Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Trồng Đao Riềng Điêu Đứng Vì Giá Thấp

Nông Dân Trồng Đao Riềng Điêu Đứng Vì Giá Thấp
Ngày đăng: 30/12/2013

Dịp cuối năm, trong khi hàng loạt các loại hàng hóa tiêu dùng thi nhau tăng giá, các sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp khác cũng bị thương lái găm hàng đẩy giá lên thì lại xảy ra một nghịch lý với cây đao riềng.

Vụ năm nay ở Yên Bái, giá xuống thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Nông dân thu hoạch đao riềng mà buồn. Hy vọng về một cái tết tươm tất với nhiều hộ nông dân đã không còn…

Nông dân đua nhau mở rộng diện tích

Những ngày cuối năm, người dân các xã ven sông Hồng từ Minh Quân, Minh Tiến, Quy Mông (Trấn Yên - Yên Bái) đến Xuân Ái, Hoàng Thắng (Văn Yên)… đang tấp nập thu hoạch đao riềng.

Trong một vài năm trở lại đây, cây đao riềng được giá, nông dân các xã ven sông Hồng đua nhau mở rộng diện tích từ vài chục héc-ta nay đã lên tới hàng trăm héc-ta. Riêng huyện Trấn Yên, diện tích đã lên tới 90ha, sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ đang bế tắc, dẫn đến một điều tất yếu như đã xảy ra đối với nhiều loại cây khác: được mùa rớt giá.

Nếu như vụ trước, đao riềng được mùa lại được giá, hộ trồng ít cũng thu về hàng chục triệu đồng, hộ trồng nhiều kết hợp với thu mua và sơ chế bột đao thì có thu nhập tới cả trăm triệu đồng thì năm nay, giá xuống thấp, lợi nhuận chưa bằng một nửa.

Gia đình ông Thanh ở xã Quy Mông vụ này có 5 sào trồng cây đao riềng. 5 sào đao nhà ông năm nay thu được sản lượng hơn 12 tấn đao củ. Nếu như với giá bán từ 1.200 - 1.300 đồng/kg củ như vụ trước thì gia đình ông Quyết cũng thu về trên 15 triệu đồng. Nhưng năm nay, giá xuống chỉ còn 500 đồng một cân nên ông chỉ thu về được 6 triệu đồng.

Ông Thanh cho biết: “Tôi không nghĩ giá năm nay lại xuống thấp như vậy. Trừ chi phí thì vụ năm nay cũng chẳng lãi được bao nhiêu”.

Tương tự, hộ bà Lê Thị Dung ở xã Quy Mông có hơn 10 sào đất soi bãi màu mỡ ven sông Hồng trồng đao riềng. Ước tính vụ năm nay, gia đình bà thu gần 30 tấn củ. Vụ trước, bà thu được 32 triệu đồng. Vụ năm nay, bà chỉ bán được 15 triệu đồng. Mới chỉ chuyển sang trồng cây đao riềng được 3 vụ gần đây nhưng cuộc sống của gia đình bà Dung đã khá lên trông thấy vì so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác, giá trị kinh tế của cây đao riềng cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến tâm lý của bà và những hộ dân khá lo lắng. Bà Dung cho biết: “Ba năm nay trồng đao riềng, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác và tôi vẫn có thể trồng xen thêm 1 vụ ngô. Tuy giá năm nay xuống thấp nhưng tôi dự định trong năm tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng đao để tăng thu nhập. Tôi hy vọng sang năm giá sẽ cao hơn!”.

Tìm hướng đi cho cây đao riềng

Không thể phủ nhận rằng, đã có thời gian, cây đao riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, không có quy hoạch, không có sự quan tâm tìm kiếm mở rộng thị trường nên đã dẫn đến hậu quả như hiện nay, nông dân chết đứng vì giá thấp.

Tránh tình trạng bị ép giá sản phẩm từ các thương lái, đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp; cần tổ chức thành lập đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm về cơ chế đầu tư, hình thức kinh doanh bền vững ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Cạn...

Song song là mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh; xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, đại lý bán hàng, doanh nghiệp, tư nhân... nhằm đảm bảo nguồn tiêu thụ hợp lý. Cần thiết phải có một tổ chức liên kết các hộ nông dân trồng cây đao riềng, có thể là thành lập các hợp tác xã sản xuất, chế biến đao riềng với mục đích liên kết các cơ sở chế biến tinh bột dong, sản xuất miến, tạo thành một khối thống nhất đoàn kết, tương trợ, hợp tác cùng có lợi, tạo điều kiện để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm củ dong riềng ở địa phương do người dân làm ra, bình ổn giá thu mua đầu ra, đầu vào.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Nguyên Liệu Tăng Giá Nông Dân Vẫn Khổ! Tôm Nguyên Liệu Tăng Giá Nông Dân Vẫn Khổ!

Công ty Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết, gần 1 tháng nay, giá tôm nguyên liệu đã tăng trở lại. Song, sản lượng thu mua tôm nguyên liệu trong tháng 6/2014 giảm 50% so với tháng trước, do đây là thời điểm thu hoạch tôm cuối vụ 1 trong năm.

24/06/2014
Mô Hình Nuôi Lươn Trong Bể Bạt Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Lươn Trong Bể Bạt Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Năm 2014, toàn xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 57 hộ nuôi lươn trong bể bạt, với tổng số 131 bể, ước tổng sản lượng con giống trên 2.300kg. Sau hơn 6 tháng thả nuôi, đến thời điểm này cơ bản các hộ nuôi đã thu hoạch dứt điểm.

24/06/2014
Huyện Trần Đề Chuẩn Bị Tốt Vụ Lúa Đông Xuân 2014-2015 Huyện Trần Đề Chuẩn Bị Tốt Vụ Lúa Đông Xuân 2014-2015

Trung tâm giống của tỉnh đã hỗ trợ sản xuất thí điểm khoảng 60 ha giống lúa nguyên chủng ST5 và OM 4900. Đối với các diện tích lúa đặc sản, cánh đồng mẫu, huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, né rầy, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

27/11/2014
Bến Tre Triển Khai Trồng Mới 450ha Ca Cao Xen Trong Vườn Dừa Bến Tre Triển Khai Trồng Mới 450ha Ca Cao Xen Trong Vườn Dừa

Theo ông Phan Văn Khổng - Trưởng Ban điều hành Dự án ca cao, năm 2014 sẽ thực hiện theo phương thức “phối hợp với các cấp Hội Cựu chiến binh phát triển 450ha ca cao trồng xen trong vườn dừa cho những nông hộ có điều kiện, có quyết tâm, có đăng ký tự đầu tư trồng mới với UBND xã.

24/06/2014
Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Chất lượng tôm giống luôn là vấn đề khó đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, để chuẩn bị cho vụ nuôi mới 2015, ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng đang tập trung mọi biện pháp để khống chế tôm giống chất lượng kém nhập về địa phương, do Sóc Trăng lệ thuộc giống tôm các tỉnh nhập về trên 85%.

27/11/2014