Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi nông dân cầm sổ đỏ con tôm ôm sổ đỏ

Khi nông dân cầm sổ đỏ con tôm ôm sổ đỏ
Ngày đăng: 26/05/2015

Gần 20 năm con tôm sú từ biển khơi lên đồng ruộng “ôm” gốc lúa (mô hình tôm - lúa) cũng là ngần ấy năm hàng vạn hộ nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL cắm sổ đỏ ở ngân hàng lấy vốn chăm bẵm loài vật nuôi nước lợ này.

Mô hình tôm - lúa mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa, đời sống người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt nhưng số hộ vay vốn ngân hàng để nuôi tôm rồi mắc nợ cũng ngày càng nhiều.

Khát vốn, cắm sổ đỏ

Các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận) là vùng quy hoạch sản xuất theo mô hình tôm - lúa chính của tỉnh Kiên Giang, với diện tích quy hoạch trên 70 ngàn ha.

Thời điểm hiện nay đang là vụ thả nuôi tôm, vuông liền vuông, nước mặn tràn đồng mênh mông như biển. Năm nay thời tiết không thuận lợi, đầu vụ nắng nóng kéo dài nên tôm kém phát triển, ít có người trúng mùa.

Tuy nhiên, bình quân mỗi ha nuôi tôm cũng mang lại nguồn thu nhập vài chục triệu đồng, đủ cho nông dân trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.

Ghé thăm nhà Trưởng ấp Mười Biển (xã Thuận Hòa, An Minh) Trần Thanh Hải, cũng là hộ sản xuất theo mô hình tôm - lúa hơn chục năm nay. Toàn ấp có hơn ngàn ha đất thì gần 80% là tôm - lúa, còn lại là đất rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển…

Ông Hải cho biết: “Nông dân ở đây bắt đầu chuyển đổi qua nuôi tôm từ đầu năm 2000, còn trước đây là làm lúa mùa và nuôi cá đồng”.

Theo ông Hải, muốn nuôi tôm trên ruộng lúa được, nông dân phải múc mương chung quanh, làm đê bao chắc chắn để giữ nước, mua vôi, hóa chất cải tạo môi trường… Chi phí cho các khoản này vào khoảng 15-20 triệu đồng mỗi ha.

Trước đây làm lúa mùa, nông dân tự để giống, còn cá đồng tự sinh sản vào mùa mưa, nông dân tốn rất ít vốn đầu tư. Giờ đột ngột cần số vốn lớn nên buộc nông dân phải vay vốn ngân hàng mới đủ sức. Chiếc máy múc Kobe đi đến đâu sổ đỏ chạy ra ngân hàng đến đó.

Hỏi về số hộ dân trong ấp vay vốn ngân hàng để sản xuất, ông Hải ngồi trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi “lắc đầu, không thể nhớ hết”. Mặc dù trước khi vay vốn họ đều phải đến nhà trưởng ấp xin chữ ký.

Trong tổng số 605 hộ nông dân của ấp, ông Hải ước đoán có đến 70-80% đang vay vốn ngân hàng, nhiều nhất là ngân hàng nông nghiệp, chiếm khoảng 50%, còn lại là ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại khác.

Ông Nguyễn Văn Vinh, hộ dân ở ấp Mười Biển, có gần 3 ha đất tôm - lúa tâm sự: “Trước đây làm lúa, nuôi cá chủ yếu là tự cung, tự cấp, không phải làm hàng hóa như bây giờ nên chẳng có mấy hộ tích lũy được vốn nhiều.

Vì vậy, khi chuyển đổi mô hình sản xuất phần lớn nông dân đều phải đi vay vốn. Nhưng thời điểm đó mỗi ha ngân hàng chỉ cho vay có 15 triệu đồng, không đủ đầu tư, phải huy động thêm bên ngoài.

Còn hiện nay, ngân hàng đã nâng mức cho vay lên 25 triệu đồng/ha nên cũng tạm đủ cho nông dân đầu tư nuôi tôm - lúa quảng canh”.

Phó trưởng phòng NN-PTNT An Minh Trương Thị Anh Đào cho biết, hiện nay toàn huyện có gần 90.000 ha đất nuôi tôm, trong đó diện tích đã xuống giống là hơn 81.000 ha.

Năm nay thời tiết không thuận lợi nên tôm gặp dịch bệnh nhiều, chậm phát triển. Cụ thể, từ đầu vụ nuôi đến nay đã phát hiện 14,5 ha bị bệnh đốm trắng và hơn 6.000 ha bị chết do thời tiết bất lợi, EMS (bệnh chết nhanh trên tôm), buộc nông dân phải thu hoạch sớm.

Còn tại huyện An Biên, diện tích thả nuôi tôm vụ này là 11.234 ha, vượt kế hoạch hơn 1.000 ha, trong đó có 603 ha dân nuôi tự phát, ngoài vùng quy hoạch.

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà con tôm mang lại cho người nông dân là rất lớn. Từ khi chuyển qua mô hình tôm - lúa, thu nhập của người dân vùng U Minh Thượng đã được nâng lên gấp cả chục lần so với trồng lúa.

Bằng chứng rõ nhất là kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi, giao thông đi lại thuận tiện, nhà tường thay cho nhà tranh vách lá, cuộc sống tiện nghi. Cùng với đó là nhu cầu vốn cho sản xuất cũng tăng lên, số hộ dân vay vốn ngân hàng ngày càng nhiều.

Ông Lê Văn Ninh, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh An Biên cho biết, ngân hàng được giao nhiệm vụ phục vụ nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn hai huyện là An Biên và U Minh Thượng. Hiện nay, mức cho vay đối với thế chấp sổ đỏ đất tôm - lúa tối đa là 30 triệu đồng/ha.

“Cũng với diện tích đất sản xuất đó, số khách hàng đó nhưng những năm trước đây lượng vốn ngân hàng phát vay chỉ khoảng 300-400 tỷ đồng, giờ phải tăng lên 600-700 tỷ đồng mới đáp ứng đủ”, ông Ninh dẫn chứng về nhu cầu vay vốn.

Theo ông Ninh, tỷ lệ hộ nông dân trên địa bàn thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng thường từ 80-90%, tùy vào từng thời điểm, nhưng thường tăng cao vào các vụ sản xuất. Nông dân thường vay theo gói tín dụng, vì họ kinh doanh tổng hợp cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, thậm chí là vay tiêu dùng nhưng đối tượng chính vẫn là nuôi tôm.

Nhu cầu vốn vay ngày càng tăng, bằng chứng là mức tăng trưởng hàng năm của ngân hàng đều đạt từ 10-15%.

Ngân hàng "giữ dùm" sổ đỏ

Tôm - lúa được nuôi theo hình thức quảng canh, trừ chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, còn các vụ tiếp theo nông dân chủ yếu tốn tiền bơm nước, con giống, công chăm sóc…

Vuông tôm có thể sử dụng 3-4 vụ nuôi mới phải cải tạo, đầu tư lại. Với thu nhập hàng năm của mô hình này khoảng 60-70 triệu đồng/ha, nông dân thừa sức trả dứt nợ cho ngân hàng và tiếp tục tái đầu tư cho vụ tiếp theo.

Vậy lý do gì càng nuôi tôm nông dân lại cắm sổ đỏ ở ngân hàng ngày càng nhiều?

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, mặc dù sản xuất mỗi năm một vụ tôm, một vụ lúa nhưng thu nhập chính chủ yếu là từ con tôm. Còn vụ lúa mục đích chính để cải tạo môi trường đất, lấy gạo ăn vì đây là gạo sạch, rất ít phân thuốc.

“Trước đây, nông dân vay vốn họ sợ không trả được, ngân hàng lấy đất nên trả xong là nằng nặc đòi lấy sổ đỏ về. Nhưng bây giờ khì khác. Rất nhiều hộ trả xong, họ chỉ lấy giấy xóa nợ rồi ung dung ra về.
Bởi họ biết rằng ngân hàng giữ sổ đỏ rất kỹ. Khi có việc gì cần đến mới làm thủ tục rút ra hoặc có nhu cầu về vốn sản xuất thì vay tiếp”. (Ông Lê Văn Ninh, Giám đốc Agribank Chi nhánh An Biên, Kiên Giang)

Trung bình mỗi ha cho thu hoạch 400-500 kg tôm thương phẩm, doanh thu đã gần 100 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, nông dân không khó khăn gì trả dứt nợ cho ngân hàng.

Nhưng số tiền đó họ cần trang trải cho nhiều thứ, nâng cấp cuộc sống tiện nghi ngày càng cao hơn, chăm lo cho con cái học hành. Trúng vụ tôm, thì lo sửa lại cái nhà, đổi cái xe máy mới, mua cái tivi lớn hơn… Mặc dù cũng là đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt hàng ngày nhưng tốn kém nhiều hơn.

“Vì vậy, cứ trả hết nợ rồi lại vay, sổ đỏ tôi để luôn ở ngân hàng, chẳng lấy về làm gì cho mất công. Không riêng gì tôi, mà nhiều hộ nông dân khác ở đây cũng vậy. Để cho ngân hàng giữ còn yên tâm hơn để ở nhà, khi cần khỏi mất công tìm kiếm”, ông Vinh tâm sự.

Ông Lê Văn Ninh cho rằng, số hộ nông dân nuôi tôm thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng ngày càng nhiều là chỉ số tích cực, cho thấy mô hình này hiệu quả nên nhu cầu vốn ngày càng tăng.

Thực tế cho thấy, khi mới chuyển đổi nông dân có gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, nhưng đến giờ thì có thể khẳng định đưa con tôm lên ruộng là đúng đắn.

“Cho người nuôi tôm vay vốn chúng tôi rất yên tâm, hầu hết người vay đều trả được nợ đúng kỳ hạn, khi cần thì họ mới vay tiếp. Mặc dù khối lượng tín dụng cho vay của ngân hàng lớn nhưng tỷ lệ nợ xấu hàng năm chỉ chiếm 0,3-0,4%, mà ở các lĩnh vực khác chứ không riêng nuôi tôm”, ông Ninh khẳng định.

Trong kinh tế, càng làm ăn hiệu quả thì nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất càng tăng, người nuôi tôm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là tài sản quý nhất đối với người nông dân nhưng không ít hộ sau khi trả xong nợ họ vẫn gửi tại ngân hàng, khi nào cần vốn thì lại làm thủ tục ra vay tiếp.


Có thể bạn quan tâm

Dệt Ước Mơ Từ Nấm Dệt Ước Mơ Từ Nấm

Cùng chung niềm đam mê công việc trồng nấm, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TP.HCM, chuyên ngành công nghệ sinh học năm 2012, Cao Ngọc Hải và Bồ Bảo Giang đã xây dựng trang trại trồng nấm linh chi và nấm bào ngư. Bằng sự năng động và vốn kiến thức tích lũy được trong 4 năm đại học, hai chàng trai đã thành công với nghề trồng nấm.

10/11/2013
Trồng Rau Trái Vụ Thu 1 Tỷ Đồng/ha Trồng Rau Trái Vụ Thu 1 Tỷ Đồng/ha

Nhờ áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đã trồng thành công các loại rau ôn đới vào mùa hè, thu nhập lên tới cả tỷ đồng/ha/năm.

10/11/2013
Cân Nhắc Khi Phát Triển Giống Sầu Riêng Không Mùi Cân Nhắc Khi Phát Triển Giống Sầu Riêng Không Mùi

Theo TS. Kozai Naoko, thành viên của dự án Nghiên cứu quốc tế phát triển sầu riêng (Trung tâm nghiên cứu quốc tế về khoa học nông nghiệp Nhật Bản - JIRCAS), đến nay, danh lục sầu riêng của Thái Lan vẫn chỉ dừng lại ở các tên sầu riêng monthong (gối vàng), Gan yao (cán dài) và Channe, chưa thấy Chanbury 1 (tên của giống sầu riêng mới không mùi, công bố năm 2007).

10/11/2013
Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc Quang Không Ngừng Vươn Xa Chú Trọng Chất Lượng Để Cam Sành Bắc Quang Không Ngừng Vươn Xa

Có một thời gian do nhiều yếu tố như thị trường không ổn định, người dân thiếu quan tâm, nhiều diện tích cam bị già cỗi, sâu bệnh, vùng cam Bắc Quang và một số vùng trồng cam trong tỉnh Hà Giang bị suy giảm diện tích. Từ đó, làm lãng phí một tiềm năng và một đặc sản vốn là niềm tự hào của đất Hà Giang. Với chủ trương phục hồi và phát triển các diện tích cam, quýt, huyện Bắc Quang đã và đang quan tâm, chú trọng đến vấn đề chất lượng nhằm không chỉ phục hồi mà còn đưa trái cam sành Bắc Quang không ngừng vươn xa...

10/11/2013
Cây Chanh Hứa Hẹn Hiệu Quả Trên Vùng Đất Mới Cây Chanh Hứa Hẹn Hiệu Quả Trên Vùng Đất Mới

Huyện Tân Phước là một huyện nghèo của tỉnh Tiền Giang, nhân dân quanh năm chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Xác định cây khóm, khoai và lúa là cây trồng chủ lực nên huyện Tân Phước từng bước thay da đổi thịt.

10/11/2013