Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cẩn Trọng Với Vịt Chạy Đồng

Cẩn Trọng Với Vịt Chạy Đồng
Ngày đăng: 12/06/2014

Hiện nay, tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A (Hậu Giang) đã có nhiều nơi thu hoạch lúa Hè thu. Vịt khắp nơi cũng đang chạy đồng về, thả lan trên những cánh đồng lúa mới vừa thu hoạch xong. Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ những đàn vịt chạy từ đồng này sang đồng khác có thể lây lan trên diện rộng.

Đàn vịt hơn 600 con của anh Võ Văn Nhóc, ngụ xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đã chạy đồng được hơn 2 tuần. Vịt của anh chạy từ trong địa phương qua huyện Long Mỹ, và có năm đến tận tỉnh Sóc Trăng. Theo anh Nhóc, nuôi vịt chạy đồng tính ra lời hơn so với nuôi tại chỗ vì tận dụng được lượng lúa rơi vãi sau mùa thu hoạch.

Nếu nuôi tại chỗ thì anh tốn khoảng 100kg lúa/ngày cho đàn. Mỗi ký lúa có giá 5.000đ (lúa khô), vậy anh phải bỏ ra 500.000đ cho vịt ăn một ngày.

Nếu cho vịt chạy đồng, anh chỉ mất khoảng 100.000-150.000đ tiền “mua đồng” (tiền trả cho chủ ruộng để cho vịt vào ăn mót lúa). Mà vịt ăn cứng bầu, no cả ngày, đẻ cũng nhiều hơn so với ở chuồng. Chính vì vậy, gia đình anh vẫn giữ cách nuôi truyền thống này được 12 năm. Khi hỏi đến việc tiêm phòng cho đàn vịt thì anh cho hay có tiêm, mỗi 6 tháng một lần nên anh tỏ ra rất an tâm không cần phòng dịch nữa.

Tuy nhiên, trong đàn vịt của anh Nhóc, có vài con vịt tơ đang hồi thay lông, độ chừng 2 hay 3 tháng tuổi, vẫn chưa tới hồi đáo hạn đợt tiêm phòng. Tuy nhiên, với tình trạng vịt chạy khắp nơi thì liệu có an toàn với những con vịt còn đang ở “ngoài cuộc” này hay không?

Cách đàn vịt của anh Nhóc không xa, đoạn giáp ranh huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, hơn 6.000 con vịt chạy đồng từ Bạc Liêu cũng đang ồ ạt tủa ra ăn lúa trên đồng. Gia đình anh Lê Văn Chung, ngụ tỉnh Bạc Liêu đã chạy theo đàn vịt đến Hậu Giang hơn tháng nay. Đàn vịt của anh có hơn 1.600 con vịt đẻ. Đi cùng anh có 3 gia đình khác nữa đang thả vịt trên 2ha ruộng.

Ngoài chăn vịt, anh Chung còn bán trứng lẻ cho bà con xung quanh với giá mềm hơn so với mua tại lò ấp vịt. Phải giả làm người mua trứng, tôi mới tiếp cận được anh bởi anh rất dè chừng hỏi xem khách có phải là cán bộ thú y hay công an xã để có cách “ứng phó”.

Thấy khách có vẻ e ngại khi mua trứng vịt bán khá rẻ hơn so với bên ngoài (20.000đ/chục, ngoài lò khoảng 24.000đ/chục loại to nhất - PV), anh trấn an: “Cô yên tâm, vịt tui đã tiêm vắc-xin phòng bệnh rồi, 6 tháng một lần”. Nhưng khi hỏi, vịt anh tiêm cách đây bao lâu thì anh ậm ừ nói rằng lỡ quên mất vì bận chạy theo vịt đi xa mấy tháng nay.

Chạy dọc theo tuyến đường này, ghi nhận không dưới 10 hộ chăn nuôi vịt nhỏ lẻ tại gia đình. Một số đang chạy đồng gần, một ít đang được thả nuôi trên kênh rạch. Tuy số lượng không nhiều, mỗi hộ từ 100-200 con, nhưng đa số người dân chịu tiêm phòng vì cho rằng đàn vịt ít nên không cần tiêm cho tốn kém.

Ông Nguyễn Giang, xã Vị Thanh nói: “Gần nhà tui có vài hộ nuôi dăm ba con vịt, không chịu tiêm vắc-xin phòng bệnh nên tui cũng sợ ảnh hưởng đến đàn vịt ở nhà. Còn gần đây có vài hộ từ xa đem vịt về chạy đồng không biết có tiêm chưa. Thêm cái lo nữa là nhiều vịt đến làm đục cả nước sông, không xài được”.

Trước những ẩn họa từ vịt chạy đồng, ngành chức năng thường xuyên khuyến cáo người dân phải tiêm ngừa vắc-xin. Tuy nhiên, một thực tế đang gây khó ngành thú y là hộ nuôi nhỏ lẻ bộc phát nhiều, đôi lúc nuôi ở đâu rồi mang về vài con nuôi “ăn chơi”. Mà gia cầm bị nhiễm cúm thì rất khó phát hiện, đặc biệt là vịt. Vịt khi nhiễm cúm không có biểu hiện gì khác thường.

Thời gian bộc phát bệnh lâu hơn gà nên có đủ thời gian để phát tán bệnh ra diện rộng, có thể lây sang cả người khi tiếp xúc. Và trên thực tế, với tình trạng vịt chạy đồng tràn lan và số lượng khá lớn nếu thiếu sự quản lý của cơ quan thú y và chính quyền địa phương thì nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm có thể xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

Dòng Vốn Tưới Mát Tam Nông Dòng Vốn Tưới Mát Tam Nông

Các chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi là tam nông) đã thật sự là “dòng chảy trong lành”, tưới mát và làm khởi sắc những vùng quê.

30/08/2014
Đi Tìm Nguyên Nhân Ngô Ra Bắp Nhưng Không Có Hạt Đi Tìm Nguyên Nhân Ngô Ra Bắp Nhưng Không Có Hạt

Sau khi Báo Cao Bằng đăng tải bài viết ra ngày 9/7/2014 “Nhiều diện tích ngô ra bắp nhưng không có hạt” tại tổ 10 phường Hòa Chung (Thành phố), chúng tôi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao có tình trạng giống ngô NK 4300 xảy ra hiện tượng cây ra nhiều bắp nhưng không có hạt hoặc kết hạt kém...

22/08/2014
Nước Lũ Đe Dọa Hàng Trăm Bè Cá Điêu Hồng Ở Vĩnh Long Nước Lũ Đe Dọa Hàng Trăm Bè Cá Điêu Hồng Ở Vĩnh Long

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo các hộ nuôi cá bè ven đầu cồn thuộc ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long gần khu vực cầu Mỹ Thuận cần di dời khẩn cấp các lồng bè để tránh nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây thiệt hại.

03/09/2014
Gian Nan Phát Triển Cá Bống Bớp Nghĩa Hưng (Nam Định) Gian Nan Phát Triển Cá Bống Bớp Nghĩa Hưng (Nam Định)

Theo ông Trần Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) - cá bống bớp đã được huyện xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của nghề nuôi thủy sản tại địa phương. UBND huyện đã hỗ trợ bà con mở rộng diện tích nuôi, thâm canh, đồng thời chỉ đạo xúc tiến xây dựng thương hiệu Cá bống bớp Nghĩa Hưng.

03/09/2014
Khởi Sắc Kinh Tế Tập Thể Khởi Sắc Kinh Tế Tập Thể

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, nhưng thời gian qua lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh từng bước thay đổi diện mạo. Dấu hiệu khởi sắc đáng ghi nhận là những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, hợp tác xã (HTX) điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

22/08/2014