Xuất khẩu tôm sang Mỹ nửa cuối năm sẽ phục hồi

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ giảm tới 54% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 164 triệu USD.
3 nguyên nhân chính khiến XK tôm sang thị trường này giảm mạnh là: Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm nay; nhu cầu nhập khẩu thấp trong khi nguồn cung tăng lên do Ấn Độ vào vụ thu hoạch tôm đã đẩy giá tôm xuống thấp; đồng USD tăng giá mạnh so với các tiền tệ khác khiến các nước XK đổ xô vào thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu Mỹ “ép giá” tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng: từ nay tới hết năm, XK tôm sang Mỹ sẽ tăng lên. Lý do là bởi mùa thu hoạch tôm ở Ấn Độ sắp kết thúc, trong khi Việt Nam vào vụ thu hoạch nên áp lực cạnh tranh về giá với Ấn Độ sẽ giảm đi. Ấn Độ đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu và giá thành thấp, tuy nhiên nước này thiếu cơ sở vật chất và công nghệ chế biến nên thường XK hàng thô, giá thấp.
Vì vậy, VASEP khuyến cáo, DN Việt Nam nên tận dụng thế mạnh của mình để giành ưu thế trên thị trường Mỹ thông qua các biện pháp như tiếp tục phát triển mạnh hơn phân khúc hàng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tạo ra sự khác biệt và tính ưu việt của sản phẩm tôm Việt Nam so với tôm Ấn Độ và các nước khác.
Bên cạnh việc giảm bớt áp lực cạnh tranh với tôm Ấn Độ, ngày 3-3-2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014.
Theo kết quả sơ bộ này, mức thuế trung bình 0,93% đã giảm mạnh so với mức thuế của kỳ xem xét lần trước POR8 với 6,37%. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 7-8 tới và nếu mức thuế được giữ nguyên như kết quả sơ bộ, XK tôm sang thị trường Mỹ trong nửa cuối năm sẽ thuận lợi hơn.
VASEP cho rằng, một trong những yếu tố khác có thể kỳ vọng XK tôm sang Mỹ nửa cuối năm sẽ khả quan hơn là bởi sức mua tôm trên thị trường Mỹ vẫn tăng do đồng USD mạnh.
Khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng, trong đó Việt Nam có ưu thế với sản phẩm tôm bao bột và đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các nguồn cung cấp khác.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An đã gieo sạ trên 177.300ha lúa Hè Thu. Hiện nay, dịch bệnh trên lúa đang diễn biến phức tạp, nhất là bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ,... tập trung chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh.

Giá bán sản phẩm không ổn định, việc tiếp cận về khoa học kỹ thuật, rồi nguồn vốn từ các ngân hàng còn hạn chế… là những vướng mắc mà nông dân Chư Jút vẫn gặp phải. Một trong những nguyên nhân là sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông là rất cần thiết, nhưng trên thực tế vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.

Giữa tháng Sáu trời nóng nực, nhiều thửa ruộng che phủ vải trắng, lưới nilon ở các vùng sản xuất rau màu tập trung của huyện Gia Lộc nhất là vùng ven thành phố của tỉnh Hải Dương gieo trồng cần tây, tỏi tây, rau mùi… trái vụ vẫn xanh non mơn mởn.

Đến thời điểm này toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm trà lúa hè thu với hơn 36.600 ha. Tuy nhiên, sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cùng với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác đã và đang khiến lúa bị ảnh hưởng khá nặng.

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.