Nông Dân Lao Đao Vì Dong Riềng Rớt Giá
Nông dân Bắc Cạn trồng dong riềng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, tiêu thụ không hết, tư thương khống chế giá giảm gần một nửa so với năm trước. Tiền bán dong riềng không đủ trả công thu hoạch và vận chuyển làm cho nông dân lao đao.
Vụ thu hoạch dong riềng ở tỉnh Bắc Cạn đã bắt đầu được hơn nửa tháng, nhưng ở đâu cũng thấy nông dân than phiền chỉ bán được 800- 900 đồng/kg củ, giảm gần một nửa so với năm trước. Đi dọc các tuyến đường chính ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm thấy nông dân chất những đống dong riềng lớn cạnh đường chờ tư thương, cơ sở chế biến đến thu mua.
Hồi đầu năm, gia đình ông Hoàng Văn Bằng ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đầu tư gần một triệu đồng mua giống và phân bón trồng 0,2ha. Nay đã đến vụ thu hoạch, ông Bằng dự kiến sẽ thu khoảng 15 tấn củ. Nhưng với giá 900 đồng/kg củ, ông tính toán một người thu hoạch trong một ngày chỉ được khoảng một tạ củ, vận chuyển đến tỉnh lộ 258 bán được 90 nghìn đồng, trong khi đó trả công thu hoạch hết hơn một trăm nghìn đồng. Giá bán không đủ trả tiền thuê nhân công nên ông Bằng bỏ không thu hoạch diện tích dong riềng đã trồng được.
Mới đầu vụ đã thế, khi dong riềng thu hoạch rộ những ngày tới thì giá còn giảm nữa. Tình cảnh của ông Bằng đang là thực trạng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với giá bán chỉ bằng gần một nửa so với năm trước, nhân dân chỉ thu hoạch những diện tích gần đường, tiện vận chuyển, gia đình có nhân công. Còn những diện tích ở xa, phải thuê cả công thu hoạch, vận chuyển thì bỏ, vì tiền bán không đủ trả tiền công thu hoạch, kinh phí vận chuyển.
Theo tính toán của tỉnh, năm nay Bắc Cạn trồng gần ba nghìn ha dong riềng (tăng một nghìn ha so với năm trước), ước tính thu được khoảng 180 nghìn tấn củ, các cơ sở chế biến trong tỉnh chỉ tiêu thụ được khoảng 117 nghìn tấn củ, số còn lại 61 nghìn tấn phải chở đi bán ở ngoài tỉnh.
Củ dong riềng là nguyên liệu sản xuất ra tinh bột, từ tinh bột sản xuất ra miến dong. Trong khi đó tỉnh không chủ động được đầu ra, hầu hết sản lượng tinh bột và miến dong được tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Những năm trước diện tích trồng còn ít, giá dong riềng tăng cao nên năm nay trồng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, các đầu mối tiêu thụ khống chế, dìm giá xuống thấp làm nông dân lao đao.
Thời gian vừa qua, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã, nhóm hộ, doanh nghiệp đầu tư 112 cơ sở chế biến dong riềng với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhưng hầu hết đều là công nghệ lạc hậu, tỷ lệ bột bị thất thoát nhiều, thiếu vốn nên không tiêu thụ được nhiều dong riềng cho nhân dân.
Dong riềng quá nhiều, giá giảm mạnh, nông dân đang lao đao, các địa phương trong tỉnh đang lúng túng chưa biết giải quyết bằng cách nào. Để cây dong riềng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, những năm tới tỉnh cần tổ chức lại một cách bài bản từ khâu quy hoạch trồng, chế biến và chủ động thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “mất kiểm soát” như năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Bà con nông dân Đồng bằng Bắc Bộ đang lo ngại đợt sâu cuốn lá mới tiếp tục gây hại trên diện tích lúa mùa.
Trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua, các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai sâu rộng và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nhờ đó nguồn vốn vay được đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất của các hộ dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nhân dân nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Phát triển rộng khắp ở cả khai thác lẫn chế biến hải sản, nghề cá ở xã ven biển xã Duy Hải (Duy Xuyên) đã giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 30-7-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa năm 2015. Thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra tình hình sâu bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn các huyện, thành, thị từ ngày 30/7 - 7/8, làm việc cả thứ 7, chủ nhật.
Bán một sọt ổi không đủ ăn tô phở, bán một sọt chanh không đủ tiền mua ổ bánh mì, khoai lang bỏ đống ngoài đồng, thanh long bán rẻ như cho… là tình cảnh của nông dân ĐBSCL hiện nay. Không phải từ bây giờ, mà tín hiệu trục trặc của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung - cầu của nó đã bộc lộ nhiều năm qua.