Nông Dân Để Ớt Khô Trên Cây Vì Giá Thấp
Đối lập với màu đỏ tươi của ớt được mùa là không khí không mấy vui vẻ của nông dân huyện Kbang (Gia Lai), bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp lại trên vùng đất này.
bang là một trong những huyện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh và đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như xã Đông, Nghĩa An, Kông Pla. Cây ớt được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ cây ớt, nuôi con ăn học, tạo cửa xây nhà cũng nhờ cây ớt.
Vụ ớt năm nay nông dân Kbang được mùa, bội thu, khắp hai bên đường đi vào huyện, đâu đâu cũng thấy nhiều hộ nông dân phơi ớt đỏ rực. Nhưng đối lập với màu đỏ vui tươi của ớt được mùa, là không khí không mấy vui của nông dân Kbang, bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay.
Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch đại trà, trên những cánh đồng ớt ở huyện Kbang chín đỏ rực, tuy nhiên người nông dân vẫn không mặn mà với công việc thu hoạch bởi giá quá thấp, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng không đủ tiền trả công hái chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống.
So với những thời điểm khác, ớt có giá cao, bán ra từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg. Nhưng năm nay giá ớt xuống thấp, chỉ còn 6 ngàn đến 9 ngàn đồng/kg nên người trồng ớt đang khóc dở, mếu dở. Nhiều hộ nông dân méo mặt vì ớt không có đầu ra, chứ đừng nói đến giá giảm.
Ngồi nhìn ruộng ớt chín đỏ rực không buồn hái, ông Nguyễn Văn Tuất, ở thôn 5, xã Đông, huyện Kbang thở dài: “Năm ngoái thấy được giá, năm ni tui đầu tư trồng ớt hết, vậy mà giá rớt thảm quá. Ớt chín rộ thì phải thu hoạch nhưng giá bán không bù được tiền thuê công hái, nhiều lúc đành để ớt khô trên cây, hái về bán giá ớt khô luôn mà vẫn lỗ”.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Tuất, mà nhiều hộ gia đình trồng ớt ở huyện Kbang cũng đành ngậm ngùi trước thực trạng được mùa rớt giá. Mặc dù, giá ớt hiện tại trên thị trường khá thấp nhưng nếu không thu hoạch sớm thì sẽ chín rũ và hư hỏng hết, thôi đành “lấy công làm lãi” hy vọng vớt vát được chút ít vốn liếng bỏ ra.
Hai vợ chồng bà Trần Thị Chính, ở làng Kơ Xum, xã Kông Pla than phiền: “Vụ năm ni, gia đình tui trồng hơn 1 sào ớt, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên rất sai quả nhưng chưa kịp mừng thì giá ớt rớt nhanh quá. Đầu mùa, thu hoạch bói, giá bán cũng được 15 ngàn đồng/kg, thế nhưng khi vào vụ thu rộ thì ớt giảm mạnh chỉ còn 7 đến 9 ngàn đồng/kg, nghĩ mà nản, tiền công thu hoạch còn chưa bù nổi”.
Tương tự, ông Cao Xuân Hồng trú tại xã Đông (huyện Kbang) ngồi nhìn vườn ớt chín đỏ đang lụi dần, rầu rĩ nói: “Năm nay nhà tôi thu hoạch được 4 tấn ớt, nhưng chờ đỏ cả mắt cũng không thấy bóng dáng thương lái đâu. Tôi đang phải nuôi con học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, không biết lấy đâu ra tiền mà gửi cho chúng.
Giá phân, thuốc đắt đỏ, ớt bán thì không ai mua. Giờ nhìn 3 sào ớt mà xót quá, trong khi tiền phân thuốc vẫn còn nợ. Tôi không đủ can đảm để làm lại mùa sau. Giờ chỉ mong có người mua hết số ớt này là mừng lắm rồi”.
Không riêng gì huyện Kbang, người trồng ớt ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh như các huyện Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê cũng đang rơi vào tình cảnh điêu đứng vì ớt không có đầu ra.
Related news
Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau), nhất là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Có những lúc cây chuối được xem là cây giảm nghèo cho người dân xứ rừng. Vậy mà thời gian gần đây, giá chuối liên tục giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho bà con.
Năm 2011, sau khi xem chương trình khuyến nông trên truyền hình chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc thanh long, anh Ghế rất tâm đắc. Anh cải tạo diện tích đất bỏ trống sau nhà, đổ trụ bê-tông và nhờ người quen tìm mua hom thanh long giống. Lúc đầu anh trồng thử 15 trụ thanh long. Nhờ chăm sóc tốt, sau 1 năm trồng, 15 trụ thanh long đã cho trái.
Từ nhiều năm nay, dâu tây là một trong những loại đặc sản gắn liền với thương hiệu Đà Lạt. “Vườn dâu nhà” của cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt, hiện cho doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng, là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
Vừa qua, Cơ sở thu mua, xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (gọi tắt là Hương Miền Tây) địa chỉ số 12, ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre đã chính thức tổ chức mua bưởi da xanh theo hình thức bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, chủ yếu là của các thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, do Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh quản lý.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng nhóm nông dân hợp tác xuất khẩu trái cây xã Tiên Long, huyện Châu Thành cho biết: Tổ hợp tác xuất khẩu trái cây xã Tiên Long sẽ kết hợp với nhà vườn địa phương tiếp tục sản xuất trái cây “sạch” để cung ứng cho thị trường ngoài nước, tạo cơ hội đầu ra cho trái cây Việt Nam.