Nông Dân Đổ Xô Trồng Sưa Đỏ
Từ khi cao su xuống giá, nhiều nông dân đã tìm cây trồng thay thế. Nhiều hộ bắt đầu trồng những cây có hướng kinh tế cao hơn, trong đó nổi lên là cây sưa đỏ. Những lời đồn thổi về giá trị của cây sưa đỏ trưởng thành đã khiến không ít nông dân ồ ạt chạy theo.
Nguồn cung dư dả
Dọc hai bên đường từ thị xã Đồng Xoài đến UBND huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) xuất hiện nhiều cửa hàng bán giống cây sưa đỏ, nhiều nhất là đoạn từ thị xã Phước Long vào xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập).
Quan sát tại cửa hàng bán cây giống của anh Thanh ở xã Đắk Ơ, chúng tôi thấy chỉ bán 3 loại giống là cà phê, muồng đen và sưa đỏ, trong đó chiếm hơn 80% là sưa đỏ. Anh Thanh cho biết: “Không hiểu sao năm nay người mua sưa đỏ nhiều thế. Cứ 3 ngày tôi đi Đắk Lắk lấy về 1.000 cây giống mà vẫn không đủ bán”.
Năm nay, giá mỗi cây dao động 10-15 ngàn đồng, cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng. Anh Thanh quảng cáo: “Cây trồng 7 năm thì bán 21 triệu đồng/cây, trồng 10 năm thì bán 35 triệu đồng/cây. Cây được xuất khẩu sang châu Âu để làm thuốc chữa bệnh”. Khi được hỏi ai thu mua khi cây đủ tuổi thì anh trả lời: “Tôi cũng không rành”.
Không chỉ vựa cây giống tăng đáng kể mà những người bán dạo cũng xuất hiện nhiều. Anh Nguyễn Văn Thể bán dạo cây giống tại huyện Bù Gia Mập cho biết: “Nhóm của tôi có 5 người, chia nhau chạy từ huyện này sang huyện khác bán. Tôi bán cây giống được hơn hai năm.
Năm nay, người dân chuộng mua giống cây sưa đỏ. Ngày nào cũng bán được khoảng 200 cây. Giống cây của nhóm anh do một thương lái ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) giao”.
Phập phồng may rủi
Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Hiệp ở xã Đắk Ơ thì được biết: Ông trồng xen canh 1.700 cây sưa đỏ trên vườn điều rộng 2,7 ha đã hơn 5 năm. Vì trồng xen nên cây sưa đỏ phát triển chậm, cây nào lớn nhất chỉ có chu vi 10cm. Năm nay, thấy vườn bên cạnh trồng nhiều cây sưa đỏ, ông Hiệp nóng ruột nên thanh lý vườn điều để cây sưa phát triển.
Điều đáng nói, vụ điều vừa qua, gia đình ông thu gần 4 tấn, trị giá hơn trăm triệu đồng. Đầu tư cho vườn sưa, một năm ông Hiệp chi khoảng 20 triệu đồng phân bón. Ông Hiệp chia sẻ: “Tôi đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Sau này bán được hay không tính sau”.
Nghe nói có những khúc cây sưa bán được tiền tỷ nên ông Hiệp càng hy vọng. Nhưng ông lại rất mơ hồ về loại cây này, chỉ nghe nói phải trồng hơn 20 năm mới bán được và cây dùng để làm đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng...
Cách nhà ông Hiệp hơn 10km, ông Nguyễn Thọ đang xuống giống 1.200 cây sưa đỏ. Được biết, ông Thọ mới cưa 22 ha cao su để trồng cây này. Ông Thọ cũng chỉ nghe nói cây sưa bán được giá nên đã đầu tư.
Trước việc nông dân trồng ồ ạt cây sưa đỏ, ông Nguyễn Minh Chiến, quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp khuyến cáo: “Người dân không nên chọn sưa đỏ làm cây trồng chính mà chỉ trồng làm cảnh, xen canh hoặc giáp ranh vì chưa có đơn vị nào đánh giá được giá trị thực của loại cây này”.
Ông Doãn Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Giá trị của gỗ cây sưa đỏ phụ thuộc vào giống và đất. Hiện có nhiều nhà cung cấp giống cây sưa đỏ nên người trồng cần lựa chọn nơi bán uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, giống cây chất lượng, cho giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19-12-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo lần II để đánh giá đúng thực trạng và định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn trong thời gian tới. Ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì.
Cùng với 121 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, Quảng Ngãi còn có hệ thống sông suối dày đặc, rộng khắp nhưng hiệu suất sử dụng số diện tích mặt nước trên để nuôi trồng thủy sản nước ngọt hiện còn quá thấp…
Thực tế cho thấy, trong đợt rét đậm, rét hại của những năm trước, một số hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống rét hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những hộ do chủ quan đã bị thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, chống rét cho thuỷ sản cần được cơ quan chuyên môn và người dân quan tâm.
Sở KH-CN Quảng Nam vừa phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng chà - rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam”. Dự kiến sẽ triển khai mô hình tại đông bắc đảo Hòn Dứa (vùng biển Bàn Than, Núi Thành) nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi ven bờ.
Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội tàu cá với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia cùng vươn khơi bám biển.