Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Lên Nhờ Sản Xuất Rau An Toàn

Giàu Lên Nhờ Sản Xuất Rau An Toàn
Ngày đăng: 25/01/2014

Dự án trồng rau sạch do JICA và Bộ NN&PTNN tài trợ đã mang lại lợi ích rõ rệt cho người nông dân và người tiêu dùng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Phú, xã Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là một trong những đơn vị sản xuất rau an toàn (RAT) theo dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng”.

Dự án này do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ.

Triển khai từ tháng 7/2010 tại 6 tỉnh phía Bắc, trong đó có Hưng Yên, đến nay, mô hình đã thu hút được 40 hộ xã viên tham gia và đã mang lại lợi ích rõ rệt cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng.

Những thửa ruộng bắp cải của Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Phú, Hưng Yên đang vào vụ thu hoạch. Xe tải nhỏ của những cửa điểm bán rau an toàn từ Hà Nội, Hưng Yên ra vào liên tục con đường nhỏ của xã Yên Mỹ để mua buôn.

Theo chị Lê Thị Hồng, nông dân xã Yên Phú, kể từ khi biết xã có những thửa ruộng sản xuất rau an toàn, lượng khách mua buôn đến tăng vọt, không đủ rau để đáp ứng.

Chị Lê Thị Hồng tham gia dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” từ đầu năm 2012. Ngoài việc trồng cây giống bán cho bà con nông dân các vùng, nhà chị Hồng để riêng 1,5 sào ruộng trồng các loại rau cải bắp, cà chua, su hào theo đúng mô hình Rau an toàn (RAT) của dự án.

Thật bất ngờ là sau gần 2 năm tham gia dự án, lượng sản phẩm nhà chị Hồng bán ra tăng 80% so với trước đây. Nhưng theo chị Lê Thị Hồng, lợi ích lớn nhất mà những hộ nông dân như chị khi tham gia dự án là hiểu được quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm được do sử dụng đúng cách lại vừa không gây hại cho mình cũng như người tiêu dùng.

Gia đình chị Hồng chỉ là một trong hơn 40 hộ nông dân ở xã Yên Phú tham gia dự án khi áp dụng quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi tắt là GAP cơ bản) do dự án hỗ trợ. Hồ sơ GAP cơ bản gồm 2 loại sổ ghi chép: Nhật ký đồng ruộng với 3 biểu mẫu đơn giản, dễ hiểu để nông dân theo dõi, ghi chép hoạt động sản xuất trên đồng ruộng; mua vật tư nông nghiệp và thu hoạch, bán sản phẩm. Nhật ký quản lý sản xuất gồm 5 biểu mẫu: Quản lý điều kiện SX, quản lý hoạt động SX trên địa bàn, quản lý việc mua, cung cấp vật tư nông nghiệp, quản lý hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Hằng, cố vấn dự án cho biết: “Một trong những yêu cầu quan trọng của dự án là người nông dân phải ghi nhật ký đồng ruộng hàng ngày vào một cuốn sổ để biết là sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào, mua ở đâu, quy trình thời gian ra sao… Đây là cơ sở để có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của cây trồng và các loại rau an toàn”.

Trong quá trình sản xuất, chuyên gia Nhật Bản kết hợp với các phòng chức năng của tỉnh theo dõi quá trình sản xuất rau an toàn của HTX bằng sổ quản lý sản xuất và sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép hoạt động sản xuất rau và kỹ thuật chống sâu bệnh cho rau theo tiêu chí GAP đảm bảo phương châm “4 đúng” (đúng thời gian, đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời hạn cách ly).

Với kinh phí hơn 67 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 64,5 tỷ đồng thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” gồm hai hợp phần: Hợp phần bảo hộ giống cây trồng và hợp phần sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn. Trong đó, mục đích của hợp phần bảo hộ giống cây trồng là nâng cao năng lực và hoàn thiện hệ thống bảo hộ giống cây trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập, thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của Tổ chức UPOV (Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới) vào năm 2016.

Về mục đích dài hạn của dự án, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN và PTNT, Giám đốc dự án cho biết: “Mục đích dài hạn của hợp phần sản xuất sản phẩm cây trồng là nâng cao nhận thức của nông dân và cán bộ nông nghiệp tại nơi thực hiện dự án, đồng thời nâng cao năng lực giám sát và quản lý việc sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn từ trung ương đến địa phương. Sau 3 năm triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, áp dụng GAP cơ bản, hầu hết nông dân vùng dự án nhận ra rằng áp dụng GAP thật sự mang lại hiệu quả”.

Là người sát cánh với nông dân hơn 3 năm qua trong quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam, ông Numata Mitsuo - chuyên gia sản xuất cây trồng an toàn của Nhật Bản cho biết, so với VietGap (quy trình thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành), GAP cơ bản dễ áp dụng hơn, phù hợp với đối tượng nông dân sản xuất nhỏ.

“Với 65 tiêu chí khác nhau, tiêu chuẩn VietGap không phải hộ nông dân nào cũng có thể áp dụng được. Trong khi GAP cơ bản chỉ với 26 tiêu chí được lựa chọn từ các tiêu chí của VietGap, người nông dân vừa dễ thực hiện lại vừa bảo đảm được chất lượng an toàn theo quy định”.

Ông Numata Mitsuo mong muốn: “Sau 3,5 năm thí điểm, tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng ra, trước mắt là 6 tỉnh triển khai dự án. Chúng tôi cũng hy vọng tiêu chuẩn GAP cơ bản sẽ được cơ quan chức năng của Việt Nam công nhận như một quy trình thực hiện để số đông người nông dân có thể dễ dàng áp dụng và phát triển sản xuất cây trồng an toàn”.


Có thể bạn quan tâm

Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa

Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.

07/10/2014
Nhiều Thách Thức Trong Quá Trình Chuyển Đổi Cây Màu Trên Đất Lúa Nhiều Thách Thức Trong Quá Trình Chuyển Đổi Cây Màu Trên Đất Lúa

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lúa gạo của Đồng Tháp liên tục tăng mạnh. Diện tích gieo trồng hằng năm ước đạt 500 nghìn ha, sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Năm 2013, diện tích trồng lúa của tỉnh tăng 514.803 ha, sản lượng 3,3 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay.

07/10/2014
Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông

Trước đây, ở Thanh Hóa nhiều người chỉ coi vụ xuân và vụ mùa mới là vụ sản xuất chính, chưa mấy coi trọng sản xuất vụ đông. Nhiều năm gần đây, các giống lúa ngắn ngày được lai tạo và du nhập ngày càng nhiều nên thời gian cho vụ đông được kéo dài, thuận lợi cho việc sản xuất.

07/10/2014
Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP

Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long dẫn đầu Bình Thuận. Trong những năm gần đây, người dân địa phương này đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các nước trong khu vực…

08/10/2014
25 Tấn Cá Tra Của Công Ty Hùng Vương Đã Được Giải Tỏa Tại Nga 25 Tấn Cá Tra Của Công Ty Hùng Vương Đã Được Giải Tỏa Tại Nga

Cụ thể, TTXVN đưa tin, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga Rosselkhoznadzor ngày 6/10 cho biết hơn 25 tấn cá basa filê đông lạnh của Việt Nam cập Cảng Lớn ở thành phố St. Petersburg đã bị áp dụng hạn chế tạm thời.

08/10/2014