Bình Thuận Xuất Khẩu Hải Sản Ngán Rào Cản Kỹ Thuật Thương Mại
Được xem là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, sản lượng khai thác hải sản hàng năm của Bình Thuận đạt từ 160.000 - 180.000 tấn. Trong đó, nhiều loại hải đặc sản có giá trị xuất khẩu cao đã góp phần đem lại kim ngạch hàng chục triệu USD/năm cho địa phương và chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh…
Đến nay, mặt hàng hải sản xuất khẩu của Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu với một số sản phẩm đông lạnh như: Mực - cá fillet các loại, sò lông xẻ cánh bướm, bạch tuộc, cồi điệp quạt… Còn với hàng khô thì có mực khô lột da cao cấp, cá chỉ vàng, bạch tuộc khô tẩm gia vị, cá cơm khô, ruốc khô, cá đổng, cá đục tẩm gia vị…
Theo Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận, đây đều là những sản phẩm có chất lượng và uy tín của địa phương, mỗi năm có thể sản xuất phục vụ xuất khẩu khoảng 16.000 tấn (chủ yếu là hàng đông lạnh với 15.000 tấn thành phẩm các loại).
Để giúp sản phẩm lợi thế của tỉnh tham gia hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả, những năm qua địa phương và các đơn vị chức năng luôn quan tâm, hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực. Như tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu, cập nhật và cung cấp thông tin về rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn…
Kể từ năm 2006, Cục Hải quan Đồng Nai cũng mở Chi cục Hải quan tại Bình Thuận nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn thông qua loại hình khai báo điện tử trong xuất khẩu. Dù vậy, trong khi rào cản thuế quan đã thực hiện cắt giảm theo lộ trình hội nhập thì các rào cản mang tính kỹ thuật thương mại lại đang là mối quan ngại đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu địa phương.
Đại diện Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận cho biết, thời gian qua tại một số thị trường khó tính vẫn đặt ra các rào cản kỹ thuật thương mại dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn: Tiêu chuẩn HACCP về phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn đã được thị trường Hoa Kỳ, EU và hầu hết các thị trường khác đều áp dụng đối với thủy sản nhập khẩu.
Hay tiêu chuẩn Global GAP về thực hành nông nghiệp tốt (gồm cả nuôi trồng thủy sản) trong quá trình sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch được xem là “giấy thông hành” để thâm nhập vào những thị trường phát triển. Ngoài ra còn có các bộ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở thị trường nhập khẩu trọng điểm cũng quy định rất khắt khe như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng thủy sản thương mại của Mỹ, Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản…
Đã vậy hiện nay, nhiều nước phát triển còn quy định về bảo vệ môi trường và nguồi lợi nên có sử dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu, buộc các nước xuất khẩu áp dụng thông lệ này.
Có thể kể đến quy định của Ủy ban châu Âu về thiết lập hệ thống kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn cũng như xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Thêm vào đó là luật ghi nhãn xuất xứ đối với hàng thủy sản, nhằm quy định các nhà bán lẻ thực phẩm phải ghi rõ nguồn gốc (nước sản xuất)…
Những quy định này thực sự gây không ít khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp khai thác - chế biến - xuất khẩu ở Bình Thuận về giải quyết thủ tục phức tạp, kiểm soát và chứng thực để đáp ứng điều kiện của thị trường nhập khẩu.
Hơn nữa các doanh nghiệp địa phương chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa sản xuất được sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, vì vậy tham gia hoạt động xuất khẩu vẫn đang ở thế bị động, nhất là với những rào cản kỹ thuật thương mại mới.
Có thể bạn quan tâm
Actisô là cây thân thảo cao trên 1m, có tên khoa học là Cynara scolymus L., thuộc họ cúc – Asteraceae. Thân cây có lông mềm và có khía dọc.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2007, mô hình sử dụng hệ thống phun mưa đang được áp dụng trên 17 tỉnh thành trong cả nước. Mô hình này giúp bà con giảm được công chăm sóc và tăng năng suất cây trồng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện sản lượng cá tra tồn đọng trong dân còn khoảng 200.000 tấn, chiếm 17% so với 1,2 triệu tấn trong kế hoạch sản xuất năm 2012.
Bà Trần Thị Khâm (Hai Khâm), chủ nhân của một trong những cơ sở sản xuất tôm khô ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết giá tôm khô đặc sản loại 1 của địa phương này hiện khoảng 1 triệu đồng/kg, loại 2, loại 3 tương ứng khoảng 800.000 đồng và 700.000 đồng/kg, bình quân tăng 30% so năm ngoái và gấp đôi so với ba năm trước.
Đó là khoản thu nhập “chắc như bắp” của xã viên HTXNN 1 Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định). Nhờ trồng rau má, gần 4.000 nhân khẩu đã có thu nhập ổn định.