Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gạo Ồ Ạt Sang Trung Quốc

Gạo Ồ Ạt Sang Trung Quốc
Ngày đăng: 11/06/2014

Những ngày qua, giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng khá mạnh, mà nguyên nhân chính là nhiều thương nhân đang tăng cường thu mua để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Các tỉnh Nam Trung Quốc đang rất cần gạo Việt Nam

Điều đáng lưu ý là đang có những thông tin, nhận định trái chiều quanh việc Trung Quốc bỗng tăng mạnh việc nhập khẩu gạo Việt Nam.

Ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho biết, giá tăng chủ yếu là với gạo thành phẩm từ vụ đông xuân, còn giá gạo từ lúa mới thu hoạch của vụ hè thu vẫn không có gì biến động.

Theo đó, giá các loại gạo thành phẩm vụ đông xuân đã tăng khoảng 400-500 đ/kg. Cụ thể, gạo 5% tấm thành phẩm tại kho tăng từ mức 7.800 đ/kg lên 8.200-8.300 đ/kg. Gạo 15% tấm tại kho cũng đã tăng lên mức 7.800 đ/kg...

Giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng mạnh, chủ yếu là do các thương nhân đang tập trung đẩy mạnh mua gạo để xuất khẩu sang Trung Quốc, mà phần nhiều trong đó là đi đường tiểu ngạch. Ông Trần Bảo Toàn nhận định, số lượng gạo đang được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc là rất lớn. Riêng với doanh nghiệp của ông Toàn, hiện đang được các nhà xuất khẩu đặt hàng tới 4.000-5.000 tấn gạo.

Chủ một doanh nghiệp khác, cũng chuyên cung ứng gạo xuất khẩu, cho biết, riêng ở khu vực cảng Cần Thơ, đang có tới trên 30 tàu đợi lấy gạo để đưa ra Hải Phòng rồi từ đó gạo đi đường bộ lên Lào Cai để sang Trung Quốc.

Một chuyên gia am tường ngành gạo ở ĐBSCL, cũng cho hay hiện nay nguồn cung gạo ở ĐBSCL không đủ cho nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc, khi mà gạo thành phẩm từ vụ đông xuân chỉ còn rất ít.

Hai loại gạo đang được thu mua để xuất khẩu mạnh nhất sang Trung Quốc là gạo xay ra từ giống lúa IR 50404 trồng trong vụ đông xuân và giống lúa OM 6976 (cũng từ vụ đông xuân).

Phẩm cấp gạo đang đi mạnh sang Trung Quốc chủ yếu là gạo từ 5- 15% tấm. Tấm và gạo phẩm cấp thấp ít được khách hàng Trung Quốc quan tâm.

Có thể nói nguồn gạo thành phẩm với lượng tốt từ lúa IR 50404 và OM 6976 của vụ đông xuân hiện có bao nhiêu cũng đều được thương nhân sẵn sàng thu mua hết để đưa lên biên giới phía Bắc.

Gạo thơm với chất lượng vừa phải cũng đang được các thương nhân Trung Quốc mua bán biên mậu ưa chuộng.

Điều đáng lưu ý là hiện đang có những luồng thông tin, nhận định trái chiều nhau về việc thương nhân Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Nhiều người cho rằng do lo ngại tình hình căng thẳng ở biển Đông có thể khiến cho việc mua bán gạo biên mậu gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nên các thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam để tích trữ sẵn.

Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng tình hình biển Đông không phải là nguyên nhân chính khiến thương nhân Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Mà chủ yếu là do nguồn cung gạo ở nước này vẫn đang thiếu hụt nhiều so với nhu cầu, vì thế họ buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu gạo, chủ yếu là từ Việt Nam.

Tiếp tục mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc không chỉ giúp cho gạo Việt Nam có thể tránh được bế tắc khi gặp trục trặc lớn ở thị trường Trung Quốc, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, khi mà sức cạnh tranh của gạo Thái Lan đã tăng mạnh trở lại như trước đây.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm nay, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu chính ngạch tới 3,5 triệu tấn gạo, cao hơn 700-800 ngàn tấn so với mức nhập khẩu chính ngạch của năm ngoái.

Bằng chứng là trong 4 tháng đầu năm nay, khi chưa xảy ra căng thẳng trên biển Đông, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tăng tới 51%.

Ông Trương Thanh Phong (Hiệp hội Lương thực Việt Nam), cho biết, trong 5 tháng qua, xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc đã đạt khoảng 1 triệu tấn trên tổng số 2,336 triệu tấn đã xuất khẩu.

Cũng trong thời gian trên, ước tính đã có khoảng 1 triệu tấn gạo từ ĐBSCL đi bằng đường biển và đường bộ ra phía Bắc, trong đó khoảng 700-800 ngàn tấn là đưa sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Theo ông Trương Thanh Phong, ở các tỉnh của Trung Quốc giáp với Việt Nam, đã có nhiều diện tích lúa không thể sản xuất do bị ô nhiễm. Nhiều diện tích khác đã được chuyển sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc đang rất lớn.

Những năm trước đây, từ tháng 7 trở đi thương nhân Trung Quốc mới đẩy mạnh nhập khẩu tiểu ngạch, thì trong năm nay, ngay từ đầu năm tới giờ họ đã tích cực mua bán gạo tiểu ngạch. Vì thế, nếu nói gạo Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là chưa chính xác bởi chính Trung Quốc cũng đang phụ thuộc vào nguồn cung gạo của nước ta.

Hay có thể nói cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang phụ thuộc vào nhau trên thị trường gạo khi mà một bên cần bán còn một bên muốn mua với số lượng lớn. Trong những tháng tới, có thể nhu cầu mua gạo của Trung Quốc vẫn sẽ còn rất lớn, do đó việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu ở ĐBSCL sẽ không đến nỗi quá lo ngại.

Dầu vậy, Trung Quốc vẫn luôn được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam coi là một thị trường khó lường, rủi ro cao, nhất là khi giữa 2 nước đang căng thẳng trên biển Đông.

Bởi vậy, ông Trương Thanh Phong cho rằng tuy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn đang rất tốt, nhưng Chính phủ cũng cần có những chính sách theo hướng nới lỏng hơn, tốt hơn để vẫn giữ được những thị trường lớn khác của gạo Việt Nam và mở thêm những thị trường khác ở châu Phi.


Có thể bạn quan tâm

Ồ Ạt Trồng, Tiêu Chết Trụi Ồ Ạt Trồng, Tiêu Chết Trụi

Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.

11/07/2014
Tận Dụng Lợi Thế Để Làm Giàu Ở Đạo Đầu Tận Dụng Lợi Thế Để Làm Giàu Ở Đạo Đầu

Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.

03/12/2014
“Vàng Trắng” Hóa... Muối Nhạt “Vàng Trắng” Hóa... Muối Nhạt

Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.

11/07/2014
Bình Định Mở Rộng Thị Trường Tiêu Thụ Cá Ngừ Đại Dương Bình Định Mở Rộng Thị Trường Tiêu Thụ Cá Ngừ Đại Dương

Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu.

03/12/2014
Giá Tôm Biến Động Kẻ Khóc, Người Cười Giá Tôm Biến Động Kẻ Khóc, Người Cười

Hai tháng qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng biến động mạnh và theo hướng trái chiều với mức chênh lệch 30.000-80.000 đồng/kg. Sự tăng giảm với biên độ dao động quá lớn khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”.

11/07/2014