Nông Dân Sản Xuất Giỏi, Xây Dựng Nông Thôn Mới Tích Cực
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và luôn được các cấp, hội viên nông dân hưởng ứng tích cực.
Xác định nông dân là chủ thể, đóng vai trò trực tiếp trong thực hiện và là đối tượng hưởng thụ kết quả đạt được từ chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phấn đấu thi đua sản xuất, thực hiện tốt các nội dung tiêu chí xã NTM, nhất là các tiêu chí cần người dân thực hiện, như môi trường, thu nhập, giao thông, thủy lợi, hộ nghèo…
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện 1.791 cuộc tuyên truyền xây dựng NTM trong cán bộ hội; tuyên truyền ra hội viên, nông dân được 11.418 cuộc, với trên 276.976 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng phát động trong hội viên đăng ký trở thành NDSXKDG, năm 2014 có gần 86.000 hội viên trong tỉnh đăng ký tham gia.
Nhiều năm nay, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, ông Nguyễn Hoàng Nhựt, ở ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy được người dân biết đến là hội viên sản xuất giỏi. Với 1,3ha đất trồng cây ăn trái các loại, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập được trên 200 triệu đồng.
Là cán bộ hội, ông Nhựt luôn tìm cách tạo điều kiện cho hội viên trong chi hội tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình làm ăn có hiệu quả; vận động hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, giúp tăng thu nhập. Nhờ vậy, đa phần hội viên trong chi hội đều có kinh tế khá ổn định.
Hiện nay, Chi hội Nông dân ấp Đông An có tổng số 159 hội viên, trong đó số hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp chiếm tỷ lệ cao, chỉ tính riêng hộ hội viên NDSXKDG cấp tỉnh đã đạt 33/159 hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Nhựt phấn khởi cho biết: “Là cán bộ hội, tôi luôn cố gắng gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, trong sản xuất cũng phải xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả thì hội viên mới mạnh dạn học hỏi làm theo, nhờ vậy mà tổ chức hội ở đây ngày càng lớn mạnh”.
Cũng theo ông Nhựt, nhờ tổ chức hội hoạt động nề nếp, đời sống hội viên không ngừng nâng cao qua các năm mà hội viên nơi đây rất nhiệt tình đóng góp xây dựng NTM. Những năm qua, các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn ấp luôn được hội viên nông dân ấp tích cực phối hợp với địa phương thực hiện.
Việc vận động dân hiến đất, hoa màu, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, nạo vét thủy lợi đã không gặp mấy khó khăn. Bên cạnh đó, hội viên nông dân ấp này cũng quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, góp phần giúp xã Đại Thành hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM theo kế hoạch.
Tiên phong trong phong trào chuyển đổi cây trồng có hiệu quả tại ấp Mang Cá, xã Đại Thành đã giúp ông Võ Văn Tiến trở thành hội viên nông dân đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh nhiều năm liền.
Cách đây 8 năm, nhận thấy diện tích trồng mía của gia đình không phát huy hiệu quả, nên ông Tiến mạnh dạn chuyển đổi khoảng 7.000m2 đất sang trồng cam sành. Sau đợt trái chiếng, vụ thu hoạch cam lần 2 cách nay 5 năm giúp ông thu về trên 400 triệu đồng.
Kể từ đó, ông Tiến quyết tâm gắn bó với loại cây trồng hiệu quả này. Nhờ mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp, phát huy hiệu quả của ông Tiến mà thời gian gần đây, nhiều hội viên nông dân ở ấp Mang Cá cũng bắt đầu nhân rộng diện tích cam sành trên địa bàn ấp để cải thiện thu nhập.
Ngoài “thương hiệu” là nông dân sản xuất giỏi, ông Tiến còn là hội viên có nhiều đóng góp tiêu biểu trong việc xây dựng NTM ở xã Đại Thành. Năm 2012, khi địa phương có kế hoạch triển khai xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn dọc kênh Lung Tượng, ở ấp Mang Cá, ông Tiến đã tự nguyện hiến đất, hoa màu và bỏ kinh phí đầu tư bơm cát làm nền hạ.
Ông còn đứng ra bảo lãnh và cho các hộ dân trên tuyến có điều kiện kinh tế khó khăn mượn tiền để bơm cát, với tổng số tiền trên 50 triệu đồng, nhờ vậy tuyến đường giao thông kết hợp đê bao ngăn lũ kênh Lung Tượng (dài 1,5km) hoàn thành đúng kế hoạch, giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ông Tiến chia sẻ: “Tham gia vào Hội Nông dân, tôi được tiếp cận vốn, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhờ vậy mà đời sống kinh tế gia đình không ngừng cải thiện.
Có cuộc sống ổn định tôi lại có thêm điều kiện đóng góp cho địa phương mình ngày càng phát triển. Từ khi xã Đại Thành xây dựng NTM đến nay, mọi phong trào, hoạt động do địa phương phát động tôi đều nhiệt tình ủng hộ và cố gắng thực hiện tốt”.
Xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp đang dồn sức phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM vào cuối năm. Do vậy, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã đã có kế hoạch phát động hội viên đăng ký thực hiện tốt các tiêu chí xã NTM mà địa phương chưa thực hiện đạt có liên quan đến người dân, như tiêu chí giảm hộ nghèo và môi trường...
Khoảng 3 tháng nay, Chi hội Nông dân ấp II, xã Thạnh Hòa đã phát động trong hội viên thực hiện mô hình “Con đường đẹp” để góp phần giúp nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn cảnh quan môi trường sạch, đẹp và giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường.
Ông Tiêu Văn Lâm, hội viên Chi hội Nông dân ấp II, xã Thạnh Hòa, cho biết: “Xây dựng xã NTM có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vì thế khi địa phương vận động hội viên tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp thì tôi rất ủng hộ và tiên phong thực hiện”.
Hiện tại, định kỳ hàng ngày, ông Lâm quét dọn đường sá, giữ gìn khu vực quanh nhà luôn sạch sẽ. Ngoài ra, ông cũng trồng cây xanh, hoa kiểng trước sân nhà và dọc 2 bên tuyến đường để tạo cảnh quan đẹp hơn. Không chỉ riêng gia đình mình thực hiện tốt, mà ông Lâm còn tích cực vận động các hội viên khác cùng thực hiện. Nhìn chung, sau 3 tháng triển khai mô hình, diện mạo nông thôn dọc theo tuyến kênh Rau Muôi - Dầu U, ở ấp II, xã Thạnh Hòa có nhiều đổi mới, ngày càng sạch, đẹp hơn.
Ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát huy các mặt công tác thi đua đã đạt được trong toàn hội, chúng tôi sẽ tập trung phối hợp tích cực xây dựng NTM ở 11 xã điểm của tỉnh; Tỉnh hội cũng chọn ở mỗi xã 1 ấp để xây dựng mô hình điểm hội viên nông dân đăng ký thực hiện từ 1-3 nội dung tiêu chí NTM theo quy định…
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đã hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh ở cuối vụ hè thu. Theo đó, đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, nông dân cần thường xuyên thăm đồng vạch gốc lúa và quan sát kỹ trên từng đám ruộng.
Tính đến nay, nông dân Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã thả nuôi được hơn 2.100ha cá ruộng thay cho vụ lúa Thu đông, tăng 500ha so với năm 2012, tập trung ở những vùng trũng như: xã Hòa An, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú… Ngoài việc nuôi cá, nhiều nông dân còn trồng ấu hoặc sen để tăng thu nhập.
Người nuôi và nhà sản xuất tôm ở ĐBSCL đã có sự bất bình trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố phán quyết cuối trong vụ điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, đồng thời cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng ngàn hộ nông dân sản xuất tôm.
Ngày 17/8, hơn 110 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau, các chi cục trực thuộc, Phân viện Nuôi trồng thuỷ sản 2, phòng nông nghiệp các huyện, 9 hợp tác xã nuôi tôm và những hộ nuôi tôm điển hình trên địa bàn tỉnh Cà Mau dự Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với người nuôi tôm” do Sở NN&PTNT phối hợp với tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện.
Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.