Nông dân vùng cam Quảng Trị thu nhập cao nhờ được mùa, được giá
Vườn cam của gia đình ông Trần ngọc Nhơn, ở vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
Hiện nay vùng gò đồi K4 đang bước vào thu hoạch cam chính vụ, theo đánh giá của người trồng cam thì vụ cam năm nay vừa được mùa, vừa được giá hơn so với các vụ trước.
Ông Trần Ngọc Nhơn là người tiên phong lên vùng đồi K4 lập trang trại cách đây gần 20 năm.
Vào thời điểm đó, quyết định mang cây cam về trồng ở vùng đất đồi hoang còn nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh này là vô cùng táo bạo và khó khăn. Sau bao nhiêu mồ hôi, công sức, lần hồi khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời ông Nhơn mới khuất phục được vùng đất này, bắt nó phải cho quả ngọt.
Đến nay, ông và em trai của mình có hơn 3ha trồng cam. Giống cam ở đây chủ yếu là giống Vân Du và Xã Đoài, được du nhập từ vùng chuyên canh cam nổi tiếng ở thành phố Vinh (Nghệ An).
Năm nay, vườn cam của ông Nhơn và những hộ dân ở đây cho năng suất cao hơn 10 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, ông Nhơn lãi gần 150 triệu đồng từ cây cam.
Ông Trần Ngọc Nhơn cho biết: “Vườn của tôi ở đây trồng rất nhiều loại cây nhưng mang lại hiệu quả cao nhất chỉ có cây cam, tăng cả về năng suất lẫn giá trị kinh tế. Sản lượng cam năm nay ổn định từ 12 - 13 tấn/ha nhưng giá cao hơn so với các năm trước.
Năm ngoái mua tại vườn cam giá chỉ 17.000 đồng/kg thôi nhưng năm lên đến 19.000 đồng/kg”.
Theo ông Nhơn, đây là loại cây giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo vươn lên khá giả.
Ngoài trồng cam, bưởi, ông Nhơn còn thử nghiệm trồng nhiều loại cây trái khác như: măng cụt, thanh long, nhãn, vãi, mít, chè... và xen canh các loại sả, ớt... thu được vài chục triệu đồng.
Xung quanh trang trại của mình, ông Nhơn còn đào hồ nuôi cá nước ngọt, tận dụng cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, người trồng cam nơi đây đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. T
hời điểm này, mỗi ngày có hàng chục tiểu thương trong tỉnh đến tận vườn thu mua cam.
Nhờ thời tiết thuận lợi, mưa sớm cộng với kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, đúng cách, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nên tỷ lệ cam rụng quả vụ này giảm nhiều so với các vụ trước.
Cam vùng đồi K4 dần chiếm được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường.
Vào mùa thu hoạch, hầu như trên mỗi quầy hàng hoa quả trong tỉnh đều đã có mặt cam vùng gò đồi K4.
Theo chị Nguyễn Thị Việt, buôn bán cam, ở phường Đông Lương, TP Đông Hà, Cam Hải Phú không có thuốc bảo vệ thực vật nên rất sạch, được người mua ưa chuộng.
Chị bán mỗi ngày từ 5 - 6 tạ, đưa hàng về khắp các chợ ở Đông Hà.
Lãnh đạo huyện Hải Lăng và người trồng cam ở vùng gò đồi K4 đang trăn trở và mong muốn xây dựng thương hiệu cho cây cam để loại quả thơm ngọt trên vùng đất khó này đứng vững trên thị trường. Trong những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đồng thời hỗ trợ 60% giá giống cây, ưu tiên cấp đất.
Chủ trương của xã Hải Phú là mỗi năm phát triển thêm được từ 3 - 5 ha cam vì đất phù hợp với phát triển cây cam trên vùng gò đồi K4 vẫn còn nhiều.
Ông Trương Công Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Phú (Hải Lăng) cho biết:
“Hiện nay, người dân lên vùng đồi K4 trồng cam ngày càng nhiều. Từ chỗ chỉ có 6 ha, đến nay đã có hơn 10 ha trồng cam, với thu nhập hơn 300 triệu/ha.
Cây cam mang lại thu nhập cao như vậy đã góp phần ổn định kinh tế gia đình. Địa phương cũng đã có phương án quy hoạch những vùng đất mới để bà con có thể lên mở rộng diện tích trồng cam”.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các chủ trang trại tại vùng gò đồi K4 chính là thiếu nguồn điện và điều kiện giao thông ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trồng và giới thiệu cam K4 đến với thị trường.
Hy vọng, khi các yếu tố trên được đáp ứng, vùng trồng cam lớn nhất của tỉnh Quảng Trị sẽ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ.
Có thể bạn quan tâm
Trong 8 tháng qua, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 3,8 triệu, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,4 triệu tấn, đạt giá trị 1 tỷ 640 triệu USD.
Hôm (24/09), giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới đều tăng trở lại khá mạnh. Trong phiên giao dịch đêm hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn 11/15 tăng 29 USD/tấn hay +1,92% lên mức 1.540 USD/tấn, các kỳ hạn khác cũng tăng 19 - 22 USD/tấn.
Cây chè là cây truyền thống, cây lâu năm, phát triển tương đối ổn định, nếu thâm canh tốt thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt phát triển các vùng chè gắn với du lịch sinh thái, khu tham quan sẽ nâng giá trị kinh tế.
Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo theo đường biển từ tuần thứ 2 của tháng 9/2015, chính phủ Myanmar quyết định cho phép tái xuất khẩu gạo qua biên giới từ giữa tháng 10/2015, theo Giám đốc Cục xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Thương mại Myanmar.
Hàng chục người hì hục len lỏi vào các khu rừng thốt nốt để đào bới tận gốc. Cây ngã xuống, có người khác bao bọc rễ cẩn thận, chuyển lên xe kéo ra đường chính...