Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Chở Dưa Hấu Đi… Bán Dạo

Nông Dân Chở Dưa Hấu Đi… Bán Dạo
Ngày đăng: 04/04/2014

Nhận thấy cây dưa hấu mang lại lợi nhuận cao với mức lãi ròng đạt gần 100 triệu đồng/ha chỉ sau hơn 3 tháng canh tác, thời gian qua trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) nhiều người dân đã đổ xô trồng dưa hấu.

Nếu như trước đây, diện tích dưa hấu trên toàn huyện chỉ có khoảng 60 ha/năm thì vụ đông xuân 2013 - 2014 diện tích loại cây trồng này tăng lên hơn 116 ha. Diện tích tăng đột biến, năng suất đạt ở mức cao do được đầu tư thâm canh đúng mức dẫn đến “cung vượt cầu”, làm cho giá dưa hấu giảm mạnh và chỉ còn từ 700-1.200 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Đã bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ, nhưng người dân trồng dưa hấu ở cánh đồng thôn 2, xã Ea Trul chỉ có thể ngồi trông dưa vì không có thương lái đến thu mua. Vợ chồng anh Y’Gum Bdap ở buôn Khít, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) là một trong hàng trăm hộ dân trồng dưa hấu đang lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì dưa hấu được mùa, rớt giá, thậm chí đợi mãi mà không có người đến mua.

Để có được 1ha dưa hấu, anh phải dồn hết vốn liếng, đi vay mượn thêm, từ huyện Cư Kuin đến huyện Krông Bông thuê đất đầu tư trồng dưa hấu.

Gần đến mùa thu hoạch, nhìn ruộng dưa phát triển đều, quả to có trọng lượng từ 4-7kg/quả, tưởng chừng vụ dưa này gia đình anh cũng thu được chút lãi để có thêm điều kiện chăm sóc đàn con nhỏ nheo nhóc ở nhà. Trải qua 3 tháng trời đầu tư chăm sóc, chi phí hết 40 triệu đồng, đến thời điểm thu hoạch lại chẳng có thương lái nào đến hỏi mua.

Hết tiền ăn, nhưng anh phải cố đi vay mượn thêm để có tiền mua dầu, tưới cầm chừng, chờ người đến mua dưa. Đã qua 18 ngày đếm quả (dưa chín), mà đợi mãi không thấy thương lái ghé đến, hai vợ chồng anh cứ quanh quẩn bên vườn dưa chín đỏ sắp thối hỏng. Trong khi đó gia đình anh lại không có xe cày, không biết làm sao để bán dưa thu vốn.

Không chỉ riêng anh Y’Gum, hàng trăm người dân trồng dưa hấu ở huyện Krông Bông cũng đang lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở” vì cây dưa hấu. Với giá như hiện nay, nếu bán tại ruộng thì bị lỗ từ 30-40 triệu đồng/ha; nếu bỏ công đi bán lẻ thì cũng chỉ “vớt vát” được một ít tiền vốn.

Không có thương lái đến thu mua, những quả dưa hấu dù đã chín mọng nhưng phải nằm yên tại ruộng. Thời tiết thuận lợi, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha; được mùa nhưng người nông dân cũng chẳng vui nổi vì đến mùa thu hoạch lại phải thuê xe cày chở đi bán dạo với mức giá “rẻ như bèo”.

Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết: “Vụ đông xuân 2013 – 2014, toàn huyện Krông Bông xuống giống được 116 ha hưa hấu, trong đó phần lớn là người dân ở huyện Cư Kuin và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam lên thuê đất để trồng.

Đầu vụ thu hoạch dưa, một số hộ dân thu hoạch sớm bán được từ 4.000-5.000 đồng/kg. Nhưng đến thời điểm này, đã bước vào vụ chính, dưa ngập tràn trên trên các mặt ruộng, nhưng vẫn không có thương lái vào mua; nhiều hộ dù đã thu hoạch chất đống để chờ thương lái, nhưng thương lái không trở lại khiến người dân phải “bán đổ bán tháo”…”.

Điệp khúc “được mùa, rớt giá” đã xảy ra rất nhiều lần nhưng vẫn không cảnh báo được kiểu sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu tính định hướng và quy hoạch của các ngành chức năng. Cuối cùng hậu quả thiệt hại kinh tế chính người nông dân lại phải gánh chịu.


Có thể bạn quan tâm

Cà Mau Thu Hoạch Cá Bổi Cà Mau Thu Hoạch Cá Bổi

Năm 2014, huyện Trần Văn Thời có gần 200 ha ao, đầm nuôi cá bổi, ước tổng sản lượng hơn 4.000 tấn. Mặc dù thời gian gần đây diện tích nuôi cá bổi thương phẩm ở huyện Trần Văn Thời ngày một tăng lên, nhưng do năm nay giá cá bổi giảm mạnh nên người dân có lãi rất thấp.

06/02/2015
Bà Rịa Vũng Tàu Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra Bà Rịa Vũng Tàu Đánh Bắt Ghẹ, Ốc Hương Bằng Rập Đang Ăn Nên Làm Ra

Theo ngư dân Nguyễn Văn Út, ở phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu), nghề rập ghẹ, ốc đã có ở đất Vũng Tàu từ những năm 90 của thế kỷ trước, là nghề truyền thống của những ngư dân gốc Bình Định, Quảng Ngãi di cư vào Nam. Ở BR-VT, ngư dân hành nghề rập ghẹ, ốc tập trung chủ yếu ở khu vực Xóm Lưới (TP. Vũng Tàu), thị rấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Trước đây chỉ có vài chục chiếc, nay đã phát triển mạnh với hàng trăm chiếc tàu, ghe đánh bắt ghẹ, ốc bằng rập.

06/02/2015
Triển Vọng Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Triển Vọng Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh

Vụ ấy, sau khi trừ chi phí ông Toàn còn lãi hơn 20 triệu đồng. Thành công bước đầu ấy là tiền đề để ông mạnh dạn thả tôm càng xanh vào những vụ tiếp theo với diện tích và số con giống gấp đôi. Như vụ 2014, ông thả 6.000 tôm càng xanh giống trên đồng lúa 2ha vừa lời gần 40 triệu đồng.

06/02/2015
GAA Triển Khai Chương Trình Hỗ Trợ Nuôi Trồng Thủy Sản Có Trách Nhiệm GAA Triển Khai Chương Trình Hỗ Trợ Nuôi Trồng Thủy Sản Có Trách Nhiệm

Khoảng 5% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu được chứng nhận bởi bên thứ 3. Mục tiêu của GAA là thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm toàn cầu. iBAP sẽ giúp đưa ra các sáng kiến cho các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản cải thiện và đạt chứng nhận.

06/02/2015
Khấm Khá Nhờ Cá Chép Đỏ Khấm Khá Nhờ Cá Chép Đỏ

Từ nhiều năm nay Thủy Trầm có tới hơn 90% số hộ nuôi, gột cá chép đỏ chuyên phục vụ cho việc cúng lễ. Thực ra, cách nay khoảng 30 - 40 năm, nghề nuôi thả cá chép đã hình thành và phát triển tại Thủy Trầm, nhưng số lượng các hộ dân tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, chứ chưa phát triển rầm rộ như bây giờ.

06/02/2015