Nông Dân Để Ớt Khô Trên Cây Vì Giá Thấp
Đối lập với màu đỏ tươi của ớt được mùa là không khí không mấy vui vẻ của nông dân huyện Kbang (Gia Lai), bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp lại trên vùng đất này.
bang là một trong những huyện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh và đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như xã Đông, Nghĩa An, Kông Pla. Cây ớt được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ cây ớt, nuôi con ăn học, tạo cửa xây nhà cũng nhờ cây ớt.
Vụ ớt năm nay nông dân Kbang được mùa, bội thu, khắp hai bên đường đi vào huyện, đâu đâu cũng thấy nhiều hộ nông dân phơi ớt đỏ rực. Nhưng đối lập với màu đỏ vui tươi của ớt được mùa, là không khí không mấy vui của nông dân Kbang, bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay.
Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch đại trà, trên những cánh đồng ớt ở huyện Kbang chín đỏ rực, tuy nhiên người nông dân vẫn không mặn mà với công việc thu hoạch bởi giá quá thấp, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng không đủ tiền trả công hái chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống.
So với những thời điểm khác, ớt có giá cao, bán ra từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg. Nhưng năm nay giá ớt xuống thấp, chỉ còn 6 ngàn đến 9 ngàn đồng/kg nên người trồng ớt đang khóc dở, mếu dở. Nhiều hộ nông dân méo mặt vì ớt không có đầu ra, chứ đừng nói đến giá giảm.
Ngồi nhìn ruộng ớt chín đỏ rực không buồn hái, ông Nguyễn Văn Tuất, ở thôn 5, xã Đông, huyện Kbang thở dài: “Năm ngoái thấy được giá, năm ni tui đầu tư trồng ớt hết, vậy mà giá rớt thảm quá. Ớt chín rộ thì phải thu hoạch nhưng giá bán không bù được tiền thuê công hái, nhiều lúc đành để ớt khô trên cây, hái về bán giá ớt khô luôn mà vẫn lỗ”.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Tuất, mà nhiều hộ gia đình trồng ớt ở huyện Kbang cũng đành ngậm ngùi trước thực trạng được mùa rớt giá. Mặc dù, giá ớt hiện tại trên thị trường khá thấp nhưng nếu không thu hoạch sớm thì sẽ chín rũ và hư hỏng hết, thôi đành “lấy công làm lãi” hy vọng vớt vát được chút ít vốn liếng bỏ ra.
Hai vợ chồng bà Trần Thị Chính, ở làng Kơ Xum, xã Kông Pla than phiền: “Vụ năm ni, gia đình tui trồng hơn 1 sào ớt, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên rất sai quả nhưng chưa kịp mừng thì giá ớt rớt nhanh quá. Đầu mùa, thu hoạch bói, giá bán cũng được 15 ngàn đồng/kg, thế nhưng khi vào vụ thu rộ thì ớt giảm mạnh chỉ còn 7 đến 9 ngàn đồng/kg, nghĩ mà nản, tiền công thu hoạch còn chưa bù nổi”.
Tương tự, ông Cao Xuân Hồng trú tại xã Đông (huyện Kbang) ngồi nhìn vườn ớt chín đỏ đang lụi dần, rầu rĩ nói: “Năm nay nhà tôi thu hoạch được 4 tấn ớt, nhưng chờ đỏ cả mắt cũng không thấy bóng dáng thương lái đâu. Tôi đang phải nuôi con học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, không biết lấy đâu ra tiền mà gửi cho chúng.
Giá phân, thuốc đắt đỏ, ớt bán thì không ai mua. Giờ nhìn 3 sào ớt mà xót quá, trong khi tiền phân thuốc vẫn còn nợ. Tôi không đủ can đảm để làm lại mùa sau. Giờ chỉ mong có người mua hết số ớt này là mừng lắm rồi”.
Không riêng gì huyện Kbang, người trồng ớt ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh như các huyện Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê cũng đang rơi vào tình cảnh điêu đứng vì ớt không có đầu ra.
Có thể bạn quan tâm
Dù hiện nay giá cá đang tăng trở lại, doanh nghiệp chế biến thu mua với giá cao nhưng những người nuôi như chúng tôi thật sự vẫn không muốn thả nuôi bởi nhiều lý do như giá thức ăn tăng cao, việc thu hồi vốn chậm khi bán cá cho doanh nghiệp
Khi đang trên đường trở về sau chuyến đi biển dài ngày, gia đình anh Nguyễn Văn Diện ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã bắt được một con Sư tử biển nằm phơi nắng trên một mỏm đá tại vùng biển Mũi Độc - Hà Tĩnh
Năm nay nông dân trồng khoai lang ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) rơi vào cảnh lao đao như năm 2008, vì hiện nay giá khoai lang tụt xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã xuống giống dứt điểm lúa Hè - Thu với diện tích 22.799 ha, đạt 100% so kế hoạch, giống lúa chủ lực là OM 6976, OM 6976-14, OM 9605 và một số giống lúa thơm nhẹ; lịch xuống giống giữa các địa phương khác nhau nên trên đồng ruộng hiện nay lúa ở nhiều giai đoạn từ mạ đến làm đòng - trổ, theo đó đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển và gây hại.
Xà lách xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Nó cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iodine, sắt, calcium, magnesium, kẽm