Lúa Chất Đầy Nhà
Không riêng gì nông dân ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, mà nhiều người trồng lúa trong tỉnh Bình Định đang sống trong tâm trạng lo lắng lúa chất đầy nhà mà bán không chạy.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), là một nông dân rất gắn bó với cây lúa.
Vụ đông xuân vừa rồi, nhà chị thu hoạch gần 2,3 tấn lúa trên tổng số 5 sào ruộng; năng suất bình quân đạt 450 kg/sào; là vụ được mùa cao nhất từ trước đến nay.
Chị cũng như bà con trong thôn mừng lắm vì được mùa lúa, nhưng không vui bởi giá lúa quá rẻ. Hiện nay, trên thị trường giá lúa khô hạt tròn 6.000 đ/kg và 5.800 đ/kg lúa khô hạt dài; giảm 1.200- 1.500 đ/kg so với cùng thời điểm năm ngoái, đã vậy lại bán không chạy.
Trong khi đó, chi phí sản xuất cho một sào ruộng phải từ 2,5 - 3 triệu đồng. Cho nên nông dân không biết xoay xở vào đâu để trả tiền phân bón, thuốc BVTV, tiền máy cày, máy cắt…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung lo lắng: “Tôi rất mừng được mùa lúa, nhưng đang lo vì giá lúa quá thấp không đủ chi phí sản xuất. Mong Nhà nước có cách nào hỗ trợ nông dân chúng tôi”.
Tại thôn Chánh Mẫn, đợt thu hoạch lúa vụ đông xuân vừa qua, đạt năng suất gần 9 tấn/ha; nông dân rất phấn khởi vì được mùa lúa; nhà nào nhà nấy lúa đóng bao chất đầy nhà, mà bán không chạy, vì giá lúa thấp chưa từng thấy. Nông dân làm ra hạt lúa mà không đủ chi phí đầu tư sản xuất, nên rất âu lo. Bởi ở vùng đất này, chỉ có độc canh cây lúa, tất tần tật đều trông vào hạt lúa.
Ông Nguyễn Đức Thắng- Trưởng ban Mặt trận thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, cho rằng: “Hiện nay, lúa chất đầy nhà mà đầu ra bán quá chậm, thương lái không mua. Trong khi đó, các cơ sở bán vật tư nông nghiệp thì đòi nợ, rồi tiền máy cày, máy gặt và các khoản chi trong gia đình đều trông vào hạt lúa”.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ một cơ sở xay xát gạo ở xã Cát Nhơn, sống với nghề máy gạo gần 20 năm nay, cho hay: "Năm ngoái, bình quân mỗi ngày tôi thu mua khoảng 10 tấn lúa, năm nay chỉ mua được 4 tấn/ngày. Do lúa rớt giá, nên nhà máy chúng tôi thu mua lúa của nông dân cũng rất ít, có lúc chỉ bằng ¼ số lượng so với năm ngoái, không đủ lúa để nhà máy hoạt động”.
Không riêng gì nông dân ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, mà nhiều người trồng lúa trong tỉnh Bình Định cũng sống trong tâm trạng ấy.
Có thể bạn quan tâm
Ông Philip Bacac - Tổng giám đốc Metro cho biết, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu “MetroGAP”, thời gian tới, Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.
Anh Phan Văn Mãi ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được nhiều người biết đến là một nông dân làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi tổng hợp: cá lóc, cá trê, bò, heo, vịt. Trang trại tổng hợp của anh đạt hiệu quả cao và được người dân địa phương học hỏi, áp dụng.
Những tháng đầu năm 2013, tình hình nuôi và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến không thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu hầu như luôn nằm dưới giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá lỗ nặng, phải thu hẹp sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu (XK) lại cạnh tranh nhau về giá XK cá tra phi lê dẫn đến giá cá liên tục giảm.
Thực hiện Dự án hỗ trợ, phát triển ngựa giống địa phương năm 2013 theo vốn chương trình Nghị quyết 30a, huyện Bắc Hà (Lào Cai) hỗ trợ 100 hộ dân ở 5 xã: Bản Phố, Thải Giàng Phố, Hoàng Thu Phố, Tả Văn Chư, Lùng Cải, với tổng số tiền hỗ trợ là 1 tỷ đồng đầu tư nuôi ngựa sinh sản.
Chi cục trưởng Thú y Bắc Kạn Hoàng Việt Thường cho biết, 15 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không có gia súc mắc bệnh, dịch bệnh lở mồm long móng đã được khống chế.