Nông Dân Bình Lư Lao Đao Vì Ngô Không Hạt
Đối với người nông dân vất vả “một nắng hai sương” thì không có niềm vui nào hơn là niềm vui được mùa. Tuy nhiên, thay vì niềm vui bội thu như các vụ trước thì vụ thu đông này, nông dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường - Lai Châu) đang phải lao đao bởi cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường, thậm chí xanh tốt, song đến kỳ thu hoạch lại không có hạt.
Vào thời điểm này của năm 2012, trên những ruộng ngô của xã Bình Lư, người nông dân đang tấp nập, rộn rã thu hoạch ngô vụ thu đông. Thế nhưng, năm nay, cùng trên diện tích ngô ở các chân ruộng này thật vắng vẻ, thậm chí nhiều nơi người nông dân không còn muốn ra ruộng ngô, để mặc cho trâu bò vào phá hoặc chặt bỏ cây ngô đang rất xanh tốt để làm thức ăn cho gia súc.
Sau gần 3 tháng trồng giống ngô CP 999 trên diện tích 3.800m2 đất ruộng của gia đình, ông Vũ Trọng Vĩnh ở bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư “tá hoả” khi phát hiện gần như toàn bộ diện tích ngô của gia đình mình lên rất xanh tốt nhưng bên trong lõi ngô trắng nõn, không đậu hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt. Ông Vĩnh cho biết: “Năm nay, do điều kiện thời tiết có nắng nóng hơn so với năm trước nên gia đình tôi cũng đã đầu tư công chăm sóc hơn, toàn bộ diện tích ngô của gia đình đều được dẫn nước vào thường xuyên, đến nay tuy cây ngô vẫn xanh tốt nhưng không hiểu vì lý do gì lại không có hạt. Những tưởng vụ này sẽ bội thu song niềm vui được mùa thì chưa thấy đâu, chỉ thấy trước mắt là hàng triệu đồng tiền đầu tư phân bón và giống của gia đình giờ coi như mất, ngô thế này dân chúng tôi chỉ còn biết “đứng mà khóc”. Vụ này coi như mất trắng thật rồi, biết lấy gì mà chăn nuôi bây giờ.”
Được biết,vụ ngô năm nay, xã Bình Lư thực hiện gieo trồng 179,1ha, trong đó ngô vụ thu đông là 127,4ha, ngô vụ đông là 51,7ha với cơ cấu giống chủ yếu vẫn là CP999, CP333, MX4, MX6 và một số giống địa phương khác. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: xã Bình Lư trong tổng số 127,4ha ngô vụ thu đông thì có đến 53,3 ha ngô bị khô hạn nặng, trong đó giống bị ảnh hưởng nặng nhất là CP999 với 28,8ha, CP 333 là 24,5ha. Riêng đối với giống CP 999 còn lại 19,4ha tuy cây ngô vẫn lên xanh tốt nhưng phần lớn rơi vào tình trạng không hạt hoặc có rất ít hạt. Diện tích ngô mất trắng tập trung lớn nhất ở các bản: Vân Bình, Nà Phát, KM2, Tòng Pẳn, Thống Nhất... Tại bản Thống Nhất và Tòng Pẳn, toàn bộ diện tích ngô trà muộn đang trong giai đoạn đóng bắp, thân cây xanh tốt, ra bắp to song lõi trắng nõn, không đậu hạt, hoặc có song số lượng hạt không đáng kể. Còn tại bản Nà Phát, toàn bộ diện tích ngô đang trong thời kỳ cho thu hoạch, lá héo queo, thân khô xơ xác, 1 cây có đến 3 thậm chí 4 bắp khác thường, song toàn bộ đều không có hạt, hoặc có cũng chỉ vài ba hạt lép. Người dân cho biết hiện tượng này chỉ thấy năm nay mới có và chỉ còn biết “bỏ ngỏ” hoặc bẻ về cho cá, thậm chí không chặt bỏ, mặc trâu bò “thu hoạch giúp”.
Chị Lê Thị Chạt ở bản Hoa Vân, xã Bình Lư đang chặt bỏ diện tích ngô rất xanh tốt về làm thức ăn cho cá thở dài ngao ngán: “Vụ trước trên 1ha đất này tôi thu được hơn 4 tấn hạt thì vụ này không thu nổi ¼. Chẳng biết do thời tiết hay do giống nhưng trên 1 cây ngô lại ra những 3 thậm chí 4 bắp, nhưng bắp to, bắp nhỏ đều chẳng bắp nào có hạt, bao thứ phải chi tiêu chỉ trông chờ đến ngày ngô cho thu hoạch giờ không biết phải làm thế nào”.
Theo bà con nhân dân xã Bình Lư, từ khi xuống giống, cây ngô vẫn sinh trưởng bình thường, chỉ tới sau giai đoạn trổ cờ, phun râu mới phát hiện thấy hiện tượng kết hạt kém, hạt thưa, thậm chí không có hạt. Được biết, hiện tượng bắp kết hạt không bình thường hoặc không có hạt phần lớn do yếu tố ngoại cảnh và điều kiện canh tác và sẽ xảy ra nghiêm trọng ở giai đoạn 2 tuần trước trổ cờ đến thời gian trổ cờ phun râu. Nếu vào giai đoạn trổ cờ, phun râu mà gặp lúc nắng nóng, nhiệt độ lên trên 35 độ C và độ ẩm không khí xuống dưới 50%, thì hạt phấn có thể bị chết khô, không còn thụ phấn được nên không hình thành hạt được. Tình trạng nắng nóng kéo dài liên tiếp hơn 1 tháng qua, kèm theo vài trận gió lớn hanh khô là nguyên nhân gây ra khô hạn và cũng có thể là điều kiện trực tiếp dẫn tới mất trắng một số diện tích lớn ngô ở nhiều địa phương khác trong huyện.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Bình Lư cho biết năng suất bình quân hàng năm của ngô đạt vào khoảng từ 4 đến 4,5 tấn/ha, nhưng trước tình trạng vụ ngô thu đông năm nay theo ước tính năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha, tức là mất từ 3 đến 3,5 tấn/ha. Có thể nói đến thời điểm này, phần lớn diện tích ngô thu đông của xã Bình Lư đã gần như mất trắng bởi tình trạng không hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt. Không riêng gì xã Bình Lư mà trên thực tế ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đường cũng đang xảy ra tình trạng tương tự khiến người nông dân chỉ biết “kêu trời”.
Trước tác động khắc nghiệt của thời tiết, người nông dân rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”, chỉ còn biết đứng nhìn diện tích ngô của mình đã bỏ bao công sức mà không đem lại hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Xuân Huề - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Trước thực trạng trên, UBND xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện xuống các ruộng ngô để kiểm tra, đánh giá tình hình. Và kết quả mà Phòng NN&PTNT huyện nhận định là do thời tiết khô hạn. Song tại nhiều nơi, cả trên những ruộng được tưới tiêu nước đầy đủ thì cây ngô cũng vẫn không có hạt, trong cùng một điều kiện canh tác, điều kiện chăm sóc, có cây vẫn cho ra bắp bình thường, cây lại ra bắp nhưng không có hạt. Dù nguyên nhân là do yếu tố ngoại cảnh hay lý do gì khác khiến cây ngô không có hạt như vậy thì cũng mong các ngành chức năng xem xét, tìm ra nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên để tránh thiệt hại cho nông dân trong những vụ sau”.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân không nên phun thuốc trừ rầy khi lúa đang phơi màu do các hoạt chất trong thuốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, tạo hạt của lúa.
Hàng chục hecta cây chùm ngây sau một năm trồng đang độ thu hoạch nhưng lại bí đầu ra. Bà con nông dân ở Thanh Hóa không biết bán ở đâu, đành chấp nhận thả nổi.
Hiện đang vào mùa thu hoạch chính của các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng) như xà lách, cà chua, súp lơ, bắp cải, cải thảo, nhưng do thị trường đang tiêu thụ mạnh nên giá các loại rau tăng cao so với tháng trước.
Giá thức ăn chăn nuôi cao kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi cao, khó cạnh tranh với nước ngoài. Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội thay đổi để cạnh tranh với các đối thủ ngoại khi nước ta tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Hôm nay (09/09), giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới đều tăng trở lại. Trong phiên giao dịch đêm hôm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn 09/15 tăng 11 USD/tấn hay +0,70% lên mức 1.586 USD/tấn, các kỳ hạn khác cũng tăng từ 11 - 13 USD/tấn. Giá cà phê arabica trên sàn ICE kỳ hạn 09/15 tăng 1,85 cent/lb hay +1,60% lên mức 117,70 cent/lb, các kỳ hạn khác cũng tăng 1,80 - 1,85 cent/lb. Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tăng trở lại 200 ngàn đồng/tấn lên mức 35,0 - 35,6 triệu đồng/ tấn.