Thái Bình Trồng Thanh Long Ruột Tím Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Mô hình trồng thanh long ruột tím mang lại hiệu quả hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nhiều nông dân xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.
Ðiển hình như gia đình anh Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên đã xây dựng thành công mô hình trồng thanh long ruột tím đem lại hiệu quả kinh tế cao, gấp nhiều lần so với cấy lúa, mở ra hướng đi mới cho nhiều người nông dân trong xã. Hiện nay, mô hình trồng thanh long ruột tím của gia đình anh Mạnh đã và đang được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mua giống để đưa vào trồng rộng rãi.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Duyên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột tím cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Trịnh Tiến Mạnh. Ðang nhanh tay chăm bón, cắt tỉa cho những cây thanh long sau vụ thu hoạch, anh Mạnh hồ hởi cho biết: Trước đây kinh tế gia đình anh cũng khó khăn như bao người nông dân khác.
Thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào cây lúa, củ khoai nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì” để thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương cứ mãi theo đuổi anh trong suy nghĩ.
Năm 2004, khi UBND xã Thụy Duyên phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3 ha vốn là diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng.
Khi bắt tay vào chăn nuôi gia súc, gia cầm do giá cả sản phẩm xuống thấp, giá thành thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Nhận thấy chăn nuôi hiện nay đang khó khăn nên anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu về những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Như cơ duyên đã định trước, trong một lần tình cờ xem tivi thấy thanh long ruột tím là loại cây có nhiều ưu điểm như: dễ trồng, ít sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, quả to và ngọt gấp nhiều lần so với thanh long ruột trắng; quan trọng hơn cả là chưa được triển khai trồng rộng rãi…
Nghĩ là làm, anh quyết định dành cả tháng trời vào tỉnh Bình Thuận tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long của các nhà vườn tại đây. Ðầu năm 2011, trở về quê với số vốn ít ỏi tích cóp được trong tay, anh nhờ bạn bè đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đưa giống cây thanh long ruột tím về trồng.
Với phương châm vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên ban đầu anh trồng thử nghiệm hơn 600 trụ thanh long ruột tím trên diện tích gần 8 sào đất chuyển đổi. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên hơn 1 năm sau cây đã ra quả, tổng thu hơn 6 tấn quả, cộng với giá bán cao nên gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng. Qua chăm bón nhận thấy đây là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao nên cuối năm 2012, gia đình anh tiếp tục trồng thêm hơn 200 trụ thanh long ruột tím.
Hiện nay, vườn thanh long của gia đình anh đang trong thời gian cho thu quả rộ, bình quân mỗi trụ cho thu hoạch từ 40 - 50kg quả/năm. Với giá bán tại vườn hiện nay từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm vườn thanh long của gia đình anh cho thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.
Diện tích đất còn lại anh trồng các loại cây ăn quả khác, đào ao, thả các loại cá giống truyền thống, mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 4 tấn cá giống các loại. Trong thời gian tới, anh trồng thêm 300 trụ thanh long ruột tím để tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương lúc nông nhàn.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thành long ruột tím để cho bà con nông dân học tập, anh Mạnh không ngần ngại chia sẻ: Thanh Long ruột tím là cây thuộc họ xương rồng, dễ trồng, dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng thanh long ruột tím bà con nông dân nên chọn những nơi khô ráo, thoát nước tốt, không bị ngập úng. Thanh long ruột tím có thể trồng được quanh năm nhưng thời vụ trồng tốt nhất là vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10.
Khi chọn giống nên lựa chọn những phần thân cành từ cây mẹ, đến độ bánh tẻ thì tiến hành cắt dài khoảng 20cm làm hom giống; cành cắt xuống để nơi râm mát, đặt phần rễ hướng xuống đất, phần ngọn hướng lên trên, tránh để ngược, có thể phun phân bón qua lá để hom giống nhanh ra rễ. Thanh Long ruột tím trồng leo bám bằng cột trụ bê tông, khoảng cách đặt trụ hàng cách hàng là 2,2m và trụ cách trụ là 2,2m.
Khi trồng nên chú ý trồng 4 hom giống tại 4 cạnh của trụ bê tông, dùng dây buộc cố định hom giống với trụ bê tông để cây bám chắc chắn vào thân trụ. Nếu trong điều kiện chăm sóc tốt, từ năm thứ 4 trở đi cây có thể đạt năng suất 60 - 70 kg/trụ...
Ðánh giá về hiệu quả kinh tế mô hình thanh long ruột tím của gia đình anh Mạnh, ông Bùi Văn Sa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Duyên cho hay: Thanh long ruột tím là mô hình mới được triển khai trồng trên địa bàn xã, tuy nhiên bước đầu đã khẳng định được giá trị và cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng thanh long ruột tím mang lại hiệu quả hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Hiện nay, toàn xã đã có 5 gia đình trồng thanh long ruột tím với khoảng hơn 4.000 trụ. Hàng năm, Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức các buổi tham quan những mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao để các hội viên học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích, tuyên truyền về hiệu quả của cây thanh long ruột tím để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù vào cuối vụ ớt năm trước, nhiều hộ trồng ớt ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) phải bỏ ớt chín ngoài ruộng vì giá giảm thê thảm, chỉ còn 2.000đ/kg.
Năm 2014, xuất khẩu cá ngừ đại dương tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản..., với mục tiêu đạt khoảng 560 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, ngư dân cần tuân thủ quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương một cách nghiêm ngặt theo công nghệ mới của Nhật Bản.
50 người nuôi tôm và các khuyến ngư viên cơ sở thuộc các trạm khuyến ngư – khuyến nông ở các huyện, thị, thành phố trên toàn địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hoạt động do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm khuyến ngư – khuyến nông tỉnh tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/10.
Sau khi hoàn thành khâu thu hoạch nuôi thủy sản nước lợ chính vụ, bà con ngư dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Phước và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành thả nuôi 210 ha cua trái vụ.
Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên người dân ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Tuy nuôi cá đang mang lại hiệu quả cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng.