tôi vẫn có thể dễ dàng bắt gặp người dân phơi tiêu trên sân. Ấy là số tiêu được bà con hái vội trước khi trụ tiêu chết để vớt vát công sức và vốn liếng đã đầu tư. Những hạt tiêu non mà người trồng tiêu gọi là hạt lép này, được thương lái mua với giá 70.000 đồng, bằng một nửa giá tiêu trên thị trường ở thời điểm hiện nay. Vừa thoăn thoắt đôi tay bên trụ tiêu đang có dấu hiệu tàn lụi, chị Rơ Mah H’Byin (làng Chư Pố II, xã Ia Phang), buồn bã: “Từ đầu mùa mưa tới giờ, tiêu nhà tôi bị chết hơn 50 trụ rồi. Trước tiêu chết thì bỏ thôi vì trái còn non lắm, giờ thì hái để bán hạt lép, giá thấp nhưng đỡ hơn là chẳng có gì”.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ và giúp người dân phòng-chống bệnh trên cây hồ tiêu, ông Nguyễn Xuân Hoàng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho hay: So với năm ngoái, số lượng tiêu chết trong năm nay trên địa bàn huyện đã giảm và xảy ra rải rác ở các địa phương chứ không tập trung trên diện rộng. Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát. Đồng thời, để giúp người dân nhận biết và phòng trừ dịch bệnh ở tiêu, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế mở lớp tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây hồ tiêu trên địa bàn huyện với tổng kinh phí thực hiện hơn 283 triệu đồng.

Thành phần tham gia lớp tập huấn bao gồm cán bộ làm công tác quản lý nông-lâm nghiệp, cán bộ đoàn thể làm công tác tuyên truyền và nông dân có kinh nghiệm trồng tiêu. Đến nay, đã tổ chức được 4 đợt, đợt cuối cùng sẽ tiến hành sau khi thu hoạch xong. Sau khi tập huấn, nhận thức của bà con cũng ngày được nâng cao, họ có thể tự điều tra, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ các loại dịch hại linh hoạt, có hiệu quả và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Xã Trường Đông, Hòa Thành Chuyển Đổi Cây Trồng Mang Lại Hiệu Quả Cao Nông Dân Xã Trường Đông, Hòa Thành Chuyển Đổi Cây Trồng Mang Lại Hiệu Quả Cao

Trong những năm gần đây, nông dân xã Trường Đông, huyện Hòa Thành đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Là vùng đất chuyên canh nhản nhưng do giá cả bấp bênh nên một số hộ nông dân chuyển sang trồng bưởi da xanh và quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

27/11/2014
Cơ Bản Hoàn Thành Việc Giải Quyết Đất Lâm Nghiệp Bị Bao, Lấn Chiếm, Sử Dụng Sai Mục Đích Cơ Bản Hoàn Thành Việc Giải Quyết Đất Lâm Nghiệp Bị Bao, Lấn Chiếm, Sử Dụng Sai Mục Đích

Qua 05 năm triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm. Đến nay, việc giải quyết tình trạng bao lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích đã cơ bản hoàn thành.

27/11/2014
Năm 2014, Xã Tri Lễ Dự Kiến Trồng Trên 100 Hécta Cây Chanh Leo Năm 2014, Xã Tri Lễ Dự Kiến Trồng Trên 100 Hécta Cây Chanh Leo

Từ chỗ trồng thử nghiệm 2 hécta chanh leo cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đến nay, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nâng diện tích trên 50 hécta. Cây chanh leo đang hứa hẹn là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả ở Tri Lễ.

23/06/2014
Tân Châu Có Gần 1.000 Ha Mía Bị Sâu Đục Thân Tân Châu Có Gần 1.000 Ha Mía Bị Sâu Đục Thân

Niên vụ 2014-2015 Tân Châu có trên 6.800 ha mía, theo trạm bảo vệ thực vật Tân Châu, diện tích cây mía bị sâu đục thân gây hại tính đến nay là gần 1.000ha, trong đó xã Tân Hưng có trên 240 ha, xã Tân Thành gần 200 ha, xã Suối Dây trên 160 ha…. Tỷ lệ nhiễm từ 5-15%.

27/11/2014
Thành Công Của Mô Hình Trồng Dưa Lê Ở Nghĩa Thành (Nam Định) Thành Công Của Mô Hình Trồng Dưa Lê Ở Nghĩa Thành (Nam Định)

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Nam Định đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hưng mở rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dưa lê với quy mô 5ha tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng).

23/06/2014