Nông Dân Làng Bè Nuôi Cá Điêu Hồng Lãi Lớn
Mấy tuần gần đây, nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè tỉnh Tiền Giang phấn khởi do giá cá liên tục tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường mạnh. Hiện nay, giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 39.000 - 40.000 đồng/kg cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.
Nông dân nuôi cá lãi lớn
Những ngày này, làng bè nuôi cá điêu hồng thuộc xã Thới Sơn, phường Tân Long (Tp Mỹ Tho) và xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) nhộn nhịp hẳn lên do giá cá điêu hồng tăng lên.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, nông dân xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho cho biết, mấy ngày nay thương lái vào tận các làng bè thu mua cá cung cấp cho thị trường, cá điêu hồng loại 500 - 700 gram/con giá 39.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước.
"Tuần trước, tôi thu hoạch được 2 bè nuôi cá điêu hồng chỉ được 7 tấn cá do hao hụt nhiều. Lúc đó, cá điêu hồng có giá 37.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi còn lời gần 30 triệu đồng", ông Phúc nói.
Do giá cá điêu hồng đang trên đà tăng nhưng các chủ bè khu vực này tiếp tục neo cá lại để chờ giá cá cao hơn. Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân phường Tân Long, Tp Mỹ Tho cho biết, mấy ngày nay lái cá điêu hồng trả giá 40.000 đồng/kg cho bè cá của gia đình tới lứa thu hoạch mà ông chưa muốn bán.
Ông Phan Thế Nhân, nông dân có 5 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho cho biết, giá cá điêu hồng liên tục tăng trong thời gian gần đây là do sản lượng cá điêu hồng tới lứa thu hoạch đã giảm mạnh.
Hiện nay chỉ còn một số ít bè có cá lớn và lượng bè thả cá cũng ít so với năm ngoái, do nông dân nuôi cá bè lo sợ giá cá không ổn định. Bên cạnh đó, do gần đây các đại lý không còn cho nông dân làng bè nợ tiền thức ăn cá như các năm trước, nên khả năng đầu tư của nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè cũng hạn chế.
Theo nhiều nông dân, năng suất bình quân nuôi cá điêu hồng làng bè đạt khoảng 5 tấn/ha, với giá cá hiện nay, người nuôi cá điêu hồng có thể lãi 30-35 triệu đồng/bè (tùy theo chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi). Thông thường, mỗi nông dân có từ 3-5 bè thì lợi nhuận đem lại từ nuôi cá điêu hồng trên bè sau 6-7 tháng nuôi đạt trên 100 triệu đồng.
Chất lượng thức ăn giảm, dịch bệnh tăng
Dù vậy, nông dân nuôi cá hiện nay cũng không khỏi bâng khuâng do chất lượng thức ăn nuôi cá giảm, dịch bệnh tăng khiến giá thành sản xuất "đội lên".
Theo ông Phan Thế Nhân, thời gian gần đây chất lượng thức ăn nuôi cá điêu hồng ngày càng giảm khiến hệ số thức ăn nuôi cá ngày càng cao. Cụ thể, nếu như mấy năm trước, hệ số thức ăn nuôi cá điêu hồng trên bè chỉ dao động ở mức 1,7-1,8 (cần 1,7-1,8 kg thức ăn tạo ra 1 kg cá) thì hiện nay hệ số thức ăn đã tăng lên tới hơn 2,1 (cần 2,1 kg thức ăn tạo ra 1 kg cá).
Bên cạnh đó, mấy tháng nay dịch bệnh trên cá điêu hồng bùng phát mạnh, hao hụt cá giống trong quá trình nuôi cao. Điều này góp phần đưa chi phí nuôi cá điêu hồng trên bè lên ở mức 32.000-33.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, nhiều nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè Tp Mỹ Tho đề nghị ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nuôi cá bè trong việc quan trắc mầm bệnh, bên cạnh công tác quan trắc môi trường đã thực hiện từ trước tới nay đối với vùng nuôi cá bè, để hỗ trợ cho nông dân trong việc điều trị bệnh cá nhằm giúp làng bè phát triển bền vững hơn.
Do đó, để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững hơn, các địa phương nuôi cá bè trong khu vực cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng nuôi bè giữa các tỉnh và thị trường Tp Hồ Chí Minh. Đồng thời, các địa phương cũng cần quy hoạch lại tổng thể và gắn quy hoạch vùng nuôi với nhu cầu thị trường; quan trắc dịch bệnh kết hợp với quan trắc môi trường vùng nuôi cá bè tập trung.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay toàn tỉnh có 1.024 bè đang thả nuôi chủ yếu cá điêu hồng trong tổng số 1.327 bè cá đang neo đậu (chiếm 77%; trong đó, Tp Mỹ Tho có 934 bè, Cai Lậy 275 bè, Cái Bè 111 bè và Châu Thành 7 bè. Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân đã thả nuôi mới 830 bè với 17 triệu con cá giống và thu hoạch 834 bè với sản lượng 4.848 tấn cá).
Có thể bạn quan tâm
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.
Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.
Được sự giới thiệu của anh Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phủ Hà tìm gặp ông Lê Tấn Báu, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của thành phố.
Liên quan đến thông tin liệu có dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Vẫn tiếp tục chương trình này, vì qua thực tiễn thí điểm, kết quả đạt được tương đối tốt và có nhiều ý kiến đề xuất đưa ra thực hiện đại trà.
Sáng sớm ngày 13-3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lương 51 tuổi tất bật vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng sấy. Anh Lương là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu bảo đảm cuộc sống no ấm từ đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh vận động gia đình thi đua sản xuất giỏi tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.