Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý, Khai Thác Các Công Trình Thủy Lợi
Huyện Tủa Chùa hiện có 66 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 1.101,5ha lúa mùa; 368ha lúa chiêm và 4ha thủy sản. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi còn đảm bảo nước tưới cho trên 300ha rau màu, cây công nghiệp; cung cấp hàng triệu mét khối nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.
Song hiện công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Tủa Chùa còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập: Trên 80% công trình thủy lợi sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng chưa phát huy tối đa năng lực tưới, hoặc nhanh chóng xuống cấp không đáp ứng được chỉ số năng lực tưới thiết kế.
Thậm chí, một số công trình thủy lợi mới đưa vào vận hành đã hỏng, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí... Trước thực trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý các công trình thủy lợi.
Ông Đỗ Xuân Huấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan: do địa hình chia cắt bởi núi cao, vực sâu; địa chất thiếu tính ổn định, thường xảy ra lũ bùn, lũ quét, sụt sạt trong mùa mưa thì những nguyên nhân chủ quan đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, hiệu quả các công trình thủy lợi.
Năng lực cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về kỹ thuật; phần lớn diện tích tưới trên địa bàn huyện được miễn thủy lợi phí nên kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, một số cán bộ và người dân trên địa bàn coi công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi là nhiệm vụ của Nhà nước, dẫn tới tư tưởng trông chờ ỷ lại và sử dụng nước lãng phí.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đối với các công trình thủy lợi đã và đang sử dụng, huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với xây dựng đường giao thông nội đồng, kết hợp với vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, san phẳng đồng ruộng để thuận lợi khi áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Mỗi năm, huyện dành từ 2 - 3 tỷ đồng duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, huyện quan tâm rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ dùng nước trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Cách làm này đã dần nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi. Hiện nay, toàn huyện có 9 tổ dùng nước, hoạt động nề nếp và tương đối hiệu quả, đảm bảo nước sản xuất cho diện tích gieo trồng được giao.
Mỗi năm, huyện cử từ 7 - 10 lượt cán bộ, công chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp tham gia quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; kỹ thuật, phương pháp tưới tiết kiệm... Sau đó, về địa phương phổ biến lại kiến thức tập huấn cho UBND các xã, thị trấn và các tổ dùng nước trên địa bàn. UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hướng dẫn chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch quản lý và khai thác các công trình thủy lợi cụ thể.
Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, những năm qua, chất lượng các công trình thủy lợi trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.
Một vài công trình thủy lợi như: Nà Áng, Tân Phong, Háng Tơ Mang (xã Mường Báng); thủy lợi Đề Bâu - Đun Nưa; thủy lợi Nà Pộ (xã Mường Đun)... sau khi đưa vào sử dụng, tu sửa, cải tạo, nâng cấp đã tạo điều kiện để người dân địa phương mở rộng khai hoang phát triển sản xuất.
Dự tính, năm 2014 nhân dân các dân tộc trong huyện sẽ khai hoang được trên 60ha ruộng nước, sử dụng nước tưới từ các công trình thủy lợi đã và đang xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
Khu vực miền núi tỉnh Nghệ An có hàng trăm hồ đập thủy lợi nhỏ và hàng ngàn ao chuôm. Xác định đây là môi trường rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nên thời gian qua hệ thống KN-KN đã tập trung xây dựng các mô hình ương nuôi cá giống...
Cánh đồng mẫu (CĐM) nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) được thực hiện tại xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Qua hơn 5 tháng triển khai thực hiện, kết quả lợi nhuận tăng bình quân16,4 triệu đồng/ha. Mô hình này được nông dân trong xã khẳng định hiệu quả và đang triển khai nhân rộng cho vụ nuôi tới.
Rủi ro rình rập, chi phí sản xuất tăng cao, giá cả bấp bênh hay có lúc “khát” lao động đi biển nhưng vụ khai thác, đánh bắt thủy sản chính trong năm 2014, ngư dân trong tỉnh vẫn bội thu. Có điều, “quả ngọt” ấy cũng chưa mang lại cho họ niềm vui trọn vẹn khi mà tình trạng ép giá, cửa biển bồi lấp... vẫn xảy ra.
Tính chung, 82 hộ dân ở 6 xã: Phú Thọ, Phú Thành A và B, An Long, Phú Ninh và thị trấn Tràm Chim thả nuôi hơn 602ha tôm càng xanh năm 2014 đã thu hoạch được tổng sản lượng trên 350 tấn tôm. Loại 30 con/kg bán giá từ 185.000 đồng - 190.000 đồng/kg, tôm càng xanh ôm trứng từ 50 - 60 con/kg bán với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg.
Xã Hải Phúc (Hải Hậu, Nam Định) có trên 60ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng và một số mô hình nuôi cá truyền thống, cá vược. Bám sát chủ trương của Đảng ủy, UBND xã về phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, những năm qua Hội Nông dân (HND) xã đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.