Bạc Liêu Sẵn Sàng Cho Vụ Nuôi Tôm Năm 2014

Vào thời điểm này, người dân vùng nuôi tôm Bạc Liêu đang cải tạo ao đầm, sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Theo đó, công tác quản lý chất lượng giống, thuốc thú y thủy sản được Chi cục Thú y tỉnh chú trọng nhằm không để con giống kém chất lượng và thuốc, hóa chất giả lưu hành trên địa bàn gây rủi ro, thiệt hại cho người nuôi.
Nông dân phấn khởi thả giống
Vụ tôm cuối năm 2013, nông dân không chỉ được mùa mà còn trúng giá. Nhiều thương lái cho biết, giá tôm sú thời điểm này tăng cao. Tôm sú loại 20 con/kg giá dao động từ 300.000 - 320.000 đồng, tôm sú loại 30 con/kg giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tôm sú loại 40 con/kg giá từ 150.000 - 180.000 đồng.
Cùng với việc trúng mùa, trúng giá, những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh đã dần được ổn định nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư thả giống cho vụ tôm mới.
Anh Nguyễn Minh Đương (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) vui vẻ nói: “Vụ tôm vừa qua, người nuôi tôm ở đây đều có lãi do được mùa và được giá. Hiện nay, các hộ nuôi tôm bắt đầu thả tôm giống cho vụ mới. Năm nay sẽ là một năm đầy hứa hẹn của những người nuôi tôm chúng tôi”.
Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 65.182ha. Trong đó, tôm công nghiệp 562ha (tôm sú 273ha; tôm thẻ 289ha), nuôi quảng canh cải tiến kết hợp 64.620ha.
Nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thông báo cho người nuôi lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 và thực hiện lịch điều tiết nước hợp lý cho các vùng nuôi thủy sản. Song song đó, tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển…
Khuyến khích phát triển nuôi thâm canh, xen canh, luân canh và nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một diện tích. Ngoài ra, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng trừ dịch bệnh và khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro…
Tăng cường kiểm dịch giống và thuốc thủy sản
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xuyên bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến tôm nuôi. Trong khi đó, con giống và thuốc thú y thủy sản ngày càng kém chất lượng. Số lượng tôm giống bán trôi nổi xuất hiện ngày càng nhiều, thuốc thủy sản, thức ăn tôm giả cũng không ít.
Để hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nuôi tôm, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống từ nơi khác nhập vào địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản, hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng lưu thông; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản… Năm 2013, tổng lượng tôm giống qua kiểm tra, kiểm dịch là trên 20,7 tỷ con; trong đó, lượng giống sản xuất tại địa phương hơn 8,8 tỷ con, giống nhập ngoài tỉnh gần 12 tỷ con.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh còn tổ chức tập huấn về “Quy trình kiểm dịch và quản lý giống thủy sản” cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh giống trong việc cải tiến kỹ thuật sản xuất và hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác kiểm dịch giống.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tôm giống nhập vào địa phương. Theo dõi diễn biến, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống của các cơ sở trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng giống, vệ sinh thú y”.
Có thể bạn quan tâm

Sau 5 năm nuôi thử nghiệm, đến nay, mô hình nuôi cá tầm tại trại cá Cấm Sơn, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn được tiếp tục nhân rộng với khoảng 8 vạn con bao gồm cá bố mẹ, cá giống và cá thương phẩm.

Cam, quýt xã Quang Thuận, thuộc huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là cây giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân. Tuy nhiên, nhiều diện tích bị già cỗi, sâu bệnh gây chết cây đang làm cho người dân lo lắng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh xuống giống được 36.298 ha mì. Trong đó vụ Đông Xuân 2014 - 2015 trồng mới 23.326 ha, Vụ Hè Thu 2015 trồng mới được 11.203 ha, (đạt 62,% kế hoạch) bằng 134,5% so cùng kỳ năm 2014.

Đó là hành vi đổ hóa chất xuống đất để dụ giun nổi lên xem có tốt không rồi... sẽ tiến hành thu mua của thương lái Trung Quốc vừa được phát hiện tại Quảng Trị.

Nhà sáng chế máy cày đa năng xứ Quảng - anh nông dân Lê Tất Dũng dù học hành chưa hết phổ thông nhưng đã có những việc làm có lợi nhiều cho nông dân, như làm cầu phao bắc qua sông Vu Gia, sáng chế máy cày tay đa năng, máy bóc vỏ đậu…