Khai Thác, Nuôi Trồng Thuỷ Sản Ở Vân Đồn
Trong những năm qua, ngành Thuỷ sản Vân Đồn (Quảng Ninh) có những bước phát triển mạnh. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm đều đạt ở mức cao. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi nhuyễn thể, đã trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Vân Đồn.
Tuy nhiên, do dịch bệnh thời gian qua làm tu hài chết hàng loạt đã khiến cho nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Hiện nay, Vân Đồn đang tập trung chuyển dần sang một số đối tượng nuôi mới, bước đầu đã tạo sự ổn định cho nghề nuôi thuỷ sản nơi đây...
Phát huy tiềm năng thế mạnh về biển, Vân Đồn xác định việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Với diện tích mặt nước biển gần 160.000ha, tiếp giáp với các ngư trường lớn, có hệ thống bến cảng và lực lượng lao động có nhiều kinh nghiệm, ngành Thuỷ sản thực sự là một ngành kinh tế thế mạnh của huyện.
Hiện nay, Vân Đồn có 1.660 phương tiện hoạt động trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, trong đó có 65 phương tiện có công suất trên 90CV làm nghề khai thác, kinh doanh dịch vụ thuỷ sản tuyến khơi, còn lại là phương tiện đánh bắt ven bờ có công suất từ 6CV đến 90CV. Tổng sản lượng thuỷ sản 8 tháng đầu năm nay đạt 13.405 tấn, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó khai thác thuỷ sản đạt 8.255 tấn, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.150 tấn. Điều đáng nói, đầu năm nay Vân Đồn được mùa sứa, mặc dù giá thu mua sứa không được cao, nhưng vụ sứa năm 2013 kéo dài đến 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5) đã mang lại cho ngư dân một nguồn thu không nhỏ.
Thế nhưng đối với nghề nuôi nhuyễn thể, một thế mạnh của nuôi trồng thuỷ sản Vân Đồn, vẫn gặp không ít trở ngại. Nếu như từ năm 2011 trở về trước nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt là nghề nuôi tu hài, được đầu tư phát triển mở rộng, diện tích nuôi tu hài đã lên đến hàng nghìn ha.
Có thời điểm nghề nuôi tu hài đã trở thành phong trào xoá nghèo, làm giàu ở Vân Đồn. Nhưng cuối năm 2011 khi tình hình dịch bệnh xảy ra đã xoá sổ gần hết diện tích nuôi tu hài, gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo thống kê thiệt hại dịch bệnh năm 2012, trên địa bàn huyện có khoảng 700 hộ dân và 20 công ty, doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 200 tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều hộ nuôi bị thiệt hại nặng do đầu tư diện tích rộng, hộ bị thiệt hại nhiều nhất lên đến trên 3 tỷ đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Từ con số hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng tu hài, đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng vài chục ha được các hộ dân đang nuôi thăm dò trở lại...
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cho biết, từ cuối năm 2011 khi dịch bệnh tu hài xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khiến cho nghề nuôi trồng thuỷ sản Vân Đồn gặp không ít khó khăn. Để nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, ngay khi có kết quả xét nghiệm dịch bệnh của ngành chức năng, huyện Vân Đồn đã khuyến cáo bà con nông dân và các doanh nghiệp tạm thời dừng nuôi tu hài một thời gian, từng bước chuyển sang nuôi một số đối tượng mới như nghêu, ngao, ốc… và nuôi cá lồng bè thay thế cho tu hài. Đến nay, với sự chỉ đạo tích cực của địa phương và ngành chức năng, nhiều hộ gia đình đã chuyển dần sang một số đối tượng nuôi mới và đã bước đầu tạo sự ổn định cho nghề nuôi trồng thuỷ sản nơi đây. Được biết, hiện nay loài thuỷ sản mà bà con tập trung nuôi nhiều nhất là con hàu Thái Bình Dương, cá lồng bè, các loại ốc.
Riêng 8 tháng đầu năm nay, sản lượng thu hoạch hàu Thái Bình Dương đã đạt 2.320 tấn; 4.500 lồng nuôi cá trên biển. Huyện Vân Đồn cũng đang hướng cho người dân chuyển sang nuôi các loại thuỷ sản khác như nuôi ngao hoa. Loài nhuyễn thể được kỳ vọng rất nhiều bởi giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, châu Âu...
Theo đánh giá của các kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản của huyện thì loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này có sức chịu đựng với môi trường tốt hơn khi trời mưa, nhiệt độ thấp, ngao hoa vẫn không bị chết. Nếu như nuôi tu hài phải rất khó khăn trong chọn vùng nuôi thì ngao hoa lại không kén đất nuôi, những vùng không thể nuôi được tu hài, ngao hoa vẫn sống và phát triển tốt. Thêm nữa, nguồn giống sản xuất lại dễ hơn, hiện nay ở Quảng Ninh và Nha Trang đã ương được giống.
Tuy nhiên, ngao hoa cũng có một số nhược điểm là hay bỏ đi, mỏng vỏ, bị con khác ăn. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn, cho rằng để đánh giá được loài nhuyễn thể này cần phải có thời gian, nuôi theo nhiều hình thức khác nhau để đưa ra quy trình nuôi chuẩn.
Cuối năm 2012, huyện Vân Đồn đã tiến hành nuôi thử nghiệm hơn 20ha ngao hoa, khoảng 1,5 năm ngao hoa sẽ cho thu hoạch. Hiện nay, ngao hoa đã được một số hộ dân ở các xã Thắng Lợi, Bản Sen, Đông Xá, Hạ Long đang nuôi thử nghiệm xem hiệu quả ra sao để mở rộng hình thức nuôi.
Có thể nhận thấy rằng, mặc dù nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn vẫn còn khó khăn, song với tiềm năng và thế mạnh của vùng biển đảo, hy vọng Vân Đồn sẽ tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có để đưa nghề nuôi trồng thuỷ sản của huyện phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương...
Có thể bạn quan tâm
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trùng Khánh vừa phối hợp với Công ty BIOSEED Việt Nam tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình trồng giống ngô lai B.265, vụ đông - xuân.
6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm huyện Bảo Lâm mở 30 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt với 1.094 lượt người tham gia.
Tích lũy kinh nghiệm bằng thâm niên nuôi vịt chạy đồng rồi sang nuôi vịt thịt, nuôi vịt sinh sản nhốt tại chỗ, ông Võ Văn Vân ở ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã chuyển sang nuôi vịt giống theo hướng an toàn sinh học và mở thêm lò ấp trứng.
Nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Vĩnh Phúc đã trở thành “cánh tay” đắc lực giúp bà con nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Để có được niềm tin ấy, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, giúp bà con giải toả thắc mắc, dần làm chủ và hưởng lợi từ những mô hình kinh tế.
Anh Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 1981) ngụ tại ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một thanh niên tiêu biểu cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Anh được vinh dự nằm trong danh sách 11 thanh niên tiêu biểu của tỉnh về Thủ đô tham dự thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2010.